Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2023 | 8:0

Nông thôn mới Hà Tĩnh: Sự hài lòng của người dân

Sau 12 năm, nhìn lại chặng đường phấn đấu quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu xuất sắc, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những gam màu tươi sáng cho bức tranh nông thôn mới (NTM).

Những ngày đầu...

Là người nhiều trăn trở với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng: “Qua các thời kỳ, Hà Tĩnh rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với đó là giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người nông dân. Quyết tâm là vậy nhưng trên thực tế, Hà Tĩnh giai đoạn trước vẫn là tỉnh nghèo. Phải đến khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn” ra đời vào ngày 5/8/2008, cuộc cách mạng xây dựng NTM ở Hà Tĩnh mới thực sự bắt đầu”.

12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn,  đời sống người nông dân Hà Tĩnh ngày thêm khấm khá.

Bắt tay xây dựng NTM, tiêu chí bình quân toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, có 183/235 xã đạt dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo 23,8%; thu nhập bình quân đầu người 8,46 triệu đồng/năm. Nông thôn Hà Tĩnh nhếch nhác, nhiều nơi đường nhỏ, lầy lội, vườn tược còn để tình trạng cây tạp, đời sống nông dân còn khó khăn, tư tưởng lạc hậu, nhiều người còn ỷ lại vào cấp trên, đặc biệt, chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất gần như không có, việc huy động vốn trong dân, trong cộng đồng dân cư và của doanh nghiệp cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn...

Từ chủ trương của Đảng, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: hình thành bộ máy chuyên nghiệp là Văn phòng điều phối chương trình MTQG, thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc...

Đặc biệt, trong mọi thời điểm, Văn phòng điều phối NTM các cấp đã luôn chủ động, có phương pháp, cách làm cụ thể, sáng tạo, bài bản trong điều phối, tổ chức thực hiện, sâu sát, gần gũi từng địa bàn, trực tiếp bám cơ sở, lấy hiệu quả làm thước đo.

Ngoài ra, trong hành trình này, người dân Hà Tĩnh đã được “tiếp sức” bằng các cơ chế, chính sách có hiệu quả của Nhà nước, chính quyền các cấp.

Nhờ sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, những vướng mắc, khó khăn đã dần được đẩy lùi, thay vào đó là sự tự giác, là ý chí, là quyết tâm mạnh mẽ của người dân trong nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí. Trong quá trình triển khai, Hà Tĩnh đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật, những phong trào hiến đất mở đường, ngày thứ bảy, chủ nhật về xây dựng NTM, là địa phương đầu tiên trong cả nước sáng tạo xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu”, trở thành điểm đến tham quan học hỏi cho các địa phương trên cả nước.

Đồng hành cùng phong trào NTM Hà Tĩnh từ những ngày đầu, tôi được chứng kiến không khí phấn khởi của người dân. Dường như ai cũng thấu hiểu sâu sắc là “ích nước, lợi nhà” nên khi làm đường mới, cần mở rộng thêm diện tích đất thì bà con sẵn sàng hiến đất, chặt cây vườn, phá dỡ tường rào để tạo nên con đường thông thoáng cho mình và cho cả cộng đồng. Tôi đã được nghe nhiều mẩu chuyện cảm động trong chiến dịch xây dựng NTM.

Cụ ông Phan Văn Đăng, cựu chiến binh ở thôn Vực Rồng (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) mỗi tháng nhận lương về bỏ vào “lợn đất” 500 ngàn đồng. Bền bỉ sau nhiều năm, cụ đã tiết kiệm được 20 triệu đồng ủng hộ địa phương xây dựng NTM.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Nguyễn Thị Thành (xã Hương Trà, huyện Hương Khê) vẫn kể rành rọt những đổi thay của xã nhờ xây dựng NTM, nói tường tận chuyện từng nóc nhà mới, từng cánh đồng lúa nước, ao cá, đàn bò… của người dân.

