Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 10:35

Nắng ấm startup nông nghiệp (Bài 2): Đâu là khó khăn?

Nước ta có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Đây là thị trường mới và mở rất hấp dẫn cho cả startup trong và ngoài nước. Thuận lợi nữa của các startup nông nghiệp là thị trường; Hiện người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm từ nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và cơ hội xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, để khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp “sạch”, gặp khá nhiều khó khăn.

Mặc dù có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai nhưng triển khai chưa hiệu quả nên doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều. Kiến thức và chuyên môn cũng là những yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp… nhưng cũng còn những khoảng trống...

>> Bài 1: Những mô hình đầu tiên

“Tự bơi”…

Nguyễn Khánh Trình không phải gương mặt xa lạ với cộng đồng startup khi anh là founder (người sáng lập) kiêm CEO (giám đốc điều hành) Công ty CP Quảng cáo Thông Minh (CleverAds) từ năm 2004. Năm 2016, anh lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp với dự án Trang trại Trung Thực (xã Hiền Lương, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) theo mô hình tự cung tự cấp; sử dụng giun quế làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân bón cho cây trồng. Mong muốn của anh là thay đổi thói quen trồng trọt và tiêu dùng để người dân được sử dụng những thực phẩm sạch nhất có thể. Song, với Trình, câu chuyện đưa thực phẩm an toàn đến được tận tay người tiêu dùng vẫn là hành trình gian nan bởi nhiều rào cản, trong đó có cơ chế quản lý.

Nông trại dự án ớt VietGAP tại Buôn Đôn (Đắk Lắk).

“Có quá nhiều loại giấy phép cho một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trong khi chính sách, luật lại thay đổi liên tục. Cửa hàng có giấy phép Vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp nhưng khi quản lý thị trường đến kiểm tra thì lại yêu cầu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của Sở Công Thương”, Trình cho hay.

Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM, đánh giá, các dự án khởi nghiệp nông nghiệp thời gian qua tại Việt Nam khá sôi động là bởi cộng hưởng tinh thần startup chung.

Tuy nhiên, ông An cho biết, do đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các dự án gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường bởi giá thành sản xuất tương đối cao, sản phẩm bị đánh đồng với hàng hóa thông thường. Khác với nhiều startup, lĩnh vực nông nghiệp rất cần quỹ đất lớn trong khi cơ chế và quỹ đất công cho dự án khởi nghiệp gần như chưa có. Các founder và CEO gặp khó trong việc thuê hoặc mua đất. Chưa kể các dự án khó tiếp cận các nguồn tín dụng khi không có tài sản thế chấp...

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam ghi nhận có sự xuất hiện nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, nông nghiệp không phải là lĩnh vực được các quỹ này nhắm tới. Đại diện một quỹ cho biết, họ quan tâm đến các dự án startup có hàm lượng sáng tạo hoặc công nghệ cao. Với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, khó đưa ra tiêu chí để đánh giá mức độ thành công.

Suy nghĩ về khó khăn trong khởi nghiệp nông nghiệp, anh Nguyễn Tiến, Chủ nhiệm HTX Trồng ớt Buôn Đôn (Đắk Lắk), sở hữu 5ha ớt trồng theo quy trình VietGAP, cho biết, HTX đang hoạt động bằng dòng tiền cá nhân, gói hỗ trợ của huyện cho các mô hình khởi nghiệp và vay mượn theo lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại.

Khi thành lập HTX, anh Tiến may mắn tiếp cận các gói hỗ trợ không hoàn lại của địa phương và gói vay lãi suất 0,5%/tháng, đối đa 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy hỗ trợ này chỉ chiếm phần nhỏ trong việc duy trì sản xuất và mở rộng quy mô nhưng “có còn hơn không”. Phần còn lại, anh phải vay theo lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại để đủ kinh phí duy trì trồng trọt và thù lao cho bà con nông dân.

“Việc tiếp cận vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là có thể được, tuy nhiên, những startup như chúng tôi khó có thể vay vì thủ tục và phần thẩm định khá chặt chẽ. Nhất là phần định giá tài sản, giá đất ở đây thấp kéo theo số tiền vay cũng ít hơn rất nhiều so với việc tôi đi vay của ngân hàng thương mại”, anh Tiến bày tỏ.

Cùng cảnh ngộ, anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country, cho biết, năm 2019, tình hình tiêu thụ ớt của nông dân Thanh Hóa gặp khó khăn do Trung Quốc đóng biên bởi đại dịch Covid-19. Vì thế, anh tìm hiểu và quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất tương ớt an toàn, không có phụ gia thực phẩm. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động,  doanh nghiệp đã dần ổn định với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Cương cho rằng, quá trình hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp từ nông nghiệp như anh gặp rất nhiều khó khăn:  vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ;  doanh nghiệp thiếu đất xây dựng nhà máy, nhà xưởng nên phải thuê đất với chi phí khá lớn; chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm mà phải “tự bơi”.

