Tỉnh Quảng Trị có nhiều nguyên liệu, sản phẩm nông sản có giá trị để xây dựng thành các sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, các ngành chức năng đã có nhiều cách làm mới để phát triển sản phẩm OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu
Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, đã gây dựng thành công 5,8 ha sen ở nhiều địa phương trong tỉnh trồng theo hướng hữu cơ cho sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình này mang lại cho chị Hiếu thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, cơ sở của chị Hiếu có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: tim sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, ngũ cốc hạt sen và đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm cà phê của hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Ta Lư tại Hội chợ Thương mại 2023 huyện Hướng Hoá -Ảnh: H.T
Với mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương với các loại nông sản đặc trưng, chị Trần Thị Lan, ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch, đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền của Quảng Trị đến thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, cơ sở của chị đang sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm làm từ nông sản sạch, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là bột gừng sấy lạnh; bánh cốm gạo lứt mè quê và ngũ cốc cao cấp.
Đã có nhiều nông dân làm giàu từ tài nguyên bản địa, nhiều sản phẩm đã và đang dần khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng nhất định trên thị trường, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên như: bánh tét Đại An Khê của THT bánh tét Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng); bánh ít lá gai Sáu Nhàn của cơ sở sản xuất bánh ít lá gai Lê Thị Sáu (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong); miến ngũ sắc Loan Hảo của cơ sở sản xuất Loan Hảo (xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh)...
Để các sản phẩm OCOP có đầy đủ nguyên liệu để sản xuất và chế biến, rất cần phải có những vùng nguyên liệu chuyên canh đảm bảo được nguồn cung cấp cho OCOP.
Hình thành nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Để có những sản phẩm OCOP được công nhận, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung sản phẩm OCOP và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê, ngay từ năm 2019, Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã liên kết với 7 tổ nhóm gồm hơn 100 hộ nông dân tại các xã Hướng Tân và Hướng Phùng để sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ.
Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định giúp nâng cao giá trị cây hồ tiêu -Ảnh: L.A
Theo đó, ngoài việc trồng mới, HTX tập trung hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc, tái canh và cải tạo diện tích cà phê lâu năm. Hiện nay, HTX yêu cầu người dân khi cây đạt 95% quả chín trở lên mới được thu hái và không ngâm quả vào nước, không được trộn tạp chất thì mới được HTX thu mua.
Tại huyện Vĩnh Linh, HTX sản xuất - kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã đầu tư máy móc phục vụ chế biến với 3 dòng sản phẩm chính là tiêu đỏ, tiêu xanh và tiêu sọ. Trong đó, sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Giám đốc HTX sản xuất - kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, HTX đã hợp tác với hơn 300 hộ gia đình với diện tích trên 120 ha, bao gồm cả tiêu kinh doanh và tiêu kiến thiết cơ bản. Sản lượng bình quân hằng năm hơn 200 tấn. Trong đó, có 26 ha đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam với sản lượng khoảng 3 tấn tiêu đỏ và trên 60 tấn tiêu đen hữu cơ. Qua đó giúp HTX chủ động trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bước đầu giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP; trong đó 73 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm 4 sao. Nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: gạo hữu cơ, dược liệu, hồ tiêu, chuối, cà phê… Hiện có gần 4.000 ha cà phê, với giống chủ lực là Catimor, tập trung chủ yếu tại huyện Hướng Hóa.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, một trong những tiêu chí hàng đầu của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định.
Đưa sản phẩm OCOP đến với mọi nhà
Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP ngày càng nhiều hơn, thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp cũng như kế hoạch về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm OCOP của tỉnh tại cửa hàng Gùi - Ảnh: BẢO BÌNH
Cửa hàng nông sản, đặc sản Quảng Trị mang tên Gùi của Công ty TNHH MTV Bảo An Khôi, ở địa chỉ số 1, Hùng Vương, TP. Đông Hà đã thu hút rất đông người đến tham quan, mua sắm. Với phương châm “gùi quê xuống phố”, chủ cửa hàng lựa chọn trưng bày, kinh doanh nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như cá suối, tôm, ếch, măng rừng, ớt bản, nếp than của vùng miền núi Hướng Hóa, Đakrông, các nhãn hàng nước mắm của Hải Lăng, Gio Linh...
Đặc biệt, cửa hàng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm của 10 chủ thể OCOP đã được chứng nhận trong tỉnh với đa dạng các mặt hàng như tinh dầu, hồ tiêu, cà phê, nước mắm, dầu gội, cam K4, gạo, trà thảo dược... Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong nước.
Anh Trương Văn Hoài, chủ cửa hàng cho biết, từ việc hưởng ứng hoạt động hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào các siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 do Sở Công thương phát động, anh cùng một số anh em đã nảy ra ý tưởng mở một gian hàng để bày bán các sản phẩm OCOP của Quảng Trị, của các tỉnh, thành phố và các mặt hàng nông sản của địa phương với tiêu chí hàng tươi ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm OCOP, ngoài tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thì việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm.
Sở Công thương hiện đang đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng, chủ lực của tỉnh vào kênh phân phối tại siêu thị, các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong tháng 10/2023 sẽ tổ chức trưng bày giới thiệu và kết nối sản phẩm OCOP, đặc trưng, chủ lực của tỉnh tại siêu thị Coopmart Đông Hà.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng, đây là chuỗi hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng.
Thực hiện chương trình OCOP năm 2023 của tỉnh, thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các chủ thể OCOP tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, bán sản phẩm thông qua hoạt động thương mại điện tử.
Tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ OCOP, đặc sản vùng miền, làng nghề trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.