Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất; đồng thời tăng độ nhận diện cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Sản phẩm dưa chuột đóng lọ của Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn (Hà Nam)
Hà Nam: Phát triển nông nghiệp hàng hóa nâng cao giá trị nông sản
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản là chủ trương của tỉnh nhằm thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Và trên thực tế, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã, đang được duy trì khá hiệu quả, với đa dạng sản phẩm, qua đó từng bước thúc đẩy sản xuất phát triển theo chuỗi liên kết giá trị, tạo bước chuyển tích cực cho nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng của tỉnh những năm qua đã có chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa. Với cây lúa, hiện nay các địa phương đã xây dựng được trên 70 cánh đồng mẫu cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Đồng thời, hình thành nhiều mô hình tập trung ruộng đất của các cá nhân, tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa hàng hóa. Các loại cây trồng làm nguyên liệu chế biến phát triển khá tốt, tạo ra những vùng sản xuất tập trung. Chỉ tính riêng cây dưa chuột sản phẩm chủ lực cho chế biến xuất khẩu trong tỉnh luôn duy trì diện tích sản xuất mỗi năm lên đến gần 1.000 ha, được trồng cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông). Nhiều địa phương diện tích sản xuất dưa chuột lên đến hàng chục ha mỗi năm, như: Xã Nhân Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Bắc Lý (Lý Nhân); Văn Xá, Hoàng Tây, Đồng Hóa (Kim Bảng)…
Sản xuất phát triển, cùng với các vấn đề về “đầu ra” thì vấn đề chất lượng và giá trị sản phẩm luôn được các địa phương, các HTX đặc biệt quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, đã có nhiều HTX trực tiếp ký kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.
Điển hình là Công ty TNHH Hội Vũ, một trong những đơn vị chế biến nông sản xuất khẩu lớn của miền Bắc hiện có nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Cầu Giát (thị xã Duy Tiên). Ông Khuất Duy Hùng, thành viên Hội đồng quản trị công ty cho biết: Sau hơn 10 năm, tham gia thu mua và chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn Hà Nam, sản phẩm của công ty ngày càng được khẳng định trên thương trường. Một trong những sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp là dưa chuột muối đóng lọ xuất sang thị trường các nước Đông Âu. Do nhu cầu đơn hàng xuất khẩu lớn, nhu cầu nguyên liệu từ 3 – 5 nghìn tấn/năm nên để bảo đảm nguồn cung ổn định, công ty đã thực hiện liên kết sản xuất cây dưa chuột xuất khẩu tại các địa phương trong tỉnh.
Song song, hiện trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản được thành lập gắn với vùng sản xuất. Chi nhánh Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi (xã Mộc Nam) chuyên chế biến các sản phẩm sấy, ô mai từ nông sản, như: Ngô nếp, táo, sấu...
Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn (xã Chân Lý) chuyên chế biến nông sản xuất khẩu đã gắn kết chặt chẽ với các vùng sản xuất của huyện Lý Nhân. Mỗi vụ, doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp thu mua sản phẩm dưa chuột bao tử xuất khẩu trên diện tích khoảng 30 ha và nhập thêm của các đại lý bên ngoài với tổng lượng dưa hơn 1.000 tấn…
Hay như Công ty cổ phần lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ) đang duy trì hiệu quả hoạt động chế biến thóc, gạo. Mỗi vụ, doanh nghiệp tổ chức thu mua trên diện tích sản xuất hơn 500 ha với sản lượng thóc lên đến hàng nghìn tấn. Hiện nay, Công ty cổ phần lương thực Long Vũ mở rộng địa bàn thu mua thóc nguyên liệu phục vụ chế biến ra nhiều địa phương trong tỉnh, như: Huyện Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục…
Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Long Vũ cho biết: Doanh nghiệp chuyên chế biến gạo phục vụ nhu cầu thị trường nội địa. Việc xây dựng nhà máy, có nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương qua hoạt động liên kết tạo thuận lợi rất lớn cho đơn vị. Chính vì vậy, công ty chú trọng khai thác thế mạnh của những vùng trồng lúa truyền thống trong tỉnh hướng đến hạn chế tối đa nhập nguyên liệu thóc từ tỉnh ngoài…
Sản xuất phát triển, cùng với các vấn đề về “đầu ra” thì vấn đề chất lượng và giá trị sản phẩm luôn được các địa phương, các HTX đặc biệt quan tâm.