“Nhờ có NTM mà cuộc sống của người dân chúng tôi ngày càng được nâng cao. Đường sá được nâng cấp, mở rộng, vườn tược được quy hoạch bài bản, đủ loại cây trái bốn mùa, đèn điện thắp sáng khắp ngõ xóm, camera an ninh giám sát tận khu dân cư. Nhiều con em xa quê rất tự hào vì giờ đây về thấy “đường đẹp, thôn vui, người đổi mới, đặc biệt là chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên”, bà Thành phấn khởi nói.

Là người theo đuổi những “nấc thang” NTM từ những ngày đầu, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Trong quá trình tham mưu, điều phối, thực hiện chương trình, chúng tôi luôn trăn trở, quan tâm đến những vấn đề thiết thực nhất, hiệu quả nhất.

Không chỉ là phong trào, là thành tích, với thực tiễn sinh động ở khắp mọi vùng quê từ miền xuôi đến miền ngược, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Công cuộc xây dựng NTM ở Hà Tĩnh thực sự có chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, được người dân hài lòng cao”.

Hành trình không ngừng nghỉ

Sau 12 năm, cuộc hành trình “không nghỉ, không ngừng, không dừng điểm cuối” của NTM Hà Tĩnh đã tạo nên một khí thế mới, một sức sống mới: Những ngôi nhà khang trang, những khu vườn xanh mướt, khu dân cư quy củ và những gương mặt người dân rạng rỡ niềm tin... 

Không khí xây dựng NTM vẫn sôi nổi trên khắp các miền quê Hà Tĩnh.

Đến nay, Hà Tĩnh  có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 177/181 xã đạt chuẩn NTM; 50/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 37 triệu đồng/năm. Hà Tĩnh đã được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM của cả nước giai đoạn 2021 - 2025.

Không chỉ có điện, đường, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, xây dựng NTM với người dân Hà Tĩnh là những đổi thay từ trong góc bếp, dưới những nếp nhà, khi cái đói, cái khổ dần lùi xa… Như chia sẻ chân chất của ông Nguyễn Văn Tình ở thôn 1 (xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc): NTM giúp dân ăn ngon, ở sướng hơn, làng xóm đẹp, nông dân giàu có, văn minh hơn.

Điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hóa mới được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng vẫn trọn vẹn, thủy chung và gắn kết hơn.

Để có được kết quả hôm nay, đằng sau những con số biết nói ấy là không biết bao giọt mồ hôi, sự trăn trở và những nỗ lực trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, chung lòng của người dân Hà Tĩnh với công cuộc xây dựng NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, trải qua không ít khó khăn, thử thách nhưng thành tựu là những mùa quả ngọt và những bài học kinh nghiệm quý trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, người dân đã có sự thay đổi lớn, nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế thị trường, về văn hóa cộng đồng; phát huy cao vai trò chủ thể của mình, tự giác, chủ động trong tổ chức thực hiện. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”.

“Bài học lớn xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, trước hết là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Là bài học về lấy sức dân lo cho dân, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội. Và, bài học sát sườn có tính lôi cuốn, thuyết phục nhất là nói đi đôi với làm, hiệu quả rõ ràng, mang lại lợi ích thiết thực, hài lòng cho người dân”, ông  Oánh chia sẻ.

Sắc Xuân mới đang về, Hà Tĩnh những ngày này ở các miền quê vẫn sôi động phong trào xây dựng NTM. Nghi Xuân đang nỗ lực để trở thành huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc ra sức củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để hướng đến mục tiêu cao hơn. Thị xã Kỳ Anh và huyện Lộc Hà đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích trong quý I năm 2023. Các huyện Kỳ Anh, Hương Khê được sự chỉ đạo trực tiếp và hỗ trợ thiết thực của toàn tỉnh, đang nỗ lực hết mình để đạt chuẩn NTM trong năm 2023…

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top