Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 10 năm 2022 | 9:32

Nông nghiệp bứt tốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong mọi hoàn cảnh

Hiện, ngành nông nghiệp đang tăng cường sản xuất trong cả trồng trọt và chăn nuôi, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa dịp lễ, Tết cuối năm.

Mục tiêu năm nay ngành nông nghiệp phấn đấu sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, trên dưới 30 triệu tấn rau, quả và khoảng 7 triệu tấn thịt các loại gia súc, gia cầm.

Đảm bảo nguồn cung trong bất cứ hoàn cảnh nào

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm vào mỗi dịp cuối năm thường tăng cao, nhiều loại thực phẩm tăng từ 15 - 30%. Tuy còn khoảng gần 3 tháng nữa là vào dịp lễ, Tết cuối năm, nhưng ngành nông nghiệp đã chuẩn bị tăng cường sản xuất trong cả trồng trọt và chăn nuôi, một mặt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, một mặt đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Bình thường mỗi tháng, hệ thống trang trại WinEco cung ứng khoảng 3.000 tấn các loại rau, củ, quả ra thị trường. Trong dịp cuối năm nay họ dự kiến tăng sản lượng thêm khoảng 30%. Mọi nguồn vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống đã được chuẩn bị sẵn sàng, có nhiều loại cây đã tiến hành gieo trồng

"Đối với nhóm rau nhiệt đới, ôn đới dài ngày như ớt ngọt, cà chua, mình đã chủ động xuống giống từ cuối tháng 9, còn các mặt hàng khác đang cấp tập xuống giống theo kế hoạch", bà Nguyễn Thị Thủy, đại diện hệ thống Nông trại WinEco, cho biết.

Đặc biệt năm nay, họ gia tăng sản phẩm hoa quả để làm quà biếu Tết như: ớt ngọt, hay dưa lưới phù hợp thị hiếu tiêu dùng mới.

Dưa lưới là sản phẩm trọng điểm của hệ thống trang trại này, họ dự kiến sẽ mở rộng diện tích để tăng 30% sản lượng. Hiện họ sẽ tập trung 12 ha nhà màng dự kiến cho sản lượng 450 - 500 tấn từ nay đến cuối năm.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh, tuy giá như thức ăn cho cá năm nay cao hơn, nhưng nhận thấy giá bán cá cũng cao hơn năm 2021 nên họ quyết tâm đầu tư vài tỷ đồng để chuẩn bị cung ứng 100 tấn cá diêu hồng ra thị trường vào dịp cuối năm nay.

"Phải làm thêm lồng, làm thêm ao, tăng diện tích để nuôi thêm cá nhiều hơn. Nói chung đầu vào như mọi năm, giá cám có lên nhưng giá cá năm nay cao hơn nhiều nên lợi nhuận cũng cao", ông Phạm Văn Nhiêu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh, TP Hải Phòng, chia sẻ.

Tập trung tái đàn, tăng nguồn cung thực phẩm, chủ động, linh hoạt kế hoạch sản xuất, ngành nông nghiệp đang tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, để đảm bảo nguồn cung lương thực những tháng cuối năm.

"Lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn được đảm bảo, kể cả dịp Tết. Sản lượng, nhu cầu có thể tăng 10 - 20% nhưng chúng ta chủ động", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mục tiêu năm nay ngành nông nghiệp phấn đấu sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, trên dưới 30 triệu tấn rau, quả và khoảng 7 triệu tấn thịt các loại gia súc, gia cầm.

Giá thịt lợn có thể tăng khoảng 10% dịp cuối năm

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cả các sản phẩm chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10/2022 không có diễn biến bất thường.

Giá thịt lợn có thể tăng trong dịp cuối năm do lượng cầu có tính chu kỳ. 

Giá có xu hướng tăng từ quý II khi thị trường thế giới có nhiều biến động, chi phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng tăng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nguồn cung giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại ở một số địa phương.

Sang tháng 8 và tháng 9, giá có xu hướng giảm trở lại do nguồn cung tăng nhưng lại có xu hướng tăng ở một số khu vực trong nửa đầu tháng 10. Cụ thể, giá thịt lợn mặc dù vẫn ở mức cao so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá lợn hơi dao động trong khoảng 56.000-63.000 đồng/kg trong tháng 9 nhưng nửa đầu tháng 10 biến động theo xu hướng tăng ở nhiều nơi.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định những tháng cuối năm có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá như xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực…

Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế.

“Đồng USD tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước“, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

Về an ninh lương thực tại Việt Nam vẫn được đảm bảo. Cụ thể về mặt hàng lúa gạo, trong 9 tháng năm 2022, giá lúa gạo tại miền Bắc có xu hướng tăng, giá lúa gạo tại miền Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL biến động tăng, giảm trái chiều trong tháng 9 nhưng giữ ổn định trong nửa đầu tháng 10, nhu cầu tiêu thụ giảm, nguồn cung cuối vụ khan hiếm. Trong khi đó, thị trường gạo các tỉnh miền Nam tiếp tục bình ổn.

Cùng với đó, giá thịt gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá thu mua gia cầm tại trại biến động tăng giảm trái chiều tại các vùng miền trong tháng 9/2022.

Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, góp phần ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong điều hành giá một số mặt hàng nông sản thiết yếu.

Cụ thể, Cục Trồng trọt đánh giá cụ thể tình hình sản xuất, cân đối cung cầu các mặt hàng lúa gạo, rau quả phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, định hướng sản xuất các dòng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, chất lượng cao phục vụ các phân khúc thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo dõi tình hình sản xuất và thu hoạch cây ăn quả trên cả nước; đề xuất chỉ đạo rải vụ với các đối tượng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu đảm bảo phù hợp với thị trường tiêu thụ; tuyên truyền, hướng dẫn địa phương tăng cường phối hợp, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và cách thức tổ chức tiêu thụ các 5 nhóm sản phẩm đã kết thúc vụ thu hoạch thành công (vải Bắc Giang, Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn Hưng Yên, Sơn La…).

Cục Chăn nuôi đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, tình hình nhập khẩu và cân đối cung cầu các mặt hàng thịt lợn, gia cầm và gia súc ăn cỏ phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương để ổn định giá cả thị trường.

Hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân chăn nuôi lợn, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước từ nay đến cuối năm, nhất là cho Tết Nguyên đán Quý Mão

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản của các địa phương, đặc biệt trong dịp gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Bình ổn giá cả thị trường

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị. 

Thông báo nêu rõ: Trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban chỉ đạo cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã kiểm soát được tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp và hiện cơ bản kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. CPI tháng 9 năm 2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh lạm phát của các nước trong khu vực và của nhiều nước trên thế giới tăng cao, những kết quả đạt được từ công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát trong nước từ đầu năm đến nay có sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân đối với các chủ trương, giải pháp quản lý, điều hành giá của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế xã hội, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng tăng cao, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường. Trong nước, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn vào cuối năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng cường hơn, quý IV là thời gian cao điểm chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ Tết cuối năm, tác động của thiên tai, dịch bệnh… vì vậy cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, nhất là đối với các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ dư địa lạm phát để chủ động chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Trong những tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện). Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương và các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top