Tính chung trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 10 doanh nghiệp chế biến nông sản ở các lĩnh vực từ thóc, đến rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi (chủ yếu là sữa bò tươi)… Hiệu quả sản xuất đem lại từ những diện tích sản xuất nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp đều cao hơn so với sản xuất kiểu cũ, đại trà. Với diện tích dưa chuột làm nguyên liệu chế biến được ký hợp đồng với doanh nghiệp luôn được bảo đảm về giá trị. Bình quân mỗi sào dưa chuột xuất khẩu cho giá trị từ 7 – 9 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 5 – 7 triệu đồng, nhiều vụ đạt giá trị hơn 10 triệu đồng/sào. Trong sản xuất lúa, phần lớn diện tích được ký hợp đồng với doanh nghiệp có giá bán ổn định, người dân không mất công phơi, bảo quản hay phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giảm đáng kể hao hụt do bán thóc tươi ngay sau khi thu hoạch.
Còn đối với sữa bò tươi, khi doanh nghiệp tổ chức chế biến, giá trị nâng lên gấp 2 lần so với bán thô. Các doanh nghiệp chế biến sữa trên địa bàn thị xã Duy Tiên vào thời gian cao điểm thu mua thêm lượng sữa bò tươi của các trang trại trong vùng để sản xuất… Như vậy, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng theo hướng hàng hóa, việc hình thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chế biến đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng và giá trị các nông sản trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đó chính là một trong những giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hà Nam.
Thanh Hóa: Phát huy thế mạnh sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nhiều năm gần đây, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) là hoạt động thường niên được tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm lựa chọn được những sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng để tôn vinh, góp phần tạo động lực mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Sản xuất sản phẩm từ cói của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống).
Đã từ lâu, các sản phẩm từ cói của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) trở nên nổi tiếng. Không chỉ vì sự đa dạng của mẫu mã sản phẩm, mà còn vì tính ưu việt của các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, mới đây, bộ sản phẩm cói treo tường của HTX này đã được tỉnh Thanh Hóa công bố là 1 trong 10 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và được gửi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực.
Theo giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ Nguyễn Thị Thắm, sản phẩm được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu cói có sẵn tại địa phương, do đó, vừa góp phần tích cực tiêu thụ nguyên liệu, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Với sản lượng đạt tới 90.000 sản phẩm/năm, sản lượng xuất khẩu đạt 70.000 sản phẩm/năm, năm 2023, doanh thu xuất khẩu đạt 9,5 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 sẽ vươn tới con số 12,5 tỷ đồng.
Cũng trong lần công bố sản phẩm CNNT tiêu biểu này, sản phẩm tinh dầu sả chanh của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng (Thạch Thành) cùng vinh dự “giành” chứng nhận. Năm 2023, doanh số sản phẩm đạt tới 30.000 sản phẩm, với doanh thu đạt 750 triệu đồng và mục tiêu vươn tới khoảng 1,2 tỷ đồng những năm tới. Giám đốc trẻ Nguyễn Hữu Minh chia sẻ: “Chúng tôi hiện có 10 xưởng sản xuất tinh dầu, bảo đảm tiêu thụ nguyên liệu từ lá sả cho các xã Thạch Sơn, Thành Minh, Thành Vinh. Lao động trong các tổ hợp tác sản xuất tinh dầu có thu nhập đạt tới 150 - 200 triệu đồng/người/năm từ “phế thải” là lá sả vốn vẫn bị bỏ đi trong nhiều năm qua”.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định công nhận 10 sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2023, gồm: bộ sản phẩm cói treo tường của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống); chiếu cói Quảng Phúc của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (Quảng Xương); đông trùng hạ thảo khô của hộ kinh doanh Lê Trương Trường (Hoằng Hóa); trà xanh túi lọc Bình Sơn và trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); bộ sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô dạng sợi, cao đặc đông trùng hạ thảo, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo của Công ty CP Dược liệu Sukha Việt Nam (Hậu Lộc); mắm tôm đặc biệt Tác Huy và nước mắm thượng hạng Tác Huy của hộ kinh doanh Đồng Thị Huy (Nghi Sơn); tinh dầu sả chanh của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng và xịt đuổi muỗi Antimos của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng (Thạch Thành).
