Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 10 năm 2022 | 21:45

Nâng cao năng suất lao động trong kinh tế nông nghiệp - nông thôn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, năng suất lao động (NSLĐ) trong kinh tế nông nghiệp - nông thôn vẫn chưa tương xứng với sự phát triển chung của nền kinh tế, vẫn còn thấp hơn so các nước trong khu vực và trên thế giới. Có rất nhiều lý do làm cho NSLĐ thấp, trong đó có quy mô kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế lạc hậu, chậm chuyển đổi và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...

Bài 1: Năng suất lao động thấp, đâu là nguyên nhân?

Theo ý kiến của các chuyên gia, nguyên nhân NSLĐ thấp là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, nền nông nghiệp Việt Nam chưa chuyển mình theo hướng nông nghiệp hiện đại gắn với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Vùng nông thôn vẫn còn nạn ô nhiễm môi trường, thiếu quy hoạch sản xuất đối với làng nghề, năng lực làm chủ của người nông dân vẫn còn hạn chế và thể chế chính sách vẫn còn có nhiều bất cập, làm cho năng suất lao động ở lĩnh vực này phát triển không cao, thậm chí còn kém phát triển.

Trăn trở về năng suất lao động

Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, NSLĐ Việt Nam dù đã được cải thiện trong giai đoạn 2016 – 2020, song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

HTX NN Sông Hồng sản xuất ống hút bằng rau củ quả.

Những yếu tố làm cho NSLĐ của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó phải kể đến xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…

Thiếu những doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp

Khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, nhưng phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, đang sử dụng công nghệ lạc hậu.  Theo ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta còn thiếu những doanh nghiệp lớn. Mặc dù nước ta đã có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng vẫn còn chưa tương xứng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội) Lê Văn Tám chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn: “HTX NN Sông Hồng tiên phong ứng dụng nhà màng công nghệ cao sản xuất rau quả an toàn tại huyện Đông Anh, gần đây HTX đã nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm ống hút từ rau, củ, quả thân thiện với môi trường, thiết thực hưởng ứng cuộc chiến toàn cầu chống rác thải nhựa… Tuy nhiên, hiện nay, HTX đang phải đối mặt với khó khăn liên quan đến vấn đề mặt bằng nhà xưởng..., muốn mở rộng sản xuất nhưng không có để mở, do đó, không thể nâng cao được NSLĐ”.

Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Hàm Long (Gia Lai) Nguyễn Phúc Hoạt, nếu không có vốn để đầu tư công nghệ chế biến chanh leo sau thu hoạch, không có mặt bằng để mở rộng sản xuất thì NSLĐ sẽ không cao, đồng nghĩa là giá trị trái chanh leo sẽ không nhiều.

“Vùng đất Tây Nguyên có thổ nhưỡng và khí hậu rất tốt để trồng cây chanh leo. Loại quả này được thu hoạch quanh năm, vì thế, trong quá trình chế biến không sợ khan hiếm nguồn nguyên liệu. Thêm nữa, tôi có mối quan hệ với thị trường Trung Quốc nên mọi việc có những thuận lợi cơ bản. Mặc dù là công ty nhưng số lượng công nhân không nhiều, nguyên nhân cũng chỉ không có mặt bằng để mở rộng sản xuất, không có vốn để đầu tư máy móc, công nghệ cho sản xuất sau thu hoạch thì NSLĐ làm sao mà cao được”, ông Hoạt chia sẻ.

Doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thế nhưng, trong những năm qua, việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp  gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này tiềm ẩn rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia; doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai khi tham gia đầu tư; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhằm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, Bộ sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ; phấn đấu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 16.100 doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 20 năm qua (2000-2020), lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Nếu năm 2000, nông nghiệp chiếm tới 80,79% giá trị gia tăng của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (thủy sản chiếm 13,76%, lâm nghiệp chỉ chiếm 5,45%), thì năm 2010, nông nghiệp chỉ còn chiếm 78,27%, giảm 2,52 điểm phần trăm so với năm 2000; lâm nghiệp chiếm 3,55%, giảm 1,9 điểm phần trăm; thủy sản chiếm 18,18%, tăng 4,42 điểm phần trăm. Đến năm 2020, nông nghiệp chiếm 72,84%, giảm 5,43 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 7,95 điểm phần trăm so với năm 2000; lâm nghiệp chiếm 4,82%, tăng 1,27 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 0,63 điểm phần trăm so với năm 2000; thủy sản chiếm 22,34%, tăng 4,16 điểm phần trăm so với năm 2010 và tăng 8,59 điểm phần trăm so với năm 2000.

Quy hoạch làng nghề còn thiếu chủ yếu vẫn sản xuất trong khu dân cư.

Chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, vì vậy, cần phải đáp ứng các vấn đề mới phát sinh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đồng nghĩa với quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp. Một bộ phận nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa không còn đất hoặc còn rất ít đất để sản xuất nông nghiệp, trong khi đó lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyển đổi nghề nghiệp nên dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và vòng luẩn quẩn của đói nghèo, đặc biệt đối với những lao động đã lớn tuổi. Mặc dù bên cạnh chính sách đền bù khi thu hồi đất đã có các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng quá trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp chưa đi vào thực chất.