Biến đổi khí hậu: Thách thức mới

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, cho biết, các công ty nông nghiệp thường gặp khó khăn khi làm việc với người lao động phổ thông, đặc biệt với  đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, nhưng chính bản thân ông Hoàng cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hòa nhập với bà con nông dân.

“Cách điều hành ở các tập đoàn rất khác, họ áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hay các tiêu chuẩn hữu cơ… cho trang trại xanh, sạch. Nhưng người lao động phổ thông, đôi khi phải hiểu họ, hiểu văn hóa bản địa của họ, tập tục của họ để làm sao cùng với họ tạo ra tinh thần win-win (cùng thắng)”, ông Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, dù áp dụng công nghệ số thì ngành nông nghiệp cũng gặp khó khăn bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Ví dụ năm nay, ở Bình Phước và một số tỉnh xuất hiện tình trạng mưa trái mùa, gây rụng bông cây ăn trái,cây công nghiệp hay sương muối làm khô bông, giảm năng suất cây trồng. Lúc này, phải ứng dụng xe phun để rửa bông, làm sạch sương muối, giảm ảnh hưởng do hiệu ứng trái mùa gây ra, nhưng lại làm tăng chi phí sản xuất.

“Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị luôn là   thực trạng nhức nhối của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta chưa chú trọng đầu tư chế biến sâu thì chuyển đổi số là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Việt Nam được  Liên Hợp quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình BĐKH. Trong bối cảnh chung đó, HTX nông nghiệp và các hộ thành viên cũng chịu những ảnh hưởng xấu của BĐKH, thiên tai, dịch bệnh. Thực tế cho thấy, BĐKH, thiên tai, dịch bệnh đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo hướng tiêu cực. Trong khi BĐKH lại khó dự đoán và phức tạp. Theo các chuyên gia, nếu như các cuộc khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng dầu khí, khủng hoảng vàng xảy ra thì khi đề ra các giải pháp, các ngành chức năng có thể bám vào các nguyên lý của các đối tượng này. Tuy nhiên, BĐKH là một dạng khủng hoảng phi truyền thống, nó bất định và mơ hồ nên khi xảy ra khiến sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều tác động vô hình. Những tác động này nhanh chóng gây áp lực lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo cách không thể lường trước được.

Người tiêu dùng chưa thực sự tin hàng  Việt

Chị Sầm Thị Tình, HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) chia sẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn. Như HTX Hoa Tiến hiện sản xuất, cung cấp các sản phẩm dệt từ thổ cẩm của dân tộc Thái cho thị trường.

Tuy nhiên, do sản phẩm chủ yếu là thổ cẩm nên rất kén khách, chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Trong khi đó, việc tiếp cận nhóm khách này rất khó khăn, một phần do hạn chế về ngôn ngữ. Cùng với đó là  khó khăn về kinh tế nên du khách chưa tới Việt Nam nhiều. Đó là chưa kể, HTX cũng thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, công nghệ sang chiết màu. Ví như, có sản phẩm cần màu tự nhiên nhưng do thiếu máy móc, HTX đành phải dùng phương pháp thủ công. Ví như đun lá cây trên bếp củi rồi sang chiết lấy màu...

Trần Thị Hường - CEO dự án Chùm ngây Việt.

Cũng tâm huyết với ngành nông nghiệp và các chế phẩm sạch, đang làm kế toán cho doanh nghiệp nước ngoài, Trần Thị Hường nghỉ việc để khởi nghiệp. Chị thuê đất ở Đan Phượng (Hà Nội), tự trồng chùm ngây, thu hoạch rồi đem bán tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị và shop online. Được một thời gian, thấy không ổn, chị chuyển sang kinh doanh các thành phẩm từ cây thuốc. Chị chọn dùng công nghệ sấy lạnh.

Để có thành phẩm chùm ngây khô, chị cần máy sấy nhưng máy có giá cả tỷ bạc. Chạy vạy khắp nơi vay mượn bạn bè và người thân vẫn không đủ. “Nghe nói ngân hàng có cho vay vốn ưu đãi mảng nông nghiệp, tôi cũng tính vay nhưng thủ tục rườm rà nên không dám đặt vấn đề, nhất là với dự án khởi nghiệp rủi ro cao”, chị Hường chia sẻ.

Suy nghĩ mãi, Hường đến Đại học Bách Khoa Hà Nội, trình bày ý tưởng và cuối cùng chị cũng lắp đặt hệ thống máy sấy lạnh made in Vietnam với giá chỉ bằng một phần ba nhập ngoại.

Sau khi có các sản phẩm sấy khô, cô chủ trẻ tuổi lại đối diện với bài toán tìm đầu ra. “Người Việt không tin tưởng chất lượng sản phẩm do người Việt làm ra mà lại chuộng hàng ngoại. Đây là rào cản lớn nhất của dự án khi tiếp cận khách hàng”, Hường nói.

