Đến xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), hỏi thăm nhà ông Sơn Lộc (60 tuổi), người Khmer, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Sóc Mới, bà con ai cũng biết bởi ông là người gương mẫu, vượt lên số phận, làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay và nghị lực của một cựu chiến binh, thương binh 4/4.
Thương binh tàn nhưng không phế
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Sóc Mới, gia đình nghèo, ít đất sản xuất, năm 21 tuổi, chàng thanh niên Khmer Sơn Lộc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ.
Sau 3 tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Đại đội 4, Sư đoàn 9, chiến sĩ Sơn Lộc được điều sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Trong một trận đánh, bị địch tập kích bằng B40, anh bị thương (nguyên cả thân bên trái), ảnh hưởng đến mắt và tai. Hiện trong cơ thể anh vẫn còn nhiều mảnh đạn, mỗi khi trái gió trở trời, gây đau nhức cơ thể đến khó chịu.
Ông Sơn Lộc (ngoài cùng bên phải) trong căn nhà khang trang.
Năm 1987, người lính Sơn Lộc phục viên về quê, tiếp tục phụ giúp công việc đồng áng và phụng dưỡng cha mẹ già.
Ông Sơn Lộc chia sẻ: “Lúc về nhà, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thân thể thì mang thương tật. Ngoài mấy công ruộng của gia đình, đa số thanh niên ở quê đều không có nghề nghiệp. Được sự động viên của gia đình, cộng với nghị lực của người lính, nhất là nhớ lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, tôi tự nhủ mình, “người bình thường làm một, thương binh phải làm hai, ban ngày làm chưa xong, tranh thủ làm ban đêm”, bằng ý chí này, chỉ 3 năm sau, gia đình tôi đã tạm ổn, các em cũng khôn lớn, lúc đó tôi mới lập gia đình, đó là năm 1990".
Để chăm lo cho cuộc sống riêng mình, Sơn Lộc cất chòi ở tạm ngoài bờ kênh, vợ thì nuôi heo, gà, vịt; anh thì cải tạo đất bờ kênh chừng 2 công (1 công = 1.000m2) đất, trồng xà lách, rau cải, hành, bầu, bí, dưa leo… và tiện chăm sóc 5 công lúa (lúc ra ở riêng, cha mẹ hai bên chia cho mỗi người 2,5 công đất ruộng, để canh tác).
Mỗi ngày, ngoài chăm sóc ruộng, vợ chồng ông phải gánh 500-600 đôi nước, để tưới rau, màu, mỗi đêm chỉ ngủ và nghỉ ngơi 3-4 tiếng, dạy sớm nhổ rau, bó cải để kịp đem ra chợ bán. Với người khỏe mạnh, làm công việc của hai vợ chồng Sơn Lộc đã nặng nhọc, vất vả lắm rồi, còn thương binh như Lộc, khó khăn nhân lên bội phần, nhưng ông không nề hà khó nhọc.
Những lúc hàng xóm cùng nghề trồng rẫy nghỉ trưa thì Sơn Lộc lại cặm cụi làm việc một mình, để ngày mai có thêm những luống rau mới; khi thu hoạch sẽ có nhiều tiền hơn. Không dừng lại ở đó, chỉ một thời gian sau, công việc khó nhọc của Sơn Lộc lại nhân đôi, khi căn chòi nhỏ của anh vui đón thành viên mới, vợ sinh con trai đầu lòng.
Nói về năm tháng vất vả của mình, Sơn Lộc kể: “Khi vợ sinh em bé, cả nhà ai cũng vui, vợ thì nghỉ ngơi chăm sóc cho con, mọi công việc lớn nhỏ chỉ một mình tôi gánh. Thương vợ, lo cho tương lai của con, tôi càng thêm phấn đấu, ban ngày thì làm rẫy, ban đêm thì đi ruộng, kiếm cá, bắt ốc, hái rau muống nuôi heo. Chỉ khi nào vết thương đau, nhức quá thì nghỉ ngơi một chút, rồi tiếp tục làm, cứ thế tháng này qua tháng nọ, dần dần cuộc sống cũng được ổn định”.
Mô hình nuôi bò sinh sản của ông Lộc.
Giúp hội viên cùng làm giàu
Ông Kim Chí Thiện, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Long Phú, cho biết: “Sơn Lộc hiện giờ là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của ấp Sóc Mới, gia đình khá giả, con cái đều trưởng thành, ngoan hiền, 3 đứa lớn đều lập gia đình, ra ở riêng và có cuộc sống ổn định, con gái út thì đi làm cho công ty, vợ ông vẫn duy trì nuôi 3 con heo nái, 40 - 50 con heo thịt. Ông Lộc mở rộng thêm chuồng nuôi gần 20 con bò, trong đó có hơn 10 con bò sinh sản. Ông đã đầu tư xây mới căn nhà trị giá trên 200 triệu đồng.
Để tiện cho việc canh tác lúa, ngoài 20 công đất ruộng nhà, hàng năm Sơn Lộc còn thuê thêm 30 công đất ruộng của bà con hàng xóm để canh tác. Ông sắm thêm máy cày, máy xới, làm luôn dịch vụ nông nghiệp, mỗi vụ lúa giải quyết việc làm cho 4-5 lao động tại địa phương. Mấy năm liên tiếp canh tác lúa trúng mùa, được giá, ông xây thêm căn nhà trị giá hơn 300 triệu đồng, mua sắm đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt, từ phương tiện đi lại, cho đến phương tiện nghe nhìn… Sơn Lộc bây giờ là cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/năm”.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Sơn Lộc nói: “Cuộc sống bây giờ đã khá giả hơn nhiều, không còn lo cái ăn, cái mặc nữa, chúng tôi tập trung lo cho công tác Hội, làm công tác xã hội nhiều hơn, tạo cơ hội và nhiệt tình giúp đỡ gia đình, con em của đồng đội vẫn còn khó khăn, tạo điều kiện từ vật chất đến tinh thần, phấn đấu giúp anh em đồng đội vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn”.
Theo ông Lộc, với 13 hội viên đang sinh hoạt trong Chi hội, không còn hộ nghèo, đa số đều có cuộc sống khá - giàu. Riêng với Sơn Lộc, không chỉ là tấm gương thương binh vượt khó, cựu chiến binh gương mẫu, ông còn là người cha, người chồng mẫu mực, một người đồng đội chí tình, chí nghĩa, người hàng xóm thân cận được bà con thương mến, quí trọng. Ngoài việc tham gia xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, ông Lộc còn vận động các thế hệ cựu chiến binh, nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế gia đình, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, ra sức giữ gìn an ninh trật tự phum sóc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cùng với sự nghiệp quân ngũ của mình, thương binh, cựu chiến binh Sơn Lộc vinh dự được Nhà nước Tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen do đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi và nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện; nhiều Giấy khen của Tỉnh hội, Huyện hội về gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.