Trong nguyên tắc tiếp cận hỗ trợ lao động nông nghiệp dịch chuyển khỏi khu vực, trước tiên cần nhấn mạnh vào xác định cơ hội, rồi sau đó mới đưa ra sự hỗ trợ. Chiến lược việc làm cần lồng ghép nhiều chương trình khác nhau. Đào tạo gắn với việc làm; lập nghiệp và mở rộng kinh doanh đi kèm với các dịch vụ hỗ trợ. Thực tế ở các nước cho thấy, việc khuyến khích tạo việc làm trong khu vực nông thôn được thực hiện thông qua nhiều chương trình, dự án của chính phủ và các nhà tài trợ. Để nâng cao hiệu quả thì những hoạt động này cần được kết hợp với nhau từ trên xuống dưới, từ cộng đồng nông thôn tới thành phố. Những người hưởng lợi cần được tiếp cận về dịch vụ việc làm, khuyến nông, đào tạo nghề, tài chính vi mô, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo hiểm xã hội. Để sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ, cần có sự điều phối tốt giữa các cơ quan của chính phủ và các chương trình phát triển.

Đào tạo nguồn nhân lực có vấn đề?

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hiện tại, cứ một người có bằng đại học thì chỉ có 0,35 người có bằng cao đẳng, 0,38 người có bằng trung cấp và 1,35 người có bằng sơ cấp, trong khi đó, trên thế giới, người ta đào tạo 1 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì đào tạo 4 - 5 người tốt nghiệp trung cấp và 10 người tốt nghiệp sơ cấp. Chính vì vậy, số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp hàng năm rất lớn, hiện có khoảng 215.000 người. Hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp vẫn bổ sung vào lực lượng lao động, trong khi họ không làm ra giá trị vật chất, nên NSLĐ chung giảm.

Hiện tại, tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 56% lực lượng lao động, nhưng thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo bài bản (đào tạo từ 3 tháng trở lên và có chứng chỉ công nhận kết quả) chỉ đạt 22%, số còn lại đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, truyền nghề, đào tạo “dăm bữa, nửa tháng” đủ kỹ năng để người lao động đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn. Chưa nói tới chất lượng đào tạo, chỉ cần nói tới gần 80% lực lượng lao động chưa được đào tạo cũng đã giải thích lý do vì sao NSLĐ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực.

Gặp khó trong quy hoạch làng nghề 

Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó, miền Bắc có khoảng 1.500 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình...

Giá trị nổi bật của các làng nghề truyền thống là tài nguyên văn hoá giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú, đa dạng. Có thể thấy rằng, du lịch làng nghề truyền thống đang là mô hình hiệu quả, giúp du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán, lễ hội lâu đời ở các làng nghề cổ truyền.

Vai trò của các làng nghề truyền thống được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của kinh tế - xã hội với những giá trị to lớn, độc đáo. Ở thời đại của công nghệ cao ngày nay, dù có phát triển nhưng cũng không thay thể được sự sáng tạo của các nghệ nhân, nghề truyền thống và các tinh hoa của nhiều nghề truyền thống vẫn còn mãi với thời gian.

Về pháp lý, các văn bản quy định của Bộ Xây dựng hiện hành thì làng nghề gần nhất với loại đất sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, cách áp dụng đó cho thấy một số bất cập lớn bởi đất tiểu thủ công nghiệp không có dân cư cư trú nên dân số không được đưa vào để tính toán hạ tầng xã hội. Do đó, làng nghề nên được xem xét như một loại đất riêng trong quy hoạch. Với chức năng vừa ở, vừa sản xuất thì làng nghề nên được xem là một loại đất trong quy hoạch với các đặc điểm riêng, không thuộc nhóm đất ở, cũng không thuộc nhóm đất sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ở đó, quy hoạch trong đất làng nghề có dân cư như một làng nông nghiệp bình thường, tính toán dân cư trong quy hoạch được áp dụng giống như với đất làng xóm. Hạ tầng xã hội phục vụ đất làng nghề giống như đất làng xóm. Do đó, việc quy hoạch làng nghề vẫn còn đang gặp phải những khó khăn.

Ông Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM và XNK Dương Kiên, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh miến, một sản phẩm của vùng quê xứ Đoài – Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ, Làng So là làng nghề nổi tiếng với sản phẩm miến dong được không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhưng một trong những điều mà người làng So mong muốn, đó là việc quy hoạch làng nghề để sản xuất lớn, tăng NSLĐ vẫn chưa thể thực hiện được bởi không có đất để quy hoạch và xây dựng làng nghề tập trung.

“Không có quy hoạch để xây dựng làng nghề tập trung nên việc xử lý chất thải do những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong làng xả ra ngoài môi trường là điều không thể tránh khỏi”, ông Kiên nói.

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển một số làng nghề đã bộc lộ những tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào giữa tháng 11/2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các làng nghề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) cũng như hệ thống xử lý nước thải (XLNT).

Báo cáo công tác BVMT của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2020 cũng chỉ rõ, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom CTR công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Đáng chú ý, trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%); trong đó, các làng nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi cũng đã tạo nên các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3; làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2; làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.

Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.

Những nguyên nhân trên là một trong những lý do làm cho NSLĐ giảm, ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như trình độ năng lực của lao động khu vực nông thôn còn thấp, việc áp dụng KHKT vào trong sản xuất nông nghiệp còn chưa nhiều, mới chỉ là những công nghệ thô sơ tính hiện đại chưa cao...

 

Bài 2: Những điểm sáng trong năng suất lao động nông nghiệp - nông thôn

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top