Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2024 | 10:12

Sơn Dương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hiện có 61 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 49 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng đã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nâng tầm sản phẩm

Sơn Dương có nhiều sản phẩm nông, lâm sản và ngành nghề nông thôn; có nhiều điểm di tích lịch sử, là cơ sở, nền tảng, tiềm năng để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ các chủ thể xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, làm cơ sở để thúc đẩy, khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP.

Các chủ thể nhận Chứng nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao năm 2023.

 Nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp thủy sản mà nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm có thế mạnh của địa phương đã được quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển, từng bước trở thành sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, tạo động lực cho chủ thể sản phẩm đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Đến nay, Sơn Dương có 61 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 49 sản phẩm được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP, gồm: 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 37 sản phẩn đạt hạng 3 sao.

Theo ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ sản xuất nông nghiệp thô sơ, nhỏ lẻ dần chuyển sang chế biến sâu, sản xuất có quy mô lớn hơn và có liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, sản vật, giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP.

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung.

Giờ đây, nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, bước đầu khẳng định được thương hiệu như: Sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung; chuối sấy giòn của HTX An Quang…

Đặc biệt là sản phẩm Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát của hộ kinh doanh Đào Huy Tiến, được tôn vinh là Thương hiệu uy tín, sản phẩm tiêu biểu vì người tiêu dùng, vinh dự đứng top 100 sản phẩm bán chạy của Việt Nam do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam trao tặng.

Đến nay, 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có ít nhất 01 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý các sản phẩm OCOP. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia Chương trình, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, có  thế mạnh của địa phương, quy mô sản xuất từ trung bình trở lên, có nhiều người được hưởng lợi.

Nâng cao năng lực cho các chủ thể, cán bộ quản lý các cấp từ huyện đến cơ sở về thực hiện Chương trình; Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa thực hiện Chương trình trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đổi mới nông thôn; Hướng dẫn các chủ thể triển khai kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất sản phẩm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật (đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định...) được xác định phải đi trước.

Sản phẩm Dưa lưới DUC DUONG FARM được sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao đạt OCOP 4 sao.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh) tiếp cận chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND,...), giúp các chủ thể mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm được coi trọng.

Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thuộc các thành phần kinh tế, khuyến khích các chủ thể sản xuất kinh doanh theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh học, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn thực phẩm, rõ ràng về nguồn gốc của thị trường hiện nay được các cấp, ngành khuyến khích, hỗ trợ.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP trong toàn quốc, phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP, tích cực vận động, khuyến khích chủ thể tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, các hội nghị kết nối thông qua các kênh tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2024, Sơn Dương xác định, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá phân hạng lại 12 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng năm 2021, cùng với đó tiếp tục rà soát các sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm chất lượng cao để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo. Hỗ trợ phát triển sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 01 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thúc đẩy hoàn thành xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top