Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 11:37

Quảng Ngãi phát triển làng hoa gắn với du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, nông dân Quảng Ngãi mạnh dạn đầu tư trồng hoa gắn với du lịch cộng đồng. Làng hoa trở thành nơi tham quan, điểm du lịch trải nghiệm của du khách, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hướng đi mới

Ông Trần Ngọc Xôn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi), cho biết, năm 2022, UBND TP. Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng kỹ thuật làng hoa Nghĩa Hà hơn 4 tỷ đồng trên diện tích 10ha. Hỗ trợ mô hình khuyến nông nhà lồng sản xuất hoa, đường giao thông đi lại thuận tiện cho người dân trong vùng dự án sản xuất hoa.

Có nhà lồng, người dân trồng các giống hoa có giá trị kinh tế cao như hoa đồng tiền, hoa huệ, hoa lan mokara... Bên cạnh đó, người dân Nghĩa Hà trồng khoảng 30ha hoa các loại phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Ông Đặng Văn Minh ở thôn Bình Đông phấn khởi nói: Trước đây, tôi chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa đồng tiền bán dịp Tết. Từ năm ngoái đến nay, khi thấy du khách đến tham quan cánh đồng hoa, chụp ảnh lưu niệm ngày một nhiều, tôi mạnh dạn trồng thêm 600 chậu hoa đồng tiền để bán cho du khách. Đến nay, 600 chậu hoa đã bán hết, doanh thu khoảng 24 triệu đồng.

Du khách tìm đến làng hoa Nghĩa Hà để thư giãn và lưu lại những hình ảnh.

Chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Bình Đông chia sẻ: Gần 2 năm nay, tôi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cúc. Luân phiên trồng hoa cúc trên 3 sào đất (1 sào Trung bộ = 500m2) để có hoa bán đều đặn hằng tháng. Bình quân trồng khoảng 15 nghìn cây hoa cúc/sào. Sau 2,5  tháng chăm sóc, tôi bán hoa cúc, thu được khoảng 18 - 22 triệu đồng. Hoa được thương lái đến tận ruộng thu mua, rồi mang lên chợ bán nhân ngày Rằm, mùng Một hằng tháng. Vườn hoa nhà tôi được nhiều bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh.

Theo ông Xôn, xã thành lập Hội nghề nghiệp trồng hoa Nghĩa Hà, với 12 thành viên có kinh nghiệm trong sản xuất hoa và tổ chức trồng thí điểm 20m2 hoa lan Mokara, hiện lan phát triển khá tốt. Từ nguồn vốn 730 triệu đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Nghĩa Hà với 37 hộ, diện tích 3,1ha. Mục tiêu hỗ trợ giống, vật tư phân bón cho các hộ dân trong Làng hoa Nghĩa Hà; kết nối tiêu thụ sản phẩm hoa. Đây là hướng đi mới nhằm phát triển vùng hoa chuyên canh xã Nghĩa Hà kết hợp với du lịch cộng đồng.

Ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà, cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, xã đón hơn 200 đoàn đến từ các trường học trong và ngoài tỉnh, các trung tâm ngoại ngữ để trải nghiệm tại vườn rau, vườn hoa... Bước đầu tăng thêm nhu nhập cho người trồng hoa và rau. Tham gia vào dự án, hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức sản xuất, chịu trách nhiệm liên kết với doanh nghiệp, đại lý, thương lái trong tiêu thụ sản phẩm hoa. Hợp tác xã cũng là đơn vị chủ công trồng 12.000m2 hoa cúc phục vụ du khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Phát triển làng hoa gắn với du lịch cộng đồng

Anh Nguyễn Văn Cảm (TP Quảng Ngãi) có cơ hội nhiều lần đến Hà Nội và rất thích cúc họa mi. Anh đã mang giống hoa cúc họa mi từ Thủ đô về trồng ở khu đô thị Ngọc Bảo Viên (phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi).

Theo anh Cảm, cúc họa mi được ví là “hoa báo Đông” - một trong những loài hoa đặc trưng của Hà Nội vào mùa lạnh. Cúc họa mi thích hợp với khí hậu của Hà Nội, nên khi mới đưa về trồng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2023 , Quảng Ngãi không có bão, đến mùa Đông lại se lạnh, mưa ít, tạo điều kiện thuận lợi cho hoa nở đều và đẹp.

Du khách say đắm “check-in” tại vườn cúc họa mi giữa  TP. Quảng Ngãi.

Ngoài giới trẻ, nhiều người lớn tuổi ở miền Bắc vào Quảng Ngãi sinh sống cũng đến “check-in” tại vườn cúc họa mi, gửi gắm nỗi nhớ Hà Nội.

Lần đầu tiên, cúc họa mi ở khu vực bãi đá sông Hồng (Hà Nội) được mang về trồng tại Quảng Ngãi với số lượng lên đến hơn 20.000 cây, tạo điểm “check-in” thu hút hàng ngàn người.

Những ngày cuối năm 2023 và trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, du khách và người dân nô nức đến tham quan và ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại vườn cúc họa mi nằm giữa TP. Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Quảng Ngãi Nguyễn Lâm cho biết: Giai đoạn 2023-2030, thành phố định hướng phát triển làng hoa gắn với du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Làng hoa phát triển trở thành nơi tham quan, học tập và điểm du lịch trải nghiệm cho nhiều người tham gia.

Phát triển du lịch từ hoạt động sản xuất nông nghiệp là hướng đi mới của TP. Quảng Ngãi. Nhưng để loại hình du lịch này phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong hoạch định chiến lược cụ thể, cùng với người dân chọn lựa cách làm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp - Hướng đi mới của nông dân nơi đây.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top