Song song với mục tiêu tiếp tục phát triển sản phẩm mới, Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
>> Bài 1: “Chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất
>> Bài 2: Nơi ươm mầm cho người trẻ
Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP bay xa
Bên cạnh nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất thì việc áp dụng công nghệ để chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, triển lãm trong tỉnh, trong nước và quốc tế được các đơn vị liên quan như: Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cùng các tổ chức, đoàn thể tích cực tổ chức, khâu nối.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra mô hình sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao Rượu Tình Can Lộc ở thị trấn Nghèn.
Theo đó, các đơn vị liên quan đã tổ chức, kết nối triển khai các hoạt động như: Hội chợ sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực tỉnh Hà Tĩnh hằng năm, Phiên chợ đêm cuối tuần, Phiên chợ sản phẩm OCOP, Phiên chợ OCOP trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh…
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP còn được tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ và các sự kiện lớn như: Hội chợ OCOP toàn quốc, Hội chợ đặc sản vùng miền, Hội nghị kết nối các nhà cung cấp, Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, qua các chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có thêm kênh để đưa sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vào phân phối trong hệ thống siêu thị như: Big C, Winmart, Coopmart...
Vừa qua, Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, TikTok Việt Nam, Agritrade và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề: “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”.
Diễn đàn mang đến những kiến thức cơ bản về vận hành bán hàng nông sản trên nền tảng số cho thanh niên, người dân Hà Tĩnh. Chương trình hướng dẫn bán hàng online giúp thanh niên nông thôn hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, kỹ năng livestream, bán hàng, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thuận lợi nhất, lan tỏa sản phẩm của Hà Tĩnh tới bạn bè trong nước, quốc tế…
Nhiều gương mặt nổi tiếng trên nền tảng TikTok như: Gia đình Mai Tú, Cô Ba Hong Kong, Liên Tít, diễn viên Mạnh Hưng, diễn viên Trương Hoàng, Ngô Thành... đã đồng loạt livestream quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.
Buổi livestream “Chợ phiên OCOP” quảng bá và bán các phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh trên nền tảng TikTok trong gần 3 tiếng thu về gần nửa tỷ đồng.
Trong thời gian ngắn, buổi livestream “Chợ phiên OCOP” đã thu hút 14,8 triệu lượt tiếp cận, 300.000 lượt xem trực tiếp, doanh số bán hàng đạt 485 triệu đồng. Trong đó, có những chủ thể nổi bật như: Nem chua Ý Bình trong 10 phút bán được 600 đơn hàng, Cu đơ Thư viện bán được 300 đơn hàng...
Trở về sau sự kiện truyền thông đặc biệt này, HTX Sen Hào Thành (TP Hà Tĩnh) đã tổ chức bán hàng qua TikTok với 2 sản phẩm OCOP 3 sao (trà ướp bông sen, trà sen) và các sản phẩm chế biến từ sen như: hạt sen tươi và sấy, củ sen tươi và sấy, trà tâm sen...
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch HĐQT HTX Sen Hào Thành, cho hay: “Lâu nay, đơn vị chỉ bán hàng qua facebook, zalo với thao thác đơn giản, còn nền tảng mới như TikTok chưa tiếp cận. Vừa qua, HTX được các Tiktoker hướng dẫn trực tiếp cách thức quảng bá sản phẩm, hỗ trợ mở tài khoản, tạo gian hàng và thực hành kỹ năng bán hàng trên nền tảng TikTok. Hiện nay, HTX đã tự quản lý tài khoản và quay video quảng bá, bán hàng trên tài khoản này. Tới đây, chúng tôi sẽ bắt đầu livestream trực tiếp để bán hàng”.
Theo ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh được thực hiện khá tốt, nhất là khâu bán hàng. 100% cơ sở OCOP đã tham gia chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Từ đó, một số sản phẩm đã tiếp cận các đối tác nước ngoài và xuất khẩu thành công.
Tự tin tham gia các “sân chơi” lớn
Dù mới tham gia OCOP năm 2021 với sản phẩm nước mắm đạt hạng 3 sao nhưng HTX Chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên) đã có sự phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ sản xuất theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, mỗi đợt chỉ xấp xỉ 5.000 lít và bán “thô” theo can, chai thì đến nay, cơ sở đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, bao bì nhãn mác đẹp mắt, mỗi đợt lên đến 72.000 lít.
Xem việc tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm là cơ hội để quảng bá sản phẩm, HTX Chế biến hải sản Phú Sáng đã rất tích cực tận dụng. Chị Nguyễn Thị Sáng, Giám đốc HTX cho hay: “Chúng tôi thường xuyên được Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan tạo cơ hội để tham gia xúc tiến thương mại ở các “sân chơi” trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.
Mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tự tin tham gia các “sân chơi” lớn.
Nhờ quảng bá trực tuyến rộng rãi trên không gian mạng, nhiều sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh đã “xuất ngoại” thành công, mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, với mong muốn bảo đảm sản phẩm OCOP được tiêu thụ ổn định, Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân qua việc thành lập các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Chủ động số hóa sản phẩm, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu là bí quyết thành công của Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh). Hiện công ty có 3 đơn hàng với gần 6 tấn vỏ bánh ram mang thương hiệu Nam Chi được xuất sang Hàn Quốc, trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Theo ông Hồ Sỹ Cầm, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm, để chinh phục được thị trường Hàn Quốc, đơn vị đã nỗ lực tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc nhà xưởng hơn 1 tỷ đồng, chú trọng nâng cả chất lượng sản phẩm và mẫu mã, bao bì. OCOP chính là giấy “thông hành” để bánh ram Nam Chi tiến gần hơn thị trường thế giới. Nhờ tham gia Chương trình OCOP, công ty đã rút ngắn một phần quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước trên thế giới.
Bên cạnh bánh đa nem Nam Chi, bánh đa vừng Nguyên Lâm, đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều sản phẩm OCOP xuất khẩu như: sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như: nem chua Ý Bình, hải sản Hoa Linh Chi, mực Ngọc Diệp… được xuất bán qua đường tiểu ngạch.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Trong đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP, bởi khi đạt chuẩn 5 sao, sản phẩm sẽ đạt một số tiêu chuẩn quan trọng, cơ bản đủ điều kiện xuất khẩu. Cùng đó là hỗ trợ các cơ sở thiết lập quy trình sản xuất đủ tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, hữu cơ… Văn phòng đã kết nối các cơ sở sản xuất và các đơn vị chuyên xuất khẩu qua không gian mạng để tạo cơ hội hợp tác. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ kết nối để các cơ sở OCOP tham gia các diễn đàn OCOP ASEAN (khi được thống nhất tổ chức), tham gia các hội chợ quốc tế để giao lưu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác ở nước ngoài”, ông Lê Xuân Tùng , Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh), cho biết thêm.
Bài 4: Để “mũi tên” OCOP trúng nhiều đích
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.