Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2023 | 10:16

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”: Thúc đẩy thi đua sản xuất

Cuộc phát động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” của Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đã trở thành phong trào sâu rộng trong cán bộ, đảng viên cũng như Nhân dân trên toàn tỉnh.

Ghi nhận ở hai huyện nghèo A Lưới và Nam Đông, cuộc vận động đã được chuyển hóa thành những phong trào thiết thực lan tỏa trong đời sống và văn hóa của người dân nơi vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, bộ mặt làng bản, thôn xóm cũng dần được đổi thay.

Bài 1: Thi đua sản xuất trong mỗi gia đình, mỗi người dân

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” phát triển sâu rộng ở hai huyện A Lưới và Nam Đông, tạo ra sự thi đua sản xuất trong mỗi gia đình, mỗi người dân. Qua phong trào, nâng cao vai trò các già làng, trưởng họ, được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của Thừa Thiên- Huế.

Thi đua tăng gia sản xuất

A Roàng, một trong những xã biên giới khó khăn của huyện A Lưới, nằm cách trung tâm huyện hơn 37 km với hầu hết người dân là người Tà Ôi (chiếm 91%) cùng người Cơ Tu, người Kinh sinh sống. Đến A Roàng vào những ngày giữa tháng 10, trong tiết trời se lạnh thi thoảng lại xuất hiện những cơn mưa nặng hạt. Thời điểm này, chính quyền cùng với người dân xã A Roàng nói riêng và huyện A Lưới nói chung đang phấn đấu để đưa địa phương ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông còn thơm mùi nhựa mới, vừa đi ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng vừa cho hay, trước đây, đời sống của người dân nơi đây rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, toàn xã có 741 hộ với 3.092 nhân khẩu thì có tới hơn 60% hộ nghèo, cận nghèo.

Người dân xã A Roàng tích cực lao động sản xuất sau khi phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được phát động. Ảnh: T. Thành

Người dân xã A Roàng tích cực lao động sản xuất sau khi phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được phát động. Ảnh: T. Thành

Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, đặc biệt, cuộc vận động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã thu hút đông đảo số lượng cán bộ, người dân trên địa bàn xã tham gia, tất cả 7/7 thôn đã phát động nhiều đợt với số lượng tham gia luôn duy trì trên mức trên 90%. Các chính sách về giảm nghèo được triển khai đồng bộ và kịp thời, nhất là chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhà ở, mô hình sau đầu tư, chính sách hỗ trợ cây giống, con giống... cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, kinh tế đời sống của nhân dân trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ, phát triển rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Đến nay, A Roàng còn có 371 hộ nghèo chiếm 50% và 73 hộ cận nghèo, chiếm 9,8% toàn xã.

Anh A Viết Trí, trú thôn A Roàng 1, xã A Roàng cho biết, cuộc sống của gia đình anh trước đây rất khó khăn, vợ tàn tật không thể lao động, 4 miệng ăn gia đình chỉ dựa vào tiền công làm thuê hàng ngày của anh và 2 sào ruộng và gần 1 ha keo tràm, nên cái nghèo mãi cứ đeo đuổi gia đình. Sau khi địa phương phát động phong trào giảm nghèo anh Trí cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư thêm 2 con dê và 3 con bò tăng gia sản xuất. Cuối năm 2022, anh Trí đã cất được cho gia đình căn nhà cấp 4 bằng bê tông kiên cố, đầu năm 2023 gia đình anh được chính quyền địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.  

Theo số liệu thống kê từ UBND xã A Roàng, thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022 xã đã hỗ trợ sản xuất mô hình giảm nghèo “Dự án phát triển chăn nuôi bò vàng” cho 8 hộ dân mỗi hộ 2 con bò, đăng ký tham gia tập huấn truyền thông giảm nghèo cho cán bộ thôn và hộ nghèo, cận nghèo, số lượt tham gia trên 100 người. Hỗ trợ tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động cho trưởng thôn và thanh niên có nhu cầu học nghề và làm việc, số lượng tham gia trên 80 người. Trợ cấp 288 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội… Toàn xã A Roàng có 255 hộ dân xây mới và sửa chữa lại nhà. Xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ka Rôông - A Ho và thôn A Min - C9,  xây nhiều công trình đường dân sinh, đường sản xuất cho người dân.

