Với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, cùng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết, tiêu thụ sản phẩm…, Yên Sơn hiện dẫn đầu các huyện, thành phố ở Tuyên Quang về số lượng sản phẩm OCOP (68 sản phẩm).
Dẫn đầu số lượng sản phẩm OCOP
Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn, cho biết: Khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý từ huyện đến xã hiểu rõ về Chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, lồng ghép các chương trình công tác, lĩnh vực ngành, đơn vị tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức trong Nhân dân để người dân biết, hiểu và tham gia chương trình.
Cùng với đó, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất hàng hóa, bao bì sản phẩm. Đến nay, Yên Sơn đã có 49 sản phẩm được chuẩn hóa, bước đầu các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Yên Sơn có nhiều sản phẩm có tiềm năng OCOP, các sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Trong khi đó, người dân và chủ thể mong muốn được chuẩn hóa sản phẩm, các chủ thể nhận thức được việc này nên khi triển khai gặp nhiều thuận lợi.
Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, chỉ đạo các xã hỗ trợ chủ thể xây dựng các vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc…; cuối năm tham gia đánh giá phân hạng. Đến hết năm 2023, Yên Sơn có 68 sản phẩm được công nhận OCOP; dẫn đầu các huyện, thành phố ở Tuyên Quang về số lượng sản phẩm OCOP.
Ông Tình chia sẻ, giờ đây, Chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể sản phẩm hiểu biết và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định. Biết phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Các cơ sở có sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP thực hiện xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định. Quy trình sản xuất phải được xây dựng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và xuất bán ra thị trường; từng công đoạn phải mô tả chi tiết, cụ thể các nội dung, yêu cầu bắt buộc thực hiện để có kết quả đầu ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Giá trị được nâng cao
Ông Trần Giang Nam, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Tiến (xã Chiêu Yên), cho biết, HTX thành lập 3 năm nay, lĩnh vực hoạt động chính là phát triển cây ăn quả gồm: bưởi Soi Hà, bưởi Đường, bưởi Cát Quế, bưởi Diễn với diện tích 40 ha. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2022, HTX chuyển sang trồng theo phương thức hữu cơ, đồng thời triển khai Chương trình OCOP. Khi triển khai, được địa phương hỗ trợ nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ.
Theo ông Nam, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Tiến (người bên phải), sau khi đạt OCOP 3 sao, sản phẩm bưởi đường Chiêu Yên có tem, nhãn mác, có thương hiệu nên dễ bán hơn.
Cuối năm 2022, sản phẩm bưởi đường Chiêu Yên đạt OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận, bưởi có tem mác, có thương hiệu nên dễ bán hơn. Giờ đây, các thành viên đi vào sản xuất theo phương thức hữu cơ, thay đổi hướng canh tác so với trước kia. Thời gian tới, HTX sẽ học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, để làm sao quả bưởi đảm bảo chất lượng, chuẩn hóa thùng hộp, bao bì, nhãn mác.
Sản phẩm Trà Ngọc Thuý cấp đông của Hợp tác xã Dịch vụ SXNN Sử Anh (xã Mỹ Bằng) mới đây được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Tuyên Quang có sản phẩm được bình chọn, đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX tâm sự, HTX có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao. Sau khi được chứng nhận OCOP, cơ hội tiếp cận thị trường cũng lớn hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn; giá trị được nâng lên khoảng 10% so với trước đây.
Hết năm 2023, huyện Yên Sơn dẫn đầu các huyện, thành phố về số lượng OCOP với 68 sản phẩm.
Đánh giá về sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao chất lượng
Theo ông Tình, bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn như: các chủ thể chưa chủ động trong việc xây dựng thương hiệu, chưa được tiếp cận những tiêu chuẩn, quy chuẩn về mẫu mã sản phẩm, chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất. Mới phát triển theo bề rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Quá trình chuyển hóa sản xuất thông thường sang VietGAP và nông nghiệp hữu cơ cần có thời gian nên các sản phẩm chưa thể hoàn thiện về chất lượng cũng như về sản lượng. Gần đây, các mặt hàng nông sản giá bán thấp, bấp bênh nên việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm đầu vào, thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Linh hoạt thay đổi mẫu mã, bao bì, tạo tiện ích trong quá trình sử dụng; tuyên truyền tập huấn, hỗ trợ để đưa sản phẩm vào siêu thị cũng những như các thị trường lớn hơn.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP, lập phương án phát triển sản xuất, kinh doanh đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển ổn định, bền vững; đào tạo, tập huấn về kỹ năng xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất trên địa huyện.
Tập trung kiểm tra, hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì... các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP để tiếp tục nâng hạng trong giai đoạn 2021- 2025. Hướng dẫn khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm, xây dựng phiếu đăng ký sản phẩm; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả; hỗ trợ tư vấn lập hồ sơ và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định.
Cùng với đó, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm OCOP Yên Sơn tại các hội nghị, nơi có hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng các trung tâm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.