Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023 | 10:10

Nuôi dê bán chăn thả cho thu nhập cao

Người dân thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh - Quảng Trị) luôn tấm tắc khen ngợi sự vượt khó vươn lên làm kinh tế hiệu quả từ nuôi dê của bà Trần Thị Tĩnh.

Trang trại của vợ chồng bà Tĩnh nằm dưới chân đồi 74 (còn gọi núi Linh Sơn), được che chở ba phía là rừng trồng và cao su.

Bà dẫn chúng tôi vào thăm khu nuôi dê nằm phía trước trang trại. Bầy dê con nào con nấy săn chắc vì được thả chạy tự do gặm cỏ trong khu vườn đồi rộng chứ không nuôi nhốt tại chuồng như các mô hình chăn nuôi khác. Đây là lý do mà nhiều người muốn mua dê của bà để mổ thịt.

Theo bà Tĩnh, trước đây gia đình trồng tràm trên diện tích 5ha ở chân đồi 74. Tính toán kỹ thấy dù được đầu tư công phu thì rừng tràm vẫn cho giá trị kinh tế thấp. Suy nghĩ tìm phương án để tăng thu nhập cho gia đình, bà nhận thấy nhu cầu về dê giống và dê thịt trên thị trường khá cao, thời gian nuôi ngắn, lấy công làm lãi nên tính ra nuôi dê dễ kiếm tiền hơn trồng rừng tràm. Sẵn có đất rộng, bà bàn với chồng chuyển hướng phát triển kinh tế, không chuyên canh cây tràm, cao su nữa, bổ sung thêm trang trại nuôi dê, bò, trở thành mô hình kinh tế đa cây, đa con.

Bà Tĩnh chăm sóc đàn dê của gia đình.

Sau khi học hỏi về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng trị các bệnh thường gặp ở loài dê trên sách báo, internet, bà bắt tay thực hiện mô hình, quyết định khai thác bán 2ha rừng tràm để lấy diện tích làm chuồng nuôi dê và trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Xong đâu vào đấy, bà mua 20 con dê về thả lứa đầu tiên, gồm dê thịt và dê cái để sinh sản lấy con giống.

Những ngày đầu chuyển sang nuôi dê, bà cũng gặp không ít khó khăn vì phải tính toán làm thế nào để đàn dê phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Với sự quyết tâm của cả hai vợ chồng nên những trở ngại rồi cũng qua đi. Bà bắt đầu xuất bán dê thịt. Tính ra thấy giá trị kinh tế của việc nuôi dê rất lớn và hiệu quả cao nên bà tin rằng mô hình đa cây, con mình chọn là phù hợp. Đàn dê ngày càng phát triển, có thời điểm lên đến 120 con, trong đó có 70 dê mẹ.

Bà Tĩnh cho biết, trung bình một năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 3 con. Nếu nuôi dê lấy thịt thì đến tháng thứ 8 có thể bán được, khi đó dê có trọng lượng 20-25kg/con. Với giá thị trường hiện tại, bà bán khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, mỗi năm nuôi dê cho thu lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng bà còn có nguồn thu nhập ổn định từ 3ha cao su, 3 ha tràm, trừ chi phí cũng lãi trên 130 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể các nguồn thu khác từ nuôi bò, trồng tiêu, môn, khoai từ…

Trưởng thôn Thủy Ba Đông Nguyễn Hồng Anh cho biết, nuôi dê phù hợp với địa hình ở thôn cũng như xã Vĩnh Thủy. Dê ăn được rất nhiều loại lá cây và cỏ nên việc tìm nguồn thức ăn cho dê khá dễ dàng. So với các loại vật nuôi khác, dê có khả năng kháng bệnh tốt, chịu được khí hậu khắc nghiệt.

Mô hình nuôi dê của bà Tĩnh được nuôi bán chăn thả, chất lượng thịt ngon, được khách hàng ưa chuộng. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả mà địa phương đang khuyến khích người dân học tập, nhân rộng.

Tú Linh
Ý kiến bạn đọc
Top