Cây cam đang trong giai đoạn nuôi trái non, rất dễ bị tác động bởi côn trùng, nấm bệnh. Vì vậy, người trồng cam ở Vị Xuyên (Hà Giang) đang tập trung chăm sóc cây đúng quy trình, kỹ thuật để có mùa vụ bội thu.
Vị Xuyên hiện có 413ha cam (342ha cho thu hoạch). Trong đó, cam sành có 313ha (254ha cho thu hoạch), cam vàng 100ha, (88ha cho thu hoạch). Thời điểm này, cây cam đang trong giai đoạn nuôi quả, tạo đường.
Ông Hà Văn Cứu (thôn Trung, xã Việt Lâm) cho biết, đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất của cả vụ cam, bởi vậy khâu chăm sóc cây trong thời kỳ này được người trồng cam đặc biệt quan tâm. Với hơn 3 ha cam được chăm sóc tỉ mỉ, ngay sau khi thu hoạch quả vụ trước, gia đình tiến hành tỉa cành và vệ sinh vườn, quét vôi quanh gốc để phòng trừ sâu bệnh xâm lấn; cỏ quanh gốc cam giữ nguyên để giữ độ ẩm cho cây.
Lãnh đạo xã Việt Lâm kiểm tra vườn cam của gia đình ông Hà Văn Cứu, thôn Trung.
Cây cam thời kỳ này cần nhiều dinh dưỡng, do vậy, gia đình ông Cứu bón phân hữu cơ, phân chuồng để giúp cây cam tích đường trong quả tốt nhất. Để cam có được độ ngọt tự nhiên, mọng nước và đảm bảo chất lượng, không bị rụng khi chưa thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo tới các xã, thị trấn cử cán bộ khuyến nông tới các gia đình trồng cam, trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây cam theo đúng quy trình.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh doanh. Theo dõi chặt chẽ diện tích cam sành qua thời kì kiến thiết, hướng dẫn bà con cắt tỉa tạo hình, khung tán cho vườn cam để cho thu hoạch có năng suất cao hơn. Mặt khác, khuyến cáo bà con không sử dụng thuốc trừ cỏ, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ của người trồng cam và đảm bảo chất lượng cam. Công tác thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định cũng được bà con nhân dân thực hiện nghiêm túc.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên, cho biết: Thời điểm này quyết định năng suất, chất lượng của cả vụ, do vậy, Phòngchỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền tới người dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu của sâu bệnh hại, tùy thuộc vào mức độ để có các biện pháp diệt trừ. Cây cam thường mắc các loại bệnh vàng lá, nấm mắt cua… Những bệnh phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp làm rụng hoa, rụng quả non và bệnh thường lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, độ ẩm không khí cao.
Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, UBND các xã, thị trấn đã cử cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Khi phát hiện sâu bệnh với mật độ dày, tổ chức tập huấn nhanh cho nông dân về các biện pháp điều trị hiệu quả.
Chỉ đạo tại Hội nghị họp bàn giải pháp tiêu thụ cam niên vụ 2022-2023 vừa diễn ra, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Giang Trần Việt Thế yêu cầu: Tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hoạt động công tác truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam trên các phương tiện thông tin; xác định kế hoạch truyền thông hướng đến thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người trồng cam để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát hiệu quả theo chuỗi để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên 3 sàn giao dịch mà thương hiệu cam Hà Giang đã đứng vững, được khách hàng tin tưởng là Sendo, Voso, Post Mart. Các HTX, các hộ trồng cam chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ cam đã có từ các năm trước, tránh tình trạng tư tưởng kéo dài vụ thu hoạch để chờ bán giá cao, dẫn tới nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ cam của Hà Giang. |