Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 1 năm 2024 | 20:19

“Nghị quyết bảo vệ cá đồng” đi vào lòng dân

Nâng cao ý thức người dân trong thực hiện “Nghị quyết bảo vệ cá đồng” hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi cá đồng ở Cà Mau đang được đông đảo người dân trên địa bàn ủng hộ.

Nguồn lợi cá đồng của tỉnh Cà Mau những năm qua đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc đánh bắt, khai thác không đi đôi với bảo vệ, nhất là việc sử dụng xung điện khai thác tràn lan. Tuy nhiên, ở vùng đất rừng U Minh hạ, có một địa phương đang làm rất tốt công công tác bảo vệ nguồn lợi này.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Cà Mau, năm 2023 phát hiện 181 vụ sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản trái phép. Đây là con số cao kỷ lục, cao gấp gần 2 lần năm 2016 - năm phát hiện việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép nhiều thứ 2, trong vòng 10 năm qua. Con số vừa nêu chắc chắn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế tình trạng người dân Cà Mau sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản trái phép còn hơn rất nhiều.

Đơn vị này cũng đánh giá, thực trạng việc sử dụng xung điện, chất độc, ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản vẫn diễn ra, hình thức phức tạp và tinh vi hơn. Công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số sở, ngành, địa phương.

Trong Hội nghị Tổng kết năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đã  nói: “Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng người dân dùng hóa chất, dùng xung điện để bắt tôm, cá… thì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.

Nguồn lợi cá đồng ở xã Khánh Thuận đang dần hồi phục nhờ "Nghị quyết bảo vệ cá đồng" - Ảnh: Trần Hiếu

Tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau), Đảng ủy xã đã ban hành  “Nghị quyết bảo vệ cá đồng” gần 2 năm nay. Nghị quyết nhanh chóng lan tỏa và giúp địa phương bảo vệ nguồn lợi thế mạnh của mình hiệu quả.

Báo tin bảo vệ được cá còn được khen thưởng

Đêm 25/12/2023, từ tin báo của người dân, Công an xã Khánh Thuận, (huyện U Minh, Cà Mau) bắt quả tang 4 đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt cá đồng. Lực lượng làm nhiệm vụ tịch thu 2 bộ xung điện là tang vật; chính quyền địa phương ra 2 quyết định xử phạt, mỗi vụ 5 triệu đồng.

Trước đó, đêm 11/12/2023, khi phát hiện Nguyễn Văn Ngôn (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) đến địa bàn xã Khánh Thuận dùng xung điện đánh bắt cá, người dân địa phương đã báo Công an. Kết quả, Ngôn bị thu 1 bộ xung điện, xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng; Người gọi điện báo tin được chính quyền xã thưởng nóng 300.000 đồng và UBND huyện U Minh tặng giấy khen.

Công tác xử lý vi phạm trong việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản tại xã Khánh Thuận thời gian qua thực hiện nghiêm như vậy là để thực hiện Nghị quyết số 22 của Đảng ủy xã về việc “nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt, khai thác thủy sản”, được thông qua vào giữa năm 2022. UBND xã đã cụ thể Nghị quyết bằng kế hoạch số 25A, để hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi cá đồng là thế mạnh của địa phương. Chủ trương này được đông đảo người dân trên địa bàn ủng hộ.

“Tôi thấy việc dùng xiệc điện đi đánh bắt cá so với trước giảm nhiều. Nghị quyết ra đời rất phù hợp với lòng dân. Nhiều người dân ở đây dự định nuôi cá đồng nhưng sợ không bảo vệ được. Khi thực hiện nghị quyết này, cá người dân nuôi sẽ được an toàn, họ mạnh dạn thả nuôi trên phần đất của mình”, ông Phan Thanh Trung, người dân ấp 12, xã Khánh Thuận bày tỏ.

Tự nguyện giao nộp lại kích điện

Gia đình ông Phan Thanh Trung cũng như nhiều hộ dân địa phương ủng hộ việc mạnh tay xử lý các đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt cá, bởi trước đây trên mỗi ha đất nông nghiệp bà con có nguồn thu cá đồng khoảng 15 - 20 triệu đồng/năm. Gần đây nguồn thu bị suy giảm nghiêm trọng, bởi thực trạng đánh bắt kiểu tận diệt. Bà con hiện nay cứ thấy ai có xiệc điện là sẽ báo cơ quan chức năng chứ không chỉ khi thấy sử dụng mới báo.