Ông Đoàn Văn Voi, xã Thượng Long, huyện Nam Đông bên ngôi nhà khang trang đang hoàn thiện của gia đình. Ảnh: T. Thành

Ông Đoàn Văn Voi, xã Thượng Long, huyện Nam Đông bên ngôi nhà đang hoàn thiện của gia đình. Ảnh: T. Thành

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cũng vui vẻ chia sẻ kết quả mà địa phương đã gặt hái được trong phong trào giảm nghèo những năm qua. Theo đó, sau điều tra rà soát cuối năm 2022 số hộ nghèo trên địa bàn xã Lâm Đớt là 618 hộ chiếm 47%. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 138 hộ thoát nghèo và Lâm Đớt phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 480 hộ.  

Sau A Lưới, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” cũng đã được phát động và đã lan rộng đến tời từng thôn làng, ngõ xóm ở huyện Nam Đông. Cách đây hai năm do sức khỏe yếu không thể lao động nên gia đình ông Đoàn Văn Voi, người dân tộc Cơ Tu trú thôn 3, xã Thượng Long, huyện Nam Đông nằm diện hộ nghèo của xã. Sau khi chính quyền địa phương phát động phong trào giảm nghèo, ông Voi đã động viên các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bản thân phải cố gắng vượt khó vươn lên làm ăn để thoát nghèo. Từ nguồn hỗ trợ giảm nghèo, gia đình ông cũng đầu tư phát triển thêm chăn nuôi và trồng rừng để tăng thu nhập cho gia đình. Và giờ đây, gia đình ông Voi có đàn bò sinh sản với 4 con và hơn 2 ha rừng trồng cao su, keo tràm. Đặc biệt, trong năm nay ông Voi sẽ hoàn thành ngôi nhà bê tông chắc chắn để gia đình an cư lạc nghiệp, gia đình ông Voi cũng đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, trên toàn xã có 15 hộ đầu tư làm mới và sửa chữa nhà ở, nâng tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố bình quân của xã đạt 97,5% (702 nhà/720 nhà), có 656 hộ đã àm hố xí (256 hố xí tự hoại, 400 hố xí hợp vệ sinh), 230 hộ cứng hóa sân nhà và cứng hóa đường từ ngõ vào nhà; 720 nhà thực hiện làm mới hàng rào… Xã huy động 8.032 ngày công lao động để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, làm các công trình công cộng; tỷ lệ các tuyến đường trục thôn, xóm đã có ắp đặt điện chiếu sáng vào buổi tối của xã đạt 74%”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long Phạm Văn Nuy chia sẽ về phong trào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia. Đồng thời, nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân toàn tỉnh, ngày 25/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”.

 

“Người có uy tín” tiên phong

Trong cuộc vận động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nói riêng và việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung ở Thừa Thiên Huế, các trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) là những người luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào của địa phương, cũng là người "giữ lửa" ở các bản, làng, thôn, xóm, tổ dân phố. Đây cũng là nhân tố quan trọng trong việc vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở vùng sâu, vùng xa.

Hộ Trưởng thôn A Đâng, xã Hồng Thái, huyện A Lưới Thái Hồ Văn Phúc, trước đây thuộc cũng diện hộ nghèo của địa phương, gia đình 5 miếng ăn chỉ dựa vào kinh tế chăn nuôi bò do được hỗ trợ của nhà nước cộng với số tiền ít ỏi từ việc đi làm keo tràm thuê hàng ngày của anh. Nhưng với ý chí vượt khó vươn lên, sau nhiều lần tìm tòi, suy nghĩ anh Phúc nhận thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp sẽ mang lại kinh tế cho gia đình. Nghĩ là làm, với vốn kiến thức ỏi từ việc học hỏi người thân quen anh Phúc đã quyết định vay 20 triệu đồng đầu tư lồng sắt và mua giống cá về nuôi.

