Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024 | 16:1

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là đảm bảo tốt môi trường ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Đa dạng các mô hình BVMT

Theo ngành chức năng Bến Tre, tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn, không để phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Bến Tre có nhiều mô hình BVMT đã đạt được một số kết quả khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Điển hình như, Ba Tri là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Theo năm tháng, do giá cao, ổn định nên con bò không chỉ là nguồn kinh tế phụ mà nó trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình vùng nông thôn. Đến nay, Ba Tri là địa phương có nghề chăn nuôi bò lớn nhất tại tỉnh Bến Tre cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng đàn bò trên 100.000 con.

Đảm bảo tốt môi trường ở khu vực nông thôn Bến Tre.

Từ đó, bà con đã tận dụng nguồn phân bò, cộng với cỏ khô trộn lại để ủ thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân bón hữu cơ này để trồng rau sạch rất hiệu quả. Và cũng chính mô hình này cũng đã làm thay đổi ý thức trong BVMT tại khu vực nông thôn, giúp tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tạo ra sản phẩm để tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người nông dân.

Tại địa phương Chợ Lách, UBND huyện đã triển khai các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, bước đầu hỗ trợ xây dựng 200 hố rác 3 ngăn và 300 thùng ủ phân compost, sau đó dần dần nhân rộng tại các xã, thị trấn. Đồng thời, MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cũng đã xây dựng nhiều mô hình hay, như: Hội Phụ nữ huyện có 21 tổ thu gom, phân loại rác tại nguồn; Đoàn thanh niên thành lập 11 đội hình thanh niên xung kích BVMT; Hội Cựu chiến binh phát triển 24 tổ nhóm tham gia BVMT, mô hình xây lò đốt rác tại hộ gia đình trong cán bộ, hội viên; Hội Nông dân thì có 70 tổ, nhóm tham gia BVMT và 30 mô hình về BVMT…

Còn đối với Bình Đại, huyện đã đẩy mạnh triển khai các mô hình: “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa tích điểm lấy giỏ xách và thùng rác”, “Đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập”, “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”, “Xử lý rác thải tại nguồn”,… tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện công trình trồng cây xanh với khoảng 5.000 cây xanh các loại; tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình BVMT; đồng thời tập trung vận động những hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây hố đốt rác tại gia đình, phân loại rác tại nguồn… Qua đó đã nâng cao ý thức của người dân về BVMT và góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Tăng cường công tác quản lý

Chia sẻ về công tác BVMT trên địa bàn, ông Trần Văn Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Tri thông tin, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm gìn giữ môi trường, nhất là việc BVMT trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng kiên quyết không cấp phép đối với các loại hình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cũng như các loại hình không phù hợp với quy hoạch đất đai.

Còn riêng với địa phương Chợ Lách có hơn 75% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho hay, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể BVMT trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã và đang tập trung công tác tuyên truyền về nhiệm vụ BVMT, cùng với tổ chức triển khai mô hình lưu giữ bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và triển khai mô hình hố rác gia đình 3 ngăn. Việc làm này, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, có sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương.

Theo ông Phạm Anh Linh, thời gian tới, Chợ Lách sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác BVMT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì thuốc sau khi sử dụng theo đúng hướng dẫn các ngành chức năng; cũng như nâng cao nhận thức, từng bước nâng cao trách nhiệm của người dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT luôn được luôn các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhìn chung đến nay, các nguồn phát thải trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, chất lượng môi trường thành phần hầu hết trong giới hạn cho phép, chỉ số môi trường tỉnh Bến Tre được cải thiện hơn qua các năm. Đáng lưu ý nhất là các cấp, ngành, đoàn thể và người dân từng bước nâng cao nhận thức, xem công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng và đã có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT, giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Trịnh Minh Khôi, để góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh, Sở TN&MT Bến Tre đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định, kế hoạch, chương trình về nhiệm vụ BVMT. Đơn vị đã bố trí, sắp xếp lực lượng trực tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, chủ động phòng ngừa và có kế hoạch huy động nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nếu có xảy ra theo hướng nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải theo phân công, phân cấp; đặc biệt là các dự án và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao luôn được giám sát chặt chẽ thông qua các hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục hoặc các biện pháp khác phù hợp.

Ngoài ra, Sở TN&MT Bến Tre cũng sẽ tiếp tục tham mưu triển khai chương trình, kế hoạch hành động về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Cũng như tăng cường sự phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về công tác BVMT gắn với quản lý tài nguyên sâu rộng đến nhân dân. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Bến Tre xanh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về BVMT, trồng và bảo vệ cây xanh phân tán, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ rừng, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương Bến Tre theo hướng bền vững.

Nông dân Vĩnh Phúc với nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Với sự lan tỏa tích cực từ phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, diện mạo khu vực nông thôn trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới; sản xuất nông nghiệp ngày càng chuyên nghiệp theo hướng quy mô, bài bản, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm mỗi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trước đây, việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần dường như đã trở thành thói quen của nhiều người dân trên địa bàn xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Tuy nhiên, từ khi tham gia hưởng ứng phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, các hội viên nông dân không những đã hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa, mà còn chú trọng tới việc sản xuất, chăn nuôi bảo đảm an toàn, bền vững, tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp.

Chị Nguyễn Thị Hường, hội viên Chi hội Nông dân thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương cho biết: “Để nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau thực hiện những việc nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa như không sử dụng túi nilon, phân loại rác thải, sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp… Vào ngày mùng 10 hằng tháng, chúng tôi cùng nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp an toàn”.

Từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” tới toàn thể cán bộ, hội viên. Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, chất thải; không sử dụng túi nilon, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thường xuyên nạo vét kênh mương, cống rãnh, ao, hồ, hệ thống thoát nước.

Sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; chấp hành các quy định về sử dụng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi; không sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; sử dụng các biện pháp an toàn sinh học cho cây trồng, vật nuôi, chú trọng phòng, chống dịch bệnh; định kỳ tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại các chi hội, tổ hội, tổ dân phố, tổ liên gia…

Các tuyến đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường được hội viên nông dân thường xuyên vệ sinh, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Dương Chung

Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp hội như mô hình “Làm sạch từ nhà ra ngõ, từ ngõ vào nhà” của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường; mô hình 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng) của Hội Nông dân thành phố Vĩnh Yên; mô hình hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” của Hội Nông dân thành phố Phúc Yên; mô hình xây dựng tuyến đường hoa của 11 chi hội nông dân của xã Liên Châu, huyện Yên Lạc…

Nhằm tạo ra nhiều nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của nhóm nông dân liên kết như sản xuất và hướng tới xây dựng thương hiệu rau hữu cơ Vĩnh Phúc, quy mô 5 ha tại phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên; chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc; mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, du lịch sinh thái tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; chăn nuôi gia súc “4 không - 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại) tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô...

Các mô hình đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phát huy thế mạnh mỗi vùng, địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa.

Để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội Nông dân còn đẩy mạnh việc thực hiện mô hình cộng đồng dân cư “3 xanh - 3 sạch - 3 đẹp” (xanh vườn nhà, xanh hàng rào, xanh đường làng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường; đẹp nhà, đẹp xóm, đẹp làng) tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô; tuyến đường nông dân tự quản tại các xã, thị trấn Hợp Châu, Tam Quan, Đại Đình, huyện Tam Đảo, Hoàng Hoa, huyện Tam Dương; hình thành hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi hội, tổ hội…

 
Thanh Xuân (Tổng hợp từ baotainguyenmoitruong, baovinhphuc...)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top