Các sản phẩm CNNT tiêu biểu được chứng nhận đều là các sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, đạt chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sau khi công nhận các sản phẩm CNNT cấp tỉnh, có 6 sản phẩm được lựa chọn gửi bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực, từ đó Bộ Công Thương sẽ lựa chọn sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Theo Sở Công Thương, việc bình chọn sản phẩm CNNT nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đồng thời khuyến khích khả năng sáng tạo, tạo động lực cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm CNNT phát huy lợi thế cạnh tranh.
Việc chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu đã mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất; đồng thời tăng độ nhận diện cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đây cũng là động lực để các cơ sở CNNT tiếp tục nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bắc Ninh: Phát triển nghề làm nem Bùi
Sản phẩm nem Bùi, khu phố Bùi Xá, phường Ninh Xá (thị xã Thuận Thành) là một đặc sản ẩm thực độc đáo được tiêu thụ rộng rãi, mà mỗi ai đã từng thưởng thức đều không thể quên được hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, để làng nghề sản xuất nem Bùi phát triển hơn nữa vẫn cần những giải pháp mang tính đồng bộ.
Với cách thức lựa chọn nguyên liệu và chế biến theo bí quyết riêng, người dân Bùi Xá tạo nên thương hiệu nem Bùi không đâu sánh được. Theo người dân ở đây, không ai trong khu nhớ nem Bùi có từ bao giờ, chỉ biết nghề này có từ lâu, bằng hình thức cha truyền con nối và trở thành món ăn, món quà quê. Người dân Bùi Xá dù đi đâu cũng nhớ đem vài chục quả nem để làm quà cho người thân hoặc biếu bạn bè thưởng thức. Ngày lễ, Tết hoặc cưới xin, nem Bùi trở thành món ngon lại có phần giản tiện nên không thể thiếu trong mâm cỗ. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm nem mang lại, nhiều hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Sản phẩm nem Bùi nhãn hiệu Tuấn Liên được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Ông Phạm Công Sang, một trong những hộ sản xuất nem cho biết: Để làm nên một quả nem có vị thơm của thính, vị béo, ngọt của thịt, vị chát, bùi của lá sung, người làm phải tỉ mỉ trong từng công đoạn nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cả mẻ. Sản xuất nem Bùi phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến đóng gói, qua 24 giờ ủ trong môi trường kín khí để ra thành phẩm, bảo đảm sản phẩm sạch sẽ, an toàn với người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất nem Bùi Tuấn Liên của vợ chồng anh Lê Đăng Tuấn và chị Nguyễn Thị Liên được công nhận chất lượng OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2020. Chị Liên chia sẻ: “Chính những nguyên liệu thân thuộc, gần gũi với làng quê Việt Nam, đã đưa nem Bùi trở thành đặc sản ẩm thực độc đáo của vùng đất Kinh Bắc. Một quả nem đạt chất lượng có màu vàng rộm, khi ăn có vị béo của thịt, vị thơm của thính, vị bùi của lá sung, khiến ai đã từng thưởng thức cũng không thể quên. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ nem Bùi tăng cao nên gia đình tôi mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện trung bình, mỗi ngày làm từ 500-700 quả nem. Ngày cao điểm lên đến hơn 1.000 quả, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng”.
Ngoài gia đình ông Sang, anh chị Tuấn Liên, toàn khu phố Bùi Xá hiện có 130 hộ sản xuất thường xuyên với doanh thu 140-150 tỉ đồng, lợi nhuận 45-50 tỷ đồng/năm. Các cơ sở sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho gần 800 lao động với thu nhập trung bình 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, nghề sản xuất, kinh doanh nem Bùi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực, hiện nay người có kinh nghiệm làm nem Bùi ngày càng ít, trong khi đó hầu hết thế hệ trẻ tại địa phương lại chọn nghề khác, rất ít người theo nghề này. Để phát triển hơn nữa làng nghề sản xuất nem Bùi, vấn đề quan trọng nhất đặt ra là tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ vì có tiêu thụ tốt, giá bán hợp lý, mang lại lợi ích thì mới khuyến khích sản xuất phát triển. Cùng với đó, việc sản xuất nem Bùi với khối lượng lớn phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu cũng là yêu cầu đặt ra đối với các hộ sản xuất cần có sự liên kết, chuyên môn hoá các công đoạn sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.