Với phương châm “Lấy chất lượng làm nên thương hiệu”, năm 2023, các địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó lưu ý không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng, hướng đến chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Chinh phục thị trường lớn
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa, được người dân và cộng đồng hưởng ứng tích cực. Các chủ thể tham gia Chương trình được nâng lên về nhận thức, kiến thức, năng lực sản xuất, nhất là về quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường...
Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu.
Hà Tĩnh đã có 237 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, hiện nay, Hà Tĩnh có 6 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu, gồm bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), bánh ram Nam Chi - xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) - xuất khẩu sang thị trường New Zealand; bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; sứa Mai Dung (Thạch Hà) - xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Australia.
Từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm Trà sen Hào Thành đã mở rộng thị trường và tăng doanh thu.
Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm...
Trong đó chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng đang được các chủ thể sản xuất và các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện nhằm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, bên cạnh phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số. Cùng với đó là tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương... Tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, Shopee…
Ưu tiên sản phẩm chế biến sâu
Huyện Can Lộc là một trong những vùng trồng lúa nếp lớn nhất ở Hà Tĩnh và địa phương cũng gắn liền với thương hiệu “rượu Can Lộc”. Với ý nghĩ táo bạo là đưa thương hiệu rượu Can Lộc vươn ra thế giới, sánh vai với thương hiệu lớn của các nước, anh Nguyễn Thiện Hoàn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) mạnh dạn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng mua sắm công nghệ, thiết bị chưng cất rượu (chưa tính các chi phí khác).
Anh Hoàn chia sẻ: “Để hiện thực hóa ước mơ đó, tôi đã thành lập Công ty cổ phần Rượu Whisky Can Lộc. Sản phẩm với tên gọi Rượu Tình Can Lộc là loại rượu mới, được chọn lọc từ nguồn nguyên liệu gạo, men, nước địa phương, sản xuất theo phương pháp nấu rượu truyền thống Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi sử dụng tháp chưng cất bằng đồng để tạo ra sản phẩm chất lượng, mang tiêu chuẩn quốc tế. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn nhất cho thương hiệu nhưng vẫn đảm bảo trọn vẹn giá trị thuần Việt trong mỗi sản phẩm. Khi đưa sản phẩm ra thử nghiệm, người dùng đều cảm thấy ngạc nhiên bởi rượu nếp được sản xuất ngon hơn, thơm hơn mà không để lại cảm giác nôn nao, khó chịu.
Anh Nguyễn Thiện Hoàn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) mạnh dạn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng mua sắm công nghệ, thiết bị chưng cất rượu.
Tháng 5/2023, sản phẩm Rượu Tình Can Lộc đã được UBND huyện Can Lộc thẩm định, đánh giá và công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, với việc chế biến sâu hạt lúa nếp, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất khoảng 150 lít rượu, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước. Đồng thời góp phần tiêu thụ số lượng lớn lúa gạo của bà con nông dân địa phương.
Còn tại thành phố Hà Tĩnh, từ những bông hoa sen và lá chè bình dị, qua các công đoạn chế biến đã được HTX Sen Hào Thành nâng cấp thành sản phẩm trà sen cao cấp, mang đậm dấu ấn quê hương Hà Tĩnh.
Anh Trần Tiến Sĩ, Giám đốc HTX Sen Hào Thành, cho biết, mục tiêu của HTX là chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực địa phương. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, lựa chọn phương pháp sản xuất phù hợp, chúng tôi tự hào đã tạo ra sản phẩm “Trà sen Hào Thành” - dòng sản phẩm chất lượng cao, mang hương vị độc đáo, đậm đà và sắc nét. Tháng 6/2022, sản phẩm Trà sen Hào Thành đã được UBND thành phố Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất ra thêm các sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ cây sen và hướng tới những chuẩn OCOP cao hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng bộ phận OCOP - Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết, năm 2023, các chủ thể OCOP đã khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, tạo ra sinh kế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập. Đáng nói, Chương trình OCOP trong giai đoạn này ưu tiên các sản phẩm chế biến sâu. Thực tế, các sản phẩm tươi, sống đạt chuẩn OCOP chủ yếu nhằm quảng bá quy trình sản xuất, gây dựng mẫu mã, thương hiệu. Mức độ tác động của chương trình đối với sản phẩm thô cũng không cao nên các cơ sở ưu tiên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu.
Qua theo dõi tại các địa phương, phần lớn các sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng OCOP đợt 2 năm 2023 là các sản phẩm chế biến. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang chỉ đạo các địa phương lựa chọn một số sản phẩm tốt, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương (làng, xã), có khối lượng lớn, tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng, tập thể; nhất là các ý tưởng khởi nghiệp mang tính sáng tạo để tập trung hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP. Đặc biệt, khơi dậy sự sáng tạo trong Nhân dân để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Hỗ trợ một số sản phẩm tiềm năng để xây dựng, phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao. Đồng thời, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành, sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử trong thực hiện chương trình.
Sáng nay (16/9), tại phim trường số 1, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Nam, Cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2024 chính thức khai mạc. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Nam tổ chức cuộc thi và là địa phương duy nhất cả nước đến thời điểm này triển khai cuộc thi trên sóng truyền hình.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.