Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 14:31

Phát động Tết Trồng cây: Tầm nhìn xa của Bác

Đã hơn 60 năm toàn dân ta thực hiện Tết Trồng cây theo lời Bác Hồ và đời đời nhớ ơn Bác.

Tết Trồng cây đã trở thành phong trào sâu rộng, bền vững trong nhân dân, thành tập quán tốt đẹp trong vui Tết, đón Xuân, thành nếp sống văn hóa nhân văn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, quốc phòng và môi trường. 

Tết Trồng cây thể hiện một tầm nhìn vượt trước thời đại về bảo vệ môi trường của một thiên tài luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt thực tiễn.

Bài 1: Lựa chọn cây trồng phù hợp

Những năm gần đây, không thể phủ nhận kết quả từ trồng rừng sản xuất và hiệu quả của nó mang lại. Đến hết tháng 11/2022, cả nước trồng 260,6 nghìn hecta rừng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 17,6 triệu m3, tăng 6,6%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9%.

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm đến công cuộc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng. Với người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đặc biệt là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Bác cho rằng, Tết Trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục...

Kết quả là vậy, nhưng ở một số địa phương đang có nghịch lý, khai thác trắng rừng sản xuất đã gây ra lũ lụt, sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, việc lựa chọn cây trồng phù hợp và xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý để phát triển rừng bền vững là rất cần thiết.

Nghịch lý: Trồng rừng sản xuất gia tăng lũ lụt, sạt lở đất

Hẳn dư luận còn nhớ trận mưa lịch sử xảy ra ngày 14/10/2022 ở TP. Đà Nẵng, đã gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, tại nghĩa trang Hòa Sơn (Hòa Vang), hàng trăm ngôi mộ bị vùi lấp bởi đất đá. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng, thành phố có 17.895,07 ha trồng keo. Riêng diện tích rừng trồng keo tại gần điểm sạt lở nghĩa trang Hòa Sơn có khoảng 100ha. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng thành phố cho biết, tổng cộng có 6 điểm bị ảnh hưởng nặng, trong đó có 610 mộ bị hư hại trên tổng diện tích 22.243m2.

Khoảng 16.000m3 đất đá sạt lở đổ xuống nghĩa trang Hòa Sơn (TP. Đà Nẵng).

Sau khi đi kiểm tra tình hình sạt lở ở khu vực nghĩa trang Hòa Sơn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận định, nguyên nhân sạt lở vùi lấp hàng trăm ngôi mộ, một phần là do các rừng keo xung quanh nghĩa trang, người dân phát quang tạo những con đường mòn để đi lại, khai thác. Khi lượng mưa lớn, nước từ trên đỉnh núi dồn tập trung về các đường mòn này tạo nên dòng chảy xiết gây sạt lở đất đá.

Ông Quảng đề nghị, địa phương và cơ quan chức năng phải đánh giá nguy cơ, xem xét việc chuyển đổi việc trồng cây keo sang trồng rừng phòng hộ; tránh để tình trạng sạt lở tại khu vực này tái diễn. Đây là bài học cho chúng ta trồng cây ở sườn đồi sườn dốc, nhất là tạo ra đường mòn lối mở, thì tạo ra sạt lở. Sở Nông nghiệp và PTNT phải chuẩn bị phương án phòng hộ, tránh lặp lại trường hợp hiện nay.

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng, cho rằng, người dân sẽ khai thác rừng keo sau 4 - 5 năm; cho nên việc giữ đất, chống xói mòn của rừng keo rất kém. Chi cục Kiểm lâm thành phố sẽ rà soát, có phương án đề xuất việc chuyển đổi cây trồng sản xuất sang cây bản địa với thành phần hỗn giao tạo ra nhiều tán rừng, góp phần chống sạt lở. Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng cần sớm hoàn thành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, qua đó thu hồi một số diện tích trồng keo để hình thành rừng phòng hộ tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, đất đá cao do mưa lũ.

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, hiện nay, xung quanh nghĩa trang Hòa Sơn, đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất. Huyện cũng đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và sẽ có ý kiến, đề xuất UBND thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch xung quanh khu vực nghĩa trang thành rừng phòng hộ. Từ đó, sẽ thay thế rừng trồng keo thành rừng trồng các loại cây bản địa, cây lâu năm, góp phần giảm sạt lở, xói mòn.

