Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 15:42

Ngành Nông nghiệp Bắc Giang với những kết quả ấn tượng

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp Bắc Giang đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Những kết quả ấn tượng

Năm 2023, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, một số chỉ tiêu được đánh giá hoàn thành và vượt so với kế hoạch như: tốc độ tăng GRDP ngành tăng sản trên 3%; giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng, vượt 2,2% so với kế hoạch; sản lượng thịt hơi các loại cao nhất từ trước đến nay, đạt 260 nghìn tấn.

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, trồng rừng tập trung ước đạt 10.500ha, tăng 3,5% so với năm 2022, đạt 131,2% kế hoạch; trồng cây phân tán đạt 6,5 triệu cây, đạt 106,6% kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,8%; Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, luỹ kế đến hết năm 2023 có khoảng 290 sản phẩm, vượt kế hoạch 60 sản phẩm, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đạt 100% kế hoạch giao,…

Năm 2023, Bắc Giang có thêm 104 sản phẩm OCOP, đây là năm nhiều nhất từ trước đến nay.

Thực hiện tốt tái cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp đa dạng, bền vững theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ sản xuất nâng cao giá trị gia tăng. Phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, các chỉ tiêu kế hoạch giao đều hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ; nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Cũng theo ông Tùng, năm 2023 là năm kỷ lục về sản phẩm OCOP, chưa năm nào Bắc Giang chứng nhận được trên 100 sản phẩm OCOP mới. Nhưng năm nay có thêm 104 sản phẩm OCOP. Cũng chưa bao giờ sản lượng thịt tăng tới 8%. Chưa bao giờ sản lượng xuất khẩu vải thiều đạt trên 50%. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) đạt 3,1% - là năm thứ 4 ngành Nông nghiệp có tăng trưởng dương.

Trong xây dựng NTM, hết năm 2023, có thêm 09 xã đạt chuẩn NTM, lũy kế toàn tỉnh có 154/182 xã, chiếm 84,6%, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,4 tiêu chí/xã, tăng 0,3 tiêu chí so với năm 2022; thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 11 xã đạt NTM kiểu mẫu, lũy kế có 12 xã đạt NTM kiểu mẫu. Có thêm 119 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 359 thôn NTM kiểu mẫu.

Nhân rộng mô hình tiền tỷ

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, năm 2023, mặc dù diện tích một số cây trồng giảm, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác mới vào sản xuất nên năng suất và sản lượng vẫn tăng. Mặt khác, các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; việc áp dụng   tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao,... được quan tâm và nhân rộng.

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất rau chế biến tập trung với diện tích 12ha tại xã Ngọc Thiện và xã Cao Xá, huyện Tân Yên,  đạt trên 190 triệu đồng/ha; mô hình khoai tây chế biến tại các xã Phúc Sơn, Quang Tiến, Đại Hoá, Lan Giới, Ngọc Thiện (huyện Tân Yên) với diện tích 116ha, cho thu nhập trên 115 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất dưa chuột của HTX dưa leo quê Lục Nam tại xã Đông Phú  (huyện Lục Nam) với quy mô 40ha , đạt 195 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Hữu hướng dẫn du khách thăm quan, trải nghiệm tại vườn cam - bưởi của gia đình.

Điển hình như mô hình sản xuất theo phương thức hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu (thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn), với quy mô gần 10ha cam - bưởi mà cây nào cũng trĩu quả. Anh Hữu cho biết, thời điểm năm 2009, khi bắt đầu nhen nhóm dự định phá bỏ vườn vải của gia đình để bắt đầu dự án trồng bưởi da xanh, anh vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ cùng sự can ngăn của anh em, bà con hàng xóm. Việc thay đổi hoàn toàn một loại cây mới gần như chưa có ai đi trước “làm phép thử” là vô cùng mạo hiểm.

Biết vậy nhưng với quyết tâm hiện thực hóa ước mơ đổi đời nhờ cây bưởi da xanh. Và không phụ sự mong mỏi, sau gần 4 năm chăm sóc, vườn bưởi của anh đã cho ra lứa quả đầu tiên với chất lượng trên cả mong đợi. Mùa bưởi năm 2013, gia đình anh bội thu với những trái ngọt vừa đạt tiêu chuẩn thưởng thức, vừa bán được giá.

Anh Hữu tâm sự, bản thân anh không thể tưởng tượng được sẽ có ngày hôm nay. Xuất phát điểm từ bưởi da xanh, giờ đây vườn của anh đã có thêm cả những cây bưởi siêu ngọt, cam ngọt mọng nước dành bán vụ Tết. Không chỉ vậy, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái mà gia đình anh đang áp dụng cũng mang lại hiệu quả trông thấy. Nhờ vậy, thu nhập mang lại cho gia đình anh cao hơn so với mô hình bán hàng truyền thống. Hiện nay, mô hình bưởi - cam cho thu hoạch khoảng 300 tấn quả/vụ, thu về khoảng 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 50%.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, nhờ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật mới, đưa các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nên hầu hết các lĩnh vực đều tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, mở rộng các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, lấy chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, tỷ lệ sản xuất thâm canh rau, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà theo quy trình VietGAP, VietGAHP đạt 47-56%...

Năm 2024, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đặt một số mục tiêu:

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản  đạt 1,0 %/năm. Diện tích cây lương thực có hạt 103.900ha, sản lượng lương thực đạt 595.590 tấn.

Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 139 -140 triệu đồng. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 261,0 nghìn tấn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 1,0 triệu m3.

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (đạt quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT trở lên) đạt 57,5%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 87,4% (tăng thêm 5 xã), xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 38,5% (tăng thêm 12 xã), xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt 9,9% (tăng thêm 6 xã); đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt 7/10 đơn vị.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top