Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 11:12

Nậm Xây “đau đáu” thoát nghèo

Là xã vùng 3 của huyện Văn Bàn (Lào Cai), Nậm Xây đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bởi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn lực thiếu, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Để vượt khó, Nậm Xây đang tích cực huy động mọi nguồn lực thoát nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.

“Lấy sức dân lo cuộc sống cho dân”

Nậm Xây gồm 6 thôn, bản với 547 hộ, 3.181 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Dao, Mông, Tày, Kinh sinh sống rải rác theo các sườn đồi, khe suối. Là xã thuần nông, bà con chủ yếu sản xuất ngô, lúa truyền thống nên thu nhập không cao, bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm; có 245 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Số dân trên và dưới độ tuổi lao động khá cao nên cuộc sống còn rất nhiều vất vả.

Các em học sinh tiểu học nhận được 15 gường tầng và 42 chăn ấm cho mùa đông năm 2022.

Ông La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây, tâm sự: “Thực hiện XDNTM, chúng tôi cũng xác định còn rất nhiều khó khăn chồng chéo. Như muốn vận động bà con chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế thì vấp phải đường sá đi lại khó khăn, mưa lũ gây sạt lở, đứt đoạn, cản trở giao thông. Trong khi, trình độ dân trí chưa cao, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, như: Việc kiêng cữ của người Dao theo ngày (kiêng nước, gió, hồ, báo...; không ai được làm gì liên quan đến ngày kiêng đó), cắp vợ, tảo hôn của người Mông và uống rượu say sưa trong các đám hiếu, hỷ kéo dài... Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các công trình giao thông, trường học, hội quán các thôn đã xuống cấp và không đảm bảo theo quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chí NTM, nên cần làm mới hoặc nâng cấp sửa chữa. Nguồn ngân sách các cấp đầu tư cho xã còn hạn chế nên chưa chủ động thực hiện các kế hoạch đề ra. Khó khăn nhất phải kể đến 3 thôn vùng cao: Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài, Mà Sa Phìn với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông dưới những nóc nhà thưa thớt, rải rác trên các triền núi”.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng,  Nhà nước và các cấp, cùng với sự tự lực vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân toàn xã, đoàn kết nhất trí với quan điểm “Lấy sức dân lo cuộc sống cho dân”, Nậm Xây tìm cách “gỡ khó” bằng việc tăng cường kêu gọi và huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để chủ động thực hiện những hạng mục cải thiện đời sống nhân dân như: Trang bị cơ sở vật chất cho trường học, cứng hóa nhà tạm, dột nát, vận động nhân dân chủ động thực hiện các tiêu chí vệ sinh môi trường cộng đồng và nhà ở. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo XDNTM xã đã quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất và có nhiều giải pháp phấn đấu đạt và vượt diện tích kế hoạch giao.

Xây các hố rác tập trung để bảo vệ môi trường.

Ông Toan chia sẻ: “Năm 2022, xã đã huy động được hơn 300 triệu đồng từ các ban ngành, đơn vị, cơ quan để sửa chữa trường, lớp học trên địa bàn, bổ sung được 15 giường tầng và 42 chăn ấm cho học sinh tiểu học, làm được một đoạn đường giao thông với kinh phí 80 triệu đồng, đã và đang cứng hoá 5 ngôi nhà tạm cuối cùng, không còn nhà tạm, dột nát trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã cũng tích cực kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất với bà con luân phiên cây trồng, không bỏ hoang ruộng 7 tháng (vì người dân chỉ cấy một vụ lúa/năm). Nhờ vậy, người dân trong xã đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Một số hộ dân đã mạnh dạn tham gia dự án và đầu tư trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp quế, xoan, mỡ…”. 

Việc huy động nhân dân các thôn, bản tập trung làm mới đường GTNT, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nội thôn cũng có kết quả khả quan khi người dân thôn Giàng Dúa Chải và thôn Phiêng Đóong dùng nguồn lực của thôn và huy động nhân dân tự mở mới 1,2 km đường nội đồng với bề rộng 4,8m, tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thôn bản tự làm được 6km đường giao thông ngõ, xóm bằng việc hiến đất, hiến công.

Quyết tâm về đích NTM

Dù mới hoàn thành 10/19 tiêu chí nhưng Ban Chỉ đạo xã Nậm Xây đã thể hiện quyết tâm về đích NTM qua việc xem xét và lựa chọn các tiêu chí trọng tâm làm tiền đề cho các tiêu chí khác như: Đường giao thông, điện, thuỷ lợi, trường học... để ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chủ động thực hiện các tiêu chí thuộc phần việc chủ động của người dân như: Vệ sinh môi trường, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục, lao động việc làm, mô hình sản xuất. Tiếp tục thực hiện liên kết trong sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân. Đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định tình hình an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn xã.

Tuyến đường đến thôn Giàng Dúa Chải đang được mở mới.

Ông Toan cho biết: “Thời gian tới, tất cả các thôn phải vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét;  các thôn, bản tích cực đăng ký thôn kiểu mẫu. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM phải đổi mới phương pháp tiếp cận người dân trong công tác tuyên truyền theo từng chủ đề chuyên sâu, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền về cơ chế, chính sách mới, các mô hình tiêu biểu trong phát triển sản xuất hàng hóa có liên doanh, liên kết; phương pháp, cách làm hay. Tổ chức tập huấn theo các chủ đề chuyên sâu nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, quản lý, nhất là kiến thức kinh tế thị trường và thi công các công trình xây dựng cơ bản.

Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường, trạm y tế xã, trường học ở các thôn, bản. Tiếp tục vận động nhân dân sản xuất lúa nếp bản địa để tạo hàng hóa liên kết bao tiêu sản phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã sản xuất kinh doanh và đầu tư vào trồng cây ăn quả, trồng rừng và rau màu hữu cơ. Triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top