Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.
Với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản vật địa phương và văn hoá vùng miền, chương trình OCOP Đắk Lắk đang tạo ra “sân chơi” cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phát huy lợi thế của mình. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, uy tín không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vườn tầm quốc tế.
Tiêu biểu như sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao hạt mắc ca Đắk Lắk của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Vượt qua những khó khăn ban đầu, bằng sự nỗ lực của mình, năm 2021, sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Sau 3 năm, vượt qua nhiều vòng đánh giá khắt khe, hiện sản phẩm được đánh giá lại với số điểm tuyệt đối 100/100 điểm, và trở thành sản phẩm tiềm năng 5 sao của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, từ khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Sản phẩm đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Cuối năm 2023, sản phẩm hạt mắc ca cao cấp Đắk Lắk đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản… Hiện nay, cùng với nâng cao chất lượng, doanh nghiệp tiếp tục chú trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
“Sản phẩm của Damaca Nguyên Phương đã có mặt trên 47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Đối với thị trường Hàn Quốc thì cũng đưa được những lô hàng mẫu đầu tiên sang. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc với 1 số thị trường tiềm năng như: thị trường Trung Quốc, 1 số thị trường ở các nước Ả Rập, hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được một số tín hiệu tốt từ thị trường”, bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Cũng là 1 trong những sản phẩm trong danh mục sản phẩm tiềm năng 5 sao của Đắk Lắk tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp trung ương sắp tới, sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã trải qua quá trình liên tục hoàn thiện mình. Ông Hoàng Mạnh Cường, chủ doanh nghiệp cho biết, năm 2021, sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm đã vượt qua được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc, khả năng tiếp cận thị trường… Tuy nhiên, không dừng ở đó, với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng thì doanh nghiệp phải liên tục đổi mới nâng hạng sao để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường đã xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipin và Australia.
“Càng ngày mình càng phải làm tốt hơn nữa để thấy được vai trò, vị trí và chỗ đứng của mình trên thị trường. Thứ 2, trong tiêu dùng càng ngày có rất nhiều người quan tâm đến chất lượng thông qua các chứng nhận. Chứng nhận sản phẩm OCOP này thể hiện cũng như nói rất rõ với thị trường rằng, chủ thể họ phải cam kết và phải làm rất chính xác và rất tốt khi người ta đã được công nhận. Từ đó, tạo ra một thị trường đương nhiên phải có sự tốt hơn”, ông Hoàng Mạnh Cường cho biết.
Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, đây là con số còn khá khiêm tốn đối với 1 địa phương có nhiều lợi thế về nông nghiệp, nông thôn như Đắk Lắk. Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế này, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm đã có, cũng như phát triển sản phẩm mới theo chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, định hướng đạt thương hiệu sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
“Sở Nông nghiệp luôn có chương trình, giải pháp, kế hoạch để cùng với các địa phương hỗ trợ hình thành các khu vực sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hướng có tiêu chuẩnchứng nhận, có nguồn góc xuất xứ hướng đến đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các quốc gia như Nhật Bản hay Châu Âu”, ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.
Có thể thấy, các chủ thể OCOP Đắk Lắk đã chủ động trong hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn. Đắk Lắk cũng kỳ vọng những sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, cao cao, lúa gạo, mắc ca… khi đạt sản phẩm OCOP 5 sao có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang là thành viên để tiếp cận và tiêu thụ tại thị trường quốc tế.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.