Giờ đây, trồng keo lấy gỗ là sinh kế chủ lực của người dân miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ. Chỉ tính riêng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, diện tích rừng trồng đạt hơn 350.000ha, chủ yếu là trồng keo. Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), gỗ keo đang được giá nên nhiều người khai thác trước và ngay trong mùa mưa. Khi khai thác thì cưa hạ toàn bộ để giảm chi phí. Sau khi thu hoạch, các đồi keo bỗng trở thành đồi trọc, hầu hết các ngọn đồi đều bị mất trắng thảm thực vật che phủ. Người dân miền núi Khánh Vĩnh giờ buộc phải chấp nhận thực tế, hễ cứ mưa thì nước sông, nước suối dâng cao.

Tại Phú Yên, việc khai thác keo diễn ra tại nhiều địa phương miền núi, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều ngọn đồi được trồng keo cùng thời điểm, sau khi thu hoạch, bỗng trở thành đồi trọc. Hầu hết các ngọn đồi ở các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân đều trồng keo, khi đến mùa thu hoạch thì bị khai thác trắng. Người dân địa phương lo ngại nguy cơ làm gia tăng tình trạng sạt lở, lũ lụt.

Phát triển kinh tế rừng là hướng đi đúng đối với các địa phương miền núi. Nhưng làm theo kiểu trồng cây để nhanh lấy gỗ, kiếm lợi nhuận và bỏ qua mối nguy đối với môi trường là điều khó có thể chấp nhận. Một nguyên tắc vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế rừng bền vững là không được trồng thuần một loại cây, không được trồng cùng một thời điểm trên diện tích lớn. Bởi nếu làm như vậy thì khi khai thác sẽ đồng loạt,  khó tránh khỏi tác động đến hệ sinh thái. Trồng rừng kinh tế, lẽ đương nhiên là phải khai thác. Nhưng, ở vùng núi các tỉnh Nam Trung Bộ, độ che phủ rừng chủ yếu là rừng trồng, nếu khai thác trắng như hiện tại thì chắc chắn sẽ gia tăng lũ lụt và sạt lở đất.

Chuyển trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn

Một trong những giải pháp để nâng cao giá trị rừng trồng nhưng hạn chế được việc gây lũ lụt, sạt lở đất đó là chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Việc chuyển đổi sang trồng gỗ lớn vừa giảm được chi kinh phí đầu tư giống, vật tư, nhân lực, đặc biệt do thời gian trồng dài, 10-12 năm, hạn chế được lũ lụt, sạt lở đất do khai thác.

GS. Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam, cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

Ông Lung cho rằng, lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40 - 50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80 - 90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10 - 20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20 - 50% so với rừng tự nhiên.

Tuyên Quang là một trong những địa phương có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ rừng che phủ, đạt 65%. Những năm qua, phát triển kinh tế từ rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp, bước đi cụ thể để tỉnh nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, mang lại giá trị môi trường.

Hiện, Tuyên Quang có hơn 69.000 ha rừng gỗ lớn, được trồng bằng các loài cây bản địa như: lát hoa, trám, sấu, mỡ, quế... và một phần do nhân dân tự đầu tư trồng. Năm 2017, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để nhân dân trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây như: keo lai mô, keo tai tượng hạt ngoại… Do vậy, việc phát triển rừng gỗ lớn được mở rộng và người dân hưởng ứng tích cực hơn.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, dẫn chứng, cánh rừng 7 năm nếu khai thác cho sản lượng gỗ trung bình đạt 100 m3/ha, nhưng khi giữ lại làm rừng gỗ lớn  10 - 12 năm thì khối lượng gỗ có thể tăng lên 120 - 150 m3/ha. Bởi từ năm thứ 7 đến năm thứ 12, cây rừng ở trong giai đoạn phát triển nhanh nhất trong chu kỳ sinh trưởng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn, trồng rừng gỗ lớn còn có nhiều lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ đất, giữ nước, đặc biệt với cây keo là cây họ Đậu, bộ rễ cố định đạm (quá trình biến đổi nitơ tự do) tạo thành chất mùn, đất đai sẽ được tái tạo tốt hơn.