Trước khi mạnh tay xử lý các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng xã Khánh Thuận cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng xung điện đánh bắt cá và vận động người dân tiêu hủy hoặc giao nộp xung điện. Kết quả đạt được rất tích cực, vào ngày 4/1 vừa qua, lực lượng chức năng địa phương đã tiếp nhận 5 bộ xung điện của người dân tự giao nộp.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thống, Phó trưởng Công an xã Khánh Thuận cho biết, khi tuyên truyền về tác hại của xung điện, người dân ý thức chấp hành rất cao. “Nhiều hộ dân tự nguyện giao nộp các xung điện trước đây có sử dụng. Đồng thời, khi người dân phát hiện có người xử dụng xung điện đánh bắt sẽ báo Công an. Nhờ đó, năm 2023 đã bắt 14 vụ, xử lý 16 đối tượng; tiêu hủy, vận động thu hồi hơn 20 bộ xung điện”, Thiếu tá Nguyễn Chí Thống cho hay.

Xã Khánh Thuận có hơn 2.900 hộ dân. Khi triển khai thực hiện “Nghị quyết bảo vệ cá đồng”, lực lượng Công an đã phân luồng ra khoảng 350 hộ dân có khả năng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản và tiến hành cho ký cam kết không sử dụng. Trong đó, có 30 hộ dân có nguy cơ vi phạm cao, được các lực lượng chức năng thường xuyên đến tuyên truyền, nhắc nhở.

Xã Khánh Thuận từng là nơi nổi tiếng có nguồn lợi cá đồng dồi dào ở vùng đất rừng U Minh hạ. Cũng vì nguyên nhân người dân dùng xung điện khai thác, đánh bắt theo kiểu tận diệt mà nguồn cá đồng bị suy giảm. Từ năm 2021, mô hình dân vận khéo: “Không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản” đã được thực hiện thí điểm. Trên cơ sở thành công của mô hình, Đảng ủy, Chính quyền xã đã phát triển thành chủ trương, chính sách hợp lòng dân và nguồn lợi cá đồng dần khôi phục. Cũng từ đó, năm nay Sở NN&PTNT Cà Mau có kế hoạch hỗ trợ 60 hộ dân trên địa bàn nuôi tái tạo nguồn lợi cá đồng.

Ông Hồ Tương Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết, thời gian tới xã sẽ tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong thực hiện “Nghị quyết bảo vệ cá đồng”; xử nghiêm các đối tượng dùng xung điện đánh bắt để đảm bảo răn đe. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí khen thưởng theo quy định còn thấp nên xã cũng đang nghiên cứu, có thể vận động thêm nguồn tiền xã hội hóa để khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho người dân mạnh dạn đấu tranh.

“Nguồn cá đồng là một trong những chủ lực kinh tế của xã Khánh Thuận. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân bắt, tố giác được người vi phạm, xã sẽ khen thưởng đột xuất để bà con có ý thức cao hơn, góp phần đấu tranh hiệu quả với hành vi dùng xung điện sát hại cá, đạt hiệu quả cao nhất”, ông Lai khẳng định.

Vùng U Minh hạ vốn nổi tiếng là nơi giàu sản vật tự nhiên, trong đó, cá đồng là một nguồn lợi lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, “nguồn lợi trời cho” ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc khai thác chưa đi đôi với bảo vệ, trực tiếp nhất là việc khai thác theo kiểu tận diệt, phổ biến nhất là dùng xung điện.

Vào cuối năm 2024, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Chỉ thị về việc “Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tận diệt, hủy diệt trên địa bàn”. Trong đó, nêu rõ việc tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong khai thác thủy sản kiểu tận diệt như dùng hóa chất, chất nổ, xung điện.

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự

    Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

  • Ngày vui thống nhất non sông

    Ngày vui thống nhất non sông

    Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

  • Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

  • Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025”, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Top