Theo chị, hàm lượng dinh dưỡng được kiểm nghiệm rõ ràng. Trong khi người Nhật, Hàn sang Việt Nam mua sản phẩm thì người Việt lại tìm chọn sản phẩm nước ngoài với giá cao gấp mấy lần. Hường trăn trở vì người tiêu dùng chưa thực sự tin ở hàng nông nghiệp Việt.

Không chỉ gặp khó khăn khi khởi nghiệp, các start-up nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng quy mô. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cho hay, các start-up về nông nghiệp có thể giỏi về chế biến sản phẩm, nhưng để sản phẩm của họ nâng lên một tầm cao mới, quốc tế hơn, thì cần được người có kinh nghiệm hướng dẫn.

“Để mở rộng quy mô còn nhiều yếu tố khác và rất khó để làm một mình, nên các bạn phải tìm người đồng hành. Việc mở rộng quy mô cần những người có năng lực và sự tin tưởng lẫn nhau”, bà Vân nhấn mạnh.

Đối với AgriDrone Việt Nam, startup chuyên sản xuất thiết bị bay đang áp dụng công nghệ cho hơn 30.000 hộ nông dân trên toàn quốc,  khó khăn ban đầu là việc tuyển dụng nhân sự và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thiên Vũ, CEO AgriDrone Việt Nam thừa nhận bản thân mình là người “thuần kỹ sư”, nay đi bán hàng, mà lại bán hàng công nghệ cao cho bà con nông dân nên rất khó tạo sự tin tưởng.

“Khi mình mang sản phẩm đến với bà con, họ rất ngờ vực, cho rằng mấy đứa này mới học xong, không hiểu gì về nông nghiệp, thích dạy và nói chuyện trên trời. Điều này làm tôi có đôi lúc nản chí. Việc làm nông đang bị nhiều bạn trẻ chê là kém sang. Thanh niên thường lên phố, các khu công nghiệp dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng nông nghiệp thiếu. Trong khi dư địa phát triển nông nghiệp nước nhà lớn, nhu cầu tuyển dụng cũng cao, như kĩ sư nông nghiệp, quản lý trang trại và nhân sự trong nhà máy sản xuất thành phẩm nông nghiệp…”, ông Vũ cho hay.

Là người đồng hành và hướng dẫn nhiều bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, chia sẻ, những bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp có khát vọng mãnh liệt, muốn nâng giá trị sản phẩm của quê hương, nâng giá trị bản địa lên. Mặc dù khát vọng, nhưng các bạn lại gặp phải bế tắc vì vẫn còn mới mẻ và thiếu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, người đại diện thương hiệu Vinamit nhìn nhận, sau dịch Covid-19, thế giới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe, quan tâm đến các sản phẩm từ thiên nhiên. Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều cơ hội cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, start-up về nông nghiệp phải đầu tư vào khoa học - công nghệ, phải tìm hiểu về công nghệ sinh học, thậm chí là công nghệ phân tử, công nghệ nano vì đó là tương lai. Phải biết nghiên cứu sản phẩm để lấy bằng sáng chế, tránh trường hợp bị “biến đổi sáng tạo”.

Khởi nghiệp nông nghiệp không nên là “sân chơi”

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, một thiết bị máy bay không người lái có giá 500-700 triệu đồng, một máy san phẳng đồng ruộng gắn thiết bị laser có giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân nhiều HTX khó có thể đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Bên cạnh khó khăn về vốn, năng lực hiểu biết, trình độ của cán bộ quản lý HTX và thành viên vẫn còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, thiếu cán bộ kỹ thuật am hiểu về công nghệ là một trong các nguyên nhân gây khó khăn cho HTX nông nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, số lượng HTX tiếp cận các chính sách về KHCN còn ít, chỉ chiếm 4,1% và chủ yếu là được tiếp cận qua các đề tài, công trình nghiên cứu. Nguyên nhân là do nguồn lực hỗ trợ của một số địa phương còn hạn chế, quy trình thủ tục phức tạp, HTX không đủ vốn đối ứng…

Mô hình trồng lúa thông minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (Tháp Mười, Đồng Tháp).

Năm năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp  cho biết, đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Lao động nông - lâm - thủy sản có xu hướng giảm nhanh thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông - lâm - thủy sản của vùng Đông Nam Bộ giảm từ 1,24 triệu người (năm 2011) còn 778 nghìn (năm 2020),  giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm). Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (giảm 7,2%, tương ứng với 729,4 nghìn người). Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.

Chất lượng của lao động nông - lâm nghiệp - thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông - lâm nghiệp - thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giáo dục, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, chính là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng không nên làm theo phong trào, không nên coi đây là “sân chơi” chơi mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật.

“Không phải chỉ học nông nghiệp đơn thuần mới làm nông nghiệp được. Trong nền kinh tế ngày nay các ngành, môn học cần có sự liên kết với nhau. Ví dụ học du lịch, học quản trị kinh doanh, học thương mại, cơ khí,... cũng làm nông nghiệp được, thậm chí là làm rất tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nền kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng.

 

Bài 3: Giải pháp nhân rộng

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top