Na Hang (Tuyên Quang) có nhiều điều kiện, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp. Bằng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, bước đầu huyện đã đạt được những kết quả tích cực.
Phát huy thế mạnh địa phương
Những năm gần đây, huyện Na Hang đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời, tích cực lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng để tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng xây dựng thương hiệu địa phương, qua đó, nâng cao giá trị. Tiêu biểu là sản phẩm chè, Na Hang có trên 1.300ha chè đặc sản; năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang.
Khách du lịch trải nghiệm ruộng bậc thang xã Hồng Thái.
Hiện, Na Hang có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và 28 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (có sản phẩm chè một tôm, một lá đang làm hồ sơ đánh giá 5 sao), lọt vào top những sản phẩm “Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam”, tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái…
Trong phát triển du lịch, huyện đã hoàn thành quy hoạch một số điểm du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, các tuyến đường giao thông kết nối. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử; gắn kết với phát triển du lịch; duy trì và tổ chức hằng năm Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Na Hang, Lễ hội Hoa lê Hồng Thái. Xây dựng 3 làng văn hóa tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; thôn Nà Khá, xã Năng Khả; thôn Bản Bung, xã Thanh Tương...
Đến nay, huyện đã hình thành và phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao các sản phẩm du lịch đặc trưng hiện có, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, hiện đại như: trải nghiệm quần thể rừng nghiến 1.000 năm tuổi gắn với khám phá hang động, làng văn hóa các dân tộc; bay dù lượn, bay khinh khí cầu biểu diễn; đua xe ô tô địa hình, xe đạp… vào thử nghiệm để thu hút khách du lịch.
Mùa hoa lê, xã Hồng Thái trở thành điểm du lịch yêu thích của khách du lịch cả nước.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cho biết, những năm qua, huyện rất quan tâm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Để thu hút du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với xã Hồng Thái, đã chỉ đạo nhân dân duy trì, chăm sóc tốt vườn lê, phát triển trồng hoa, rau cải, quy hoạch đồng ruộng gieo cấy đúng khung thời vụ, cùng một loại giống, để lúa chín vàng đều phát triển du lịch. Nhờ vậy, bà con có nguồn thu thêm từ chụp ảnh và các dịch vụ khác khi du khách tới tham quan.
Hình thành các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch
Theo ông Quý, phát triển du lịch lòng hồ là nét đặc trưng nhất của huyện, tiến tới phát triển thủy sản gắn với du lịch. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu với huyện quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản để đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường. Quản lý các hộ nuôi, các thuyền bà con đánh bắt tự nhiên để thuận lợi cho việc quản lý.
Tham mưu, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ huyện, thực hiện khâu đột phá, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với du lịch. Tiến tới hình thành mô hình trồng trọt gắn với du lịch, thủy sản gắn với du lịch và du lịch trải nghiệm.
Hiện, Na Hang có 28 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có sản phẩm chè một tôm, một lá đang làm hô sơ đánh giá 5 sao.
Thực hiện tốt đề án sản xuất một số cây trồng hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị. Đối với các xã có tiềm năng phát triển du lịch như: Hồng Thái, Thanh Tương, Năng Khả và Khau Tinh, hiện đang thí điểm du lịch trải nghiệm, thăm các rừng nguyên sinh, các quần thể nghiến, các hang động.
Ông Quý nhấn mạnh, huyện đặt ra mục tiêu, mỗi quý tổ chức một sự kiện để thu hút du khách. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đã có, gắn với phát triển du lịch, tạo điều kiện để phát triển du lịch như: quy hoạch lại cánh đồng, đường đi, điểm check in, chòi check in. Phát triển thủy sản gắn với phát triển du lịch, vừa phát triển vừa làm mô hình cho du khách vào tham quan, mua cá, check in...
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.