Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 2 năm 2023 | 14:15

Nông dân Hà Tĩnh thay đổi tư duy để thành công trong sản xuất nông nghiệp

Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyên nghiệp.

Khi người trẻ chọn quê hương để khởi nghiệp

Trong khi nhiều người trẻ ở các vùng nông thôn tìm cách “ly nông” thì Đoàn Ngọc Bảo quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình trồng cam sinh thái hữu cơ.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang), chàng trai Đoàn Ngọc Bảo (SN 1990) đã nỗ lực học tập và thi đậu vào Đại học Tây Nguyên, Khoa nông lâm, chuyên ngành quản lý đất.

Đoàn Ngọc Bảo (xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang) quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp và thành công với mô hình trồng cam sinh thái hữu cơ.

Sau 4 năm học tập, Bảo tốt nghiệp, về đầu quân tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Môi trường công tác ổn định, công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, bản thân lại là người siêng năng, cầu tiến, những tưởng đã hội tụ mọi điều kiện mơ ước của một chàng trai trẻ để khởi đầu sự nghiệp. Thế nhưng, lòng yêu quê hương, tình thương bố mẹ ở quê vất vả quanh năm với vườn tược, cộng với mỗi lần Tết về quê chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng, thấy thanh niên địa phương làm kinh tế được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, cơ chế, sự quan tâm của các cấp, ngành. Với lợi thế có kiến thức, tư duy mới, quyết tâm làm mới mô hình để mang về kết quả tối ưu luôn nhen lên trong Bảo ngọn lửa khát vọng lập nghiệp tại quê hương.

Gặp chàng trai trẻ có làn da đượm màu nắng vào một ngày đẹp trời, tôi hỏi: Động lực nào thúc đẩy em, một trí thức trẻ rời bỏ công việc ổn định ở một cơ quan cấp tỉnh trở về quê khởi nghiệp? Bảo cười trả lời: Năm 2014, em nhận thấy phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ đang phát triển mạnh; thấy ở Hà Tĩnh đang có nhiều đổi thay, xu hướng hỗ trợ phát triển nông nghiệp của địa phương khá mạnh, với suy nghĩ và quyết tâm trở về làm giàu tại quê hương, em đã bày tỏ tâm ý, xin phép gia đình cho em rời bỏ công việc đang làm trở về phát triển kinh tế tại quê hương. Lúc đầu, gia đình phản đối nhưng em thuyết phục mãi cũng đồng ý và đến năm 2015 thì em chính thức bắt tay khởi nghiệp.

Để tận mắt chứng kiến thành quả của Bảo sau 7 năm cùng gia đình ngày đêm chăm lo, học hỏi khắp nơi để phát triển cây cam, chúng tôi đến thăm trang trại Bảo Phương ở xã Hương Thọ. Với 6ha cam trải đều trong vườn đồi với hơn 2.000 gốc, trong đó có 4ha cho thu hái, được bố trí theo khu vực rõ ràng, thể hiện tính chiến lược, kế tiếp trong cả quy trình tổ chức trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên cho thị trường.

Nâng niu những quả cam căng tròn trong tay, Bảo tâm sự: Ngày đầu trở về quê, lòng đầy nhiệt huyết nhưng cũng nhiều trăn trở, em lao vào tìm kiếm mọi nguồn kiến thức trồng cam trong sách báo, qua mạng internet, học hỏi từ các mô hình đã thành công trong và ngoài địa bàn. Em cũng nhận thức được rằng, muốn thành công thì phải có chiến lược, cần có sự chuẩn bị chu đáo và tiến hành chắc chắn từng bước. May mắn với em là gia đình, người thân rất ủng hộ, có thêm vợ em là người động viên, sát cánh hàng ngày; đặc biệt, là nhờ có chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện và sự quan tâm của xã, của tổ chức Đoàn thanh niên các cấp nên rất thuận tiện về vấn đề huy động vốn vay để xây dựng mô hình.

Nắm bắt xu thế, thị trường đầu vào, đầu ra của giống cam, Bảo lựa chọn phương án phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu dựa trên tiêu chí tiên quyết là chất lượng, sau đó nhượng quyền lại cho các cửa hàng bằng các hợp đồng phân phối sản phẩm.

“Làm được như vậy, không chỉ có lợi về kinh tế cho gia đình, đóng góp cho địa phương mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, nhất là các bạn trẻ cùng chí hướng”, Bảo nói.

Xác định rõ đường đi, nước bước như vậy, song song với việc tổ chức sản xuất, Bảo chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm cam của mình, tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá thương hiệu cam.

Không những thế, mỗi năm Bảo còn cần mẫn thực hiện chiết, ghép cam để bán cây giống, giúp bà con có nguồn giống uy tín. Mỗi năm Bảo bán ra hàng nghìn gốc cam giống. Đến nay, Bảo đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho cây giống, phân bón, kỹ thuật, cải tạo đất, nhân công, kết hợp xen canh cây trồng, đào ao nuôi cá để tận dụng triệt để hiệu quả từ quỹ đất. Không phụ tấm lòng và công sức của ông chủ trẻ, vườn cam của Bảo cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 04 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ.

Hiện, Cam Bảo Phương đạt tiêu chuẩn VietGAP về sản phẩm sạch, được cấp tem nhãn chứng nhận thương hiệu Cam Vũ Quang, có chỉ dẫn địa lý; được người tiêu dùng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế,… đón nhận, tiêu thụ. Đặc biệt, cam của Trang trại Bảo Phương đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Bảo đẩy nhanh những dự định đang ấp ủ.

“Tích hợp đa giá trị” để nâng cao giá trị sản phẩm

Nhận thấy nhung hươu sử dụng theo cách thức truyền thống sẽ không khai thác được hết giá trị, cần đầu tư chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của nhung hươu. Nghĩ thật, làm thật, đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) đã có nhiều sản phẩm chế biến sâu như: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương hươu.

Nhờ tích hợp đa giá trị nên bà Chu Thị Hồng Hà (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) đã phát huy tối đa giá trị từ hươu sao, mang lợi nhuận cho doanh nghiệp từ 2 - 3 tỷ đồng/năm.

Bà Chu Thị Hồng Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà, kể: “Để nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa sản phẩm bằng bao bì, nhãn mác, chúng tôi mang các sản phẩm của mình tham gia Chương trình OCOP. Năm 2019, 3 sản phẩm nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu của doanh nghiệp đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ sở để doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để tiêu thụ”.

Nhờ bước đi “tích hợp đa giá trị” trên sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử,  mỗi năm, Doanh nghiệp Thuận Hà đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 2 - 3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá: “Từ thực tế triển khai các hoạt động Hội và phong trào nông dân đang góp phần hình thành một đội ngũ nông dân mới, nông dân kinh tế số, nông dân công nghệ ở Hà Tĩnh. Cùng với đó, các phong trào nông dân mà đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút nhiều tri thức trẻ trở về quê hương xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Đến nay, hàng năm toàn tỉnh có 17.522 hộ nông dân đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng, hộ có thu nhập cao ngày càng tăng. Trong đó, có gần 1.000 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên; gần 5.000 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng”.

“Sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh thời gian qua đã có tác động rất tích cực trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Kết quả đó khẳng định vai trò quan trọng của các cấp Hội Nông dân trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên nông dân từ tỉnh đến cơ sở”, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết.

 

Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top