Theo TS. Nguyễn Đình Thành (Viện Kinh tế Bình Định), giải pháp để nâng chất lượng rừng là phải trồng cây gỗ lớn, nhưng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt, bảo hiểm lâm nghiệp và hỗ trợ người dân trong các thủ tục cấp chứng chỉ để xuất khẩu gỗ rừng trồng. Ngoài ra, cần kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp để có được liên kết chuỗi trong đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Khi thu hoạch, cần khai thác lệch pha hoặc theo từng luống nhỏ và trồng thay thế ngay, không nên khai thác trắng cùng một lúc.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh đã có kế hoạch trồng rừng gỗ lớn tại 14 huyện. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện chỉ mới trồng được 2.512,39ha, đạt 25,12% kế hoạch. Tuy nhiên, Quảng Nam đang quyết liệt triển khai thay thế rừng keo tràm bằng rừng gỗ lớn để phục hồi rừng, phục hồi khả năng giữ nước của rừng, mới có thể kéo giảm được sạt lở và lũ quét.

Tại Thừa Thiên - Huế, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu phát triển thêm khoảng 9.900 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo; trong đó có khoảng 1.200 ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế Võ Văn Dự, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng có chứng chỉ FSC. Ngành khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm chính sách bảo hiểm rừng trồng để bà con yên tâm hơn trước ảnh hưởng của thiên tai, bão gió.

Trồng cây ăn quả mang lại lợi ích “kép”

Trên thực tế, thay vì trồng rừng sản xuất, nhiều địa phương đã chủ động chuyển sang trồng cây ăn quả (cây lâu năm), vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu  lũ lụt, sạt lở đất.\

Báo cáo Thủ tướng, người dân cho biết mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt... đá không còn cao lên mãi như trồng ngô trước đây.

Sơn La là điển hình cho việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” mang lại hiệu quả “kép”. Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, những năm trước đây, nhiều diện tích cây trồng mang lại hiệu quả không cao, trong đó có ngô. Có thời điểm diện tích ngô trong tỉnh lên tới 200.000ha. Chủ trương về phát triển cây ăn quả trên đất dốc như cuộc cách mạng nông nghiệp, làm thay đổi nhận thức của nhà quản lý và tư duy của người sản xuất, làm cho cây trái ngát xanh triền đồi núi với những mùa quả ngọt bội thu.

Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh Sơn La có 113.000 ha cây lâu năm, trong đó có 84.000 ha cây ăn quả; sản lượng đạt 436.956 tấn. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu tỉnh đạt 174,8 triệu USD, tăng 8,45% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nông sản tăng nhanh. Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến chiếm 93,25%.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đánh giá, mắc ca là cây có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cả trồng thuần hoặc trồng xen. Mắc ca là cây lâm nghiệp đa giá trị, có vòng đời khai thác lâu dài nên có thể phát triển thành cây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, chống sự xói mòn của đất và phát triển hiệu quả một số loại cây khác dưới tán rừng.

Qua khảo sát của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,7 triệu hecta đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu hecta đất có rừng và còn khoảng 1 triệu hecta đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa hưởng ứng kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai trồng mắc ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.

“Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu và con người để phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành, đa canh với nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh.

Đặc biệt, mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống”, ông Thắng nhận xét.

Theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ liên kết giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, Sơn La có 104.820 ha cây ăn quả, sản lượng 596.530 tấn, trong đó diện tích cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu là 15.000 ha; diện tích vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy 54.000ha cây ăn quả các loại, đến năm 2030 là 75.000ha, đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến của các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực lĩnh vực trồng trọt; nhãn hiệu các sản phẩm trồng trọt đã được bảo hộ, các sản phẩm OCOP. Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến của vùng Tây Bắc.

Phát biểu tại “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” diễn ra tại Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, điều chúng ta vui mừng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là điểm sáng về phát triển cây ăn trái.

Thăm vùng sản xuất nông nghiệp ở xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) và kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La (Mai Sơn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất. Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…

 

Bài 2: Những mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top