:  Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5, xã Thượng Quảng dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Hải cùng với vợ vẫn không ngừng cố gắng lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xã hội. Ảnh: T. Thành

Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5, xã Thượng Quảng dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Hải cùng với vợ vẫn không ngừng cố gắng lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xã hội. Ảnh: T. Thành

Sau nhiều vụ nuôi tay trắng, đến nay gia đình anh Phúc đã có 12 lồng cá trắm cỏ, có cá lóc, cá trê… đang mang lại thu nhập cao cho gia đình. Anh Phúc nhẩm tính, trừ chi phí bình quân mỗi năm, lợi nhuận mang lại từ nuôi cá lồng khoảng 150-200 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi cá lồng, anh Phúc đã mua sắm phương tiện đi lại, vật dụng phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Hiện nay, dia đình anh đang tiếp tục đầu tư thêm lồng nuôi cá chạch, cá lấu là loại cá có giá trị cao trên thị trường, để tăng thu nhập cho gia đình. Gia đình anh Hồ Văn Phúc được đánh giá là gương sáng điển hình về phát triển kinh tế bằng việc nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện A Sáp ở xã Hồng Thái.

Với hơn 15 năm làm trưởng thôn, ông Nguyễn Duy Hải (71 tuổi) ở thôn 5, xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông) nhận thức rõ trách nhiệm và tấm gương đi đầu trong việc thực hiện phong trào giảm nghèo ở địa phương. Do đó, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Hải cùng với vợ vẫn không ngừng cố gắng lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xã hội. Được biết, hiện gia đình ông Hải đang trồng gần 2 ha cao su, vườn cây ăn quả với gần 50 gốc bưởi và thanh trà, cùng với đó là 2 hồ nuôi cá trắm cỏ và 5 con bò. Thu nhập bình quân hàng năm của vợ chồng ông khoảng từ 130 đến 150 triệu đồng.

Già làng Trần Đức, người Cơ Tu, ở thôn Aprung , xã Thượng Long (huyện Nam Đông) chia sẽ về phong trào “Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo” ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Già làng Trần Đức, người Cơ Tu, ở thôn Aprung, xã Thượng Long (huyện Nam Đông) chia sẻ về phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, trong công cuộc vận động người dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông phải kể đến vai trò của các già làng, trưởng bản, NCUT. Nhiều năm qua, già làng Trần Đức, người Cơ Tu, ở thôn Aprung , xã Thượng Long, huyện Nam Đông đã cùng với chính quyền địa phương tích cực vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn, bản tham gia phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” cũng như các chính sách khác hiệu quả ở địa phương. Già Đức trực tiếp đến các hộ gia đình để giải thích cho mọi người hiểu rõ mục tiêu của cuộc vận động là đem lại đời sống ấm no, sung túc hơn cho bà con.

“Mình là đảng viên phải làm gương trước và có trách nhiệm vận động người dân và giải thích để bà con hiểu rõ mình là chủ thể trong phong trào. Chỉ cho bà con những mặt đã làm được và chưa làm được để họ có hướng phấn đấu. Từ đó, bà con tự cố gắng lao động sản xuất để đảm bảo lương thực vươn lên thoát nghèo và được không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước”, già  Đức nói.

Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào DTTS đã tạo nên “cánh tay nối dài” của chính quyền, góp phần đắc lực vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới ở Thừa Thiên- Huế.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 11.530 hộ với khoảng 55.100 khẩu đồng bào DTTS, sinh sống ở 12 xã biên giới và 33 xã vùng miền núi của các địa phương Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà, gồm các dân tộc: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác, chiếm hơn 5,2% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 132 NCUT trong đồng bào DTTS.

 

Bài 2: Phát triển kinh tế VAC

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top