Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023 | 10:41

Sản xuất VAC hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng, hướng đi mới của Hội Làm vườn

Những năm qua, Hội Làm vườn Việt Nam luôn định hướng hội viên phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn.

Đồng thời, hướng dẫn  đăng ký vườn cây để được cấp mã số vùng trồng nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

Định hướng sản xuất VAC hữu cơ

Quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Làm vườn Việt Nam thông qua việc thông tin tuyên truyền trên Tạp chí Kinh tế nông thôn, trang Web của Hội và hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo hàng năm, góp phần định hướng cho các cấp Hội, hội viên làm NNHC theo bề rộng cũng như chiều sâu.

Cụ thể, đối với cơ sở, hộ dân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và có thị trường tiêu thụ thì Hội khuyến khích áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn NNHC và sản phẩm được chứng nhận; trường hợp còn lại thì khuyến khích sản xuất theo hướng NNHC, nghĩa là áp dụng càng nhiều càng tốt các biện pháp hữu cơ ở cơ sở sản xuất của mình.

Các biện pháp hữu cơ mà hội viên trên cả nước áp dụng vào phát triển kinh tế VAC rất đa dạng, như: Tăng sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, phân sinh học, đặc biệt chú trọng sử dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ từ chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt… để làm phân ủ compost, nuôi giun quế, nuôi ruồi lính đen… nhằm giảm bón phân vô cơ, tăng độ phì đất, bảo vệ môi trường theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Mô hình trồng chanh dây hữu cơ của anh Đặng Công Kiên (45 tuổi) ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum).

Các biện pháp hữu cơ để tăng sức khỏe cây trồng, phòng trừ sâu bệnh như sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh; thuốc BVTV và các chế phẩm sinh học, các bài thuốc thảo mộc, sử dụng thiên địch như kiến vàng trên cây ăn quả; ong mắt đỏ diệt sâu đục thân, sâu đầu đen trên dừa; ong ký sinh diệt bọ dừa... cũng được hội viên áp dụng khá rộng rãi trong làm vườn.

Các biện pháp bảo vệ, tăng độ phì nhiêu của đất (bón nhiều phân hữu cơ, trồng cây phân xanh hoặc để cỏ che tủ đất, bón thêm vôi, bổ sung vi sinh vật cải tạo đất…), góp phần duy trì hệ vi sinh vật đất, giảm các sâu bệnh từ đất (vàng lá, thối rễ…) đối với vườn cây ăn quả.

Các biện pháp hữu cơ nói trên còn được kết hợp với các biện pháp công nghệ cao như tưới phun mưa, nhỏ giọt, bao quả… được hội viên áp dụng khá phổ biến, hiệu quả. Các tiêu chí về sản xuất hữu cơ, sản xuất tuần hoàn, kết hợp công nghệ cao được các hội thành viên (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa…) đề xuất đưa vào bộ tiêu chí vườn chuẩn, vườn mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới đang được Hội tổng kết, nhân rộng trên cả nước.

Xây dựng mã số vùng trồng

Việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng (MSVT) nhìn chung còn khá mới mẻ đối với hội viên của Hội. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp khác để tuyên truyền, tập huấn cho hội viên hiểu sự cần thiết và quy trình thủ tục cấp MSVT.

Qua đó, hội viên, nhất là ở các tỉnh có các vùng chuyên canh cây ăn quả xuất khẩu, đã hiểu MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng (có quy mô ít nhất 10ha với cây ăn quả, trồng thuần một loại cây) nhằm kiểm soát tình hình sản xuất, đặc biệt là sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Muốn xuất khẩu chính ngạch rau quả tươi sang Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì bắt buộc vườn cây phải được Cục BVTV cấp MSVT theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV và cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chấp thuận thông qua kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến.

Các loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền cho hội viên, nhà vườn hiểu rõ mục tiêu của việc cấp MSVT, đó là nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu, cụ thể:

Đối với truy xuất nguồn gốc, các thông tin về MSVT, cơ sở đóng gói được ghi trên bao bì, nên khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý 2 nước và người tiêu dùng sẽ biết sản phẩm được sản xuất, đóng gói ở đâu, lỗi ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm trên cơ sở truy xuất các thông tin được nhà vườn ghi chép chi tiết như ngày bón, loại phân bón, tổng lượng phân bón, phương pháp bón; sinh vật gây hại phát hiện trong quá trình điều tra; ngày phun, tên thương mại, tên hoạt chất, lý do sử dụng, liều lượng thuốc BVTV; sản lượng dự kiến, sản lượng thực tế…

Đối với kiểm dịch thực vật: Các nước nhập khẩu đặc biệt lo ngại nếu để lọt sâu bệnh nguy hại (trứng sâu, bào tử nấm…) thông qua việc nhập khẩu rau quả tươi sống. Vì vậy, yêu cầu vùng trồng phải quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước họ. Trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thì phải có biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Như vậy, việc kiểm dịch thực vật phải chủ động thực hiện ngay từ vườn cây, chứ không đợi đến khi rau quả tươi được lấy mẫu kiểm tra tại cửa khẩu.

Đối với an toàn thực phẩm: Yêu cầu chung là vùng trồng cần áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (dù chưa bắt buộc sản phẩm phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP); vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và không bị cấm ở nước nhập khẩu; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu; ghi chép đầy đủ các thông tin quá trình sản xuất như nêu ở trên. Tóm lại, nhà vườn phải hiểu nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm là “từ trang trại đến bàn ăn”…

Có thể nói, các hoạt động từ cơ sở của các cấp Hội Làm vườn đã góp phần vào kết quả chung của cả nước, đến cuối tháng 11/2022, nước ta có 55/63 tỉnh, thành được cấp tổng cộng 5.325 mã số vùng trồng cho các loại cây trồng, với tổng diện tích 254.137ha. Các mã số vùng trồng được cấp cho lúa và các loại cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi, xoài, thanh long, nhãn, vải, chanh dây… Các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trái cây tại 36/63 tỉnh, thành  được cấp 1.438 mã số cơ sở đóng gói các loại rau quả tươi như thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen… phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và New Zealand.

Hội cũng tham gia góp ý, tư vấn, phản ánh với cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương những khó khăn, bất cấp trong việc đăng ký cấp MSVT như diện tích sản xuất cây ăn quả nhỏ lẻ, trong khi yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng phải từ 10ha trở lên; chi phí cho việc cấp MSVT, nhất là phải đăng ký cấp lại trước mỗi vụ thu hoạch cũng tăng áp lực cho nhà vườn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

 

Ts. Phạm Đồng Quảng - Tổng Thư ký Hội Làm vườn Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top