Được truyền nghề từ đời ông cha, là lớp kế cận, chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải, đã không ngừng nỗ lực sản xuất thành công nước mắm Song Hải. Năm 2022, 5 sản phẩm nước mắm của công ty được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Chương trình OCOP đã thắp lên hy vọng cho nước mắm Song Hải với mục tiêu đưa sản phẩm vươn xa, chiếm lĩnh thị trường khó tính.
Lưu giữ hương vị truyền thống
Với người dân huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng), không có loại nước mắm nào có thể thay thế nước mắm truyền thống của địa phương trong bữa cơm gia đình, bởi ngoài việc là gia vị, đó còn là một phần của lịch sử, của văn hoá và niềm tự hào của người dân xứ đảo.
Có mặt tại huyện Cát Hải, mặc dù dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng khi đặt chân đến đây, thứ mà tôi cảm nhận rõ nhất là hương thơm nồng của nước mắm được lan toả ra từ các cơ sở sản xuất trên đảo Cát Hải. Đây cũng là hương vị đặc trưng riêng của huyện đảo này.
Hơn 12 tháng cho cá “ăn” nắng, “tránh” mưa, nước mắm Song Hải giữ được hương vị của nước mắm truyền thống.
Từ nguyên liệu cá biển và muối hạt, cộng với kinh nghiệm ủ muối, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Cát Hải đã cho ra đời các sản phẩm nước mắm truyền thống khác nhau. Kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm, giá trị cốt lõi trong sản xuất nước mắm truyền thống, năm 2016, Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải đã đăng ký nhãn mác, thực hiện các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng bá sản phẩm và cho ra mắt thị trường 5 sản phẩm nước mắm.
Đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm của Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải, chị Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1972), Giám đốc Công ty, cho biết: Từ bé, tôi đã được tiếp cận nghề làm mắm; khi trưởng thành, được người thân truyền dạy lại công thức làm nước mắm truyền thống. Cũng không hiểu mình say mê với nghề từ bao giờ. Đến năm 1995, tôi bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH Quang Hải (nước mắm Quang Hải). Nhưng với tâm niệm và quyết tâm theo đuổi, tạo dựng thương hiệu nước mắm mang đậm dấu ấn cá nhân, năm 2016, tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải.
Dây chuyền sản xuất chiết rót tự động sẽ tự động hóa, cấp chai, chiết rót, cấp nắp, siết nắp tự động hoàn toàn.
Nguyên liệu được công ty thu mua từ các ngư trường đánh bắt ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh là chủ yếu. Cá được đưa về phân loại, rồi trộn muối sơ chế ban đầu và được ngâm ủ, đánh quậy đến khi cá “chín”. Trong khoảng thời gian đó, bằng đôi tay khéo léo, sự tần tảo chịu thương chịu khó của những người thợ làm mắm, không quản mưa hay nắng, quyết tâm cho cá “ăn nắng”, tránh mưa.
Trên 12 tháng ngâm ủ cá, sẽ tạo ra sản phẩm nước mắm có hương vị tinh túy và tự nhiên, giá trị dinh dưỡng cao, những giọt nước mắm được lọc qua nhiều lần. Sau đó, nước mắm được đưa ra các ang, chum tiếp tục được đánh đảo dưới nắng hàng ngày để tạo ra hương đặc trưng nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị nước mắm truyền thống xưa.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương Hải Phòng hỗ trợ 50% giá trị đầu tư dây chuyền sản xuất chiết rót tự động (dạng chiết hồi lưu).
5 sản phẩm OCOP của nước mắm Song Hải tham gia các gian hàng tại hội chợ.
Tạo thương hiệu và góp phần quảng bá du lịch
Năm 2022, vượt qua những thủ tục khắt khe về quy định và chất lượng kiểm định, 5 sản phẩm nước mắm Song Hải được UBND TP. Hải Phòng công nhận và cấp giấy chứng nhận 4 sao, gồm: nước mắm cá thu; nước mắm chắt nguyên cốt; nước mắm cao cấp hương vị cổ xưa; nước mắm cao đạm; nước mắm cá quẩn.
Các sản phẩm nước mắm Song Hải được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, được xem bước thúc đẩy phát triển thương hiệu nước mắm Song Hải, đồng thời cũng góp phần quảng bá sản phẩm du lịch tại địa phương.
Gắn bó với nghề làm nước mắm từ những ngày còn đôi mươi, người khai sinh ra nước mắm Song Hải cảm nhận sâu sắc được sự vất vả, gian lao của người làm mắm. Chị Nguyễn Thị Vân Anh tâm sự: “Đối với người làm nước mắm, hằng ngày tiếp xúc với cái nắng, cái gió của vùng biển cộng với mùi mắm quấn quanh, nếu không yêu nghề sẽ không thể tồn tại. Hơn 30 năm lăn lộn với nghề làm mắm, có thời điểm tôi phải theo tàu ra ngư trường thu mua cá; có khi phải gồng gánh, vận chuyển cá vào bờ… Gian nan vất vả là thế, nhưng ý chí lúc nào cũng nhắc nhủ, không được bỏ cuộc. Bởi nghề làm nước mắm là nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho ngư dân huyện đảo Cát Hải”.
Với chiến lược kinh doanh hợp lý, trung bình mỗi năm Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải bán ra trên 100.000 lít nước mắm các loại, thị trường tiêu thụ chủ yêu tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh…; giải quyết việt làm cho 20 lao động thời vụ, doanh thu đạt khoảng 6 - 7 tỷ đồng/năm.
Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ có sự cạnh tranh cao của các hãng nước mắm, chị Nguyễn Thị Vân Anh vẫn một lòng quyết tâm giữ vững nghề, mở rộng quy mô sản xuất. Chị cho biết: Hiện nay, huyện Cát Hải đang được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, nên quỹ đất để thuê, phục vụ sản xuất nước mắm còn vướng. Khi ổn định, công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất để đưa sản lượng sản xuất hàng năm lên mức cao hơn. Tiếp cận đến các thị trường khó tính, từng bước xây dựng thương hiệu nước mắm Song Hải”.
Những mẻ cá, mẻ muối cùng bao khó nhọc của công nhân Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải đã chắt chiu thành từng giọt nước mắm truyền thống mang vị mặn mòi, nồng nàn đặc trưng. Bằng tình yêu với nước mắm, tâm huyết trong sản xuất cùng sự “tiếp sức” từ Chương trình OCOP, nước mắm Song Hải ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nghề làm nước mắm đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa tại địa phương.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.