Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 4 năm 2024 | 12:21

Quảng Nam phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Những năm qua, làng nghề, làng nghề truyền thống ở Quảng Nam có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Đa dạng hoạt động sản xuất kinh doanh

Quảng Nam hiện có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong số các làng nghề được công nhận, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (chiếm 36,67%); 04 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất (SX) hàng thủ công mỹ nghệ (13,33%); 15 làng nghề thuộc nhóm ngành SX đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (50%). Các nghề, làng nghề được công nhận phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng và 02 huyện miền núi. Có 07 địa phương chưa có làng nghề được công nhận.

Trên địa bàn Quảng Nam có nhiều hoạt động ngành nghề nông thôn được duy trì, tương đối phát triển như SX bánh tráng tại Đại Lộc; SX đèn lồng tại Hội An; SX mộc mỹ nghệ, gốm sứ tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên; SX phở sắn ở Quế Sơn; chế biến thủy sản ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành; chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu quý (quế Trà My, sâm Ngọc Linh, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam…) ở Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn; chế biến một số sản phẩm từ cây đặc sản, thế mạnh như lòn bon (bòn bon), tiêu Tiên Phước, trà xanh Quyết Thắng, chè dây, ớt Ariêu ở Đông Giang; SX trầm hương ở Nông Sơn, Tiên Phước…

Du khách trải nghiệm tại làng nghề rau Trà Quế (thành phố Hội An).

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho biết, việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển được nhiều nghề truyền thống và phát triển các nghề mới. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch.

Trong tổng số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản…; 14 làng nghề hoạt động SX cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như: mây tre đan, đan lát, nón lá, dệt chiếu, dệt vải, dệt thổ cẩm.

Trước đây, một số làng nghề duy trì ổn định và có sự phát triển nhờ gắn kết với phát triển du lịch như: Làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề gốm Thanh Hà (Hội An). Tuy nhiên, do tác động nặng nề, kéo dài của đại dịch Covid-19, hoạt động SX kinh doanh (KD) của nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn tại những làng nghề này gặp rất nhiều khó khăn, SX duy trì ở mức độ cầm chừng.

Quảng Nam có 40 nghệ nhân và thợ giỏi được công nhận, chủ yếu tập trung ở ngành nghề SX hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có 11 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước công nhận (02 nghệ nhân nhân dân, 09 nghệ nhân ưu tú). Nghệ nhân và thợ giỏi được UBND tỉnh công nhận có 29 cá nhân (18 nghệ nhân, 11 thợ giỏi). Việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi không chỉ khích lệ, động viên tinh thần các cá nhân tâm huyết giữ nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là xây dựng nòng cốt, tạo động lực để các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề, làng nghề.

Khó khăn, thách thức

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, tổng số lao động tham gia SXKD ngành nghề nông thôn tại các làng nghề, làng nghề truyền thống là 4.278 người. Phần lớn lao động tại các làng nghề đều ở tuổi trung niên, lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động; tư duy SX tiểu nông, SX theo kiểu lấy công làm lời, tâm lý ngại thay đổi; chưa thích ứng, năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường. Do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên đa phần lao động trẻ không gắn bó với nghề của làng, chuyển dịch sang các công việc khác dẫn đến việc cấy nghề, truyền nghề gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những thách thức rất lớn trong công tác bảo tồn, duy trì, phát triển làng nghề.

Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở ngành nghề nông thôn tại các làng nghề thấy, các cơ sở ngành nghề nông thôn chủ yếu sử dụng vốn tự có hoặc vay mượn của người thân, bạn bè để phục vụ SXKD.

Một số cơ sở có quy mô hơn có nhu cầu vay vốn, tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn vay tín dụng đầu tư SX của các hộ, HTX, doanh nghiệp,... trong các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề cơ bản ổn định nhưng một số nguồn nguyên liệu trong tỉnh hiện bị suy giảm do việc khai thác quá mức, thiếu tổ chức dẫn đến cạn kiệt các nguồn nguyên liệu tự nhiên. Các vùng nguyên liệu bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác, do áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn đến thiếu nguyên liệu tại chỗ, SX phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác (nguyên liệu lát phục vụ SX chiếu; nguyên liệu đất sét phục vụ SX gốm sứ; nguyên liệu đót phục vụ SX chổi…).

Làng nghề Kim Bồng (thành phố Hội An) tạo ấn tượng mạnh mẽ.

Trong hoạt động SXKD, các làng nghề, làng nghề truyền thống đều phát sinh các chất thải gây ô nhiễm môi trường như: Khí thải (khói, bụi, tiếng ồn); nước thải (nước chế biến, nước mắm, nước làm bún, nước phở sắn, nước nhuộm chiếu,...); chất thải rắn (đay, cói, phẩm màu, phôi bào, dăm bào, gỗ vụn, vải thừa, mây tre, đất sét nung, bột đồng, than tro,...). Các chất thải này chưa được các hộ xử lý mà thải trực tiếp ra không khí, ra đất hoặc xử lý bằng hình thức đơn giản như: hầm rút nước thải hoặc tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, tự đốt, tập trung rác thải tại 01 khu vực trong làng nghề, giao Công ty Môi trường Đô thị thu gom.

Nhìn chung, các chất thải, khí thải trong hoạt động SX làng nghề không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Tuy nhiên, có một số làng nghề cần quan tâm đầu tư xử lý như: Làng nghề bún Phương Hòa (nước thải trực tiếp ra đất, hầm rút, có mùi hôi), Làng nghề gốm Thanh Hà (khói, bụi từ đốt than củi, nung gốm), Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (khói, bụi từ việc đốt than củi nấu đồng; đất sét làm khuôn; bột đồng do nấu đồng...), Làng nghề phở sắn Đông Phú (nước thải do ngâm tinh bột sắn thải ra mương dẫn ra ruộng, thải ra vườn nhà),...

Tăng cường công tác khuyến công

Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hằng năm khoảng 6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư phát triển TTCN trong làng nghề chiếm khoảng 48%, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ KHKT vào sản xuất CN-TTCN, Chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu…

Theo Quyết định số 3924/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh ban hành về Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2035, Quảng Nam có quy hoạch 02 Cụm công nghiệp làng nghề là Cụm công nghiệp làng nghề Đông Khương, thị xã Điện Bàn (7,22ha) và Cụm công nghiệp làng nghề Tam Tiến, huyện Núi Thành (10ha). Riêng Cụm công nghiệp làng nghề Đông Khương mới đầu tư giai đoạn 1 nhưng chưa hoàn thiện, hiện cụm mới chỉ thu hút được 02 cơ sở ngành nghề nông thôn vào sản xuất kinh doanh (Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp và Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ).

Ngày 09/12/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025; trong đó 07 nội dung hỗ trợ, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 12 tỷ đồng/năm. Năm 2024, UBND tỉnh đã phân bổ 5,066 tỷ đồng để các địa phương thực hiện cơ chế này.

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top