Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 17:46

Sơn La nâng cao công tác bảo vệ môi trường nông thôn

Nâng cao, bảo vệ chất lượng môi trường ở khu vực nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh Sơn La quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các cấp nghiêm túc thực hiện, đặc biệt tại những địa phương đã được công nhận nông thôn mới.

Xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp

Tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới luôn được xem là một nhiệm vụ khó, dễ biến động và phụ thuộc nhiều vào nếp nghĩ, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất của người dân tại mỗi địa phương. Do đó, thời gian qua, huyện Mộc Châu luôn quan tâm, nỗ lực đề ra những giải pháp sáng tạo, phù hợp nhất để nâng cao chất lượng môi trường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Huyện Mộc Châu đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày nước thế giới”, “chống rác thải nhựa”; triển khai đề án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị trấn Mộc Châu, mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu...

Các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như: Các chi hội phụ nữ xây dựng phong trào tự quản về vệ sinh môi trường tại khu dân cư thông qua thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, duy trì 169 mô hình “tuyến đường phụ nữ tự quản”, 25 mô hình “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp” và 2 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lon”; Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ra quân dọn vệ sinh môi trường nhân ngày môi trường thế giới, ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh.

Người dân bản Lùn, xã Mường Sang chăm bón vườn hoa.

Đến nay, hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn và 90% lượng rác thải ở đô thị được thu gom, xử lý; 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; đặt 537 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở các khu vực sản xuất nông nghiệp tại các xã; 132/132 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 13 xã đảm bảo quy định về môi trường; 7/13 xã trên địa bàn xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới...

Ông Long Trung Thành, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn các xã thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu môi trường thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền và tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tại các khu dân cư trên địa bàn huyện, người dân đã chủ động thu gom rác thải sinh hoạt; chỉnh trang nhà cửa, tường rào cổng ngõ, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Chị Lường Thị Dung, bản Lùn, xã Mường Sang, cho biết: Nhân dân trong bản thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm, tích cực trồng cây xanh, trồng hoa hai bên đường, thu gom rác thải sinh hoạt của gia đình mang ra điểm tập kết. Thật phấn khởi khi thấy đường ngõ xóm sạch sẽ, được tô điểm thêm những bông hoa, cảnh quan và môi trường của bản ngày một sạch hơn.

Giữ vững tiêu chí môi trường ở xã nông thôn mới

Tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, cùng với củng cố, nâng cao các tiêu chí, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

UBND xã Chiềng Khoa tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát và đánh giá chất lượng 12 chỉ tiêu trong tiêu chí số 17 với định kỳ 3 tháng/lần tại các bản. Các nội dung được kiểm tra chủ yếu là việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn;  về chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định... Đồng thời, giao nhiệm vụ cho ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Đề nghị các tổ chức đoàn thể của xã chủ động phối hợp thực hiện, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của đoàn viên, hội viên và nhân dân; hướng dẫn nhân dân phân loại rác thành 3 loại: Rác thải vô cơ; rác thải hữu cơ và rác thải rắn. Nhờ vậy, hiện xã Chiềng khoa không còn tình trạng xả rác thải bừa bãi tại khu dân cư hay bên lề đường như trước đây. Tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện thu gom chất thải của xã đạt trên 80%...

Tuyến đường khang trang, sạch đẹp nội bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Anh Vì Văn Khoan, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khoa, cho biết: Ngoài dọn vệ sinh khu vực thác nước Chiềng Khoa, từ đầu năm đến nay, ĐVTN trong xã còn nạo vét trên 10 km mương dẫn nước nội đồng, 50 km rãnh thoát nước các khu dân cư, thu gom hàng tấn rác thải hai bên đường; đào được 14 hố chôn lấp rác thải tại các bản; tham gia xây dựng trên 60 nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhân dân... Chúng tôi còn kết hợp tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm việc thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Việc phân loại chất thải rắn tại các hộ dân được UBND xã chỉ đạo các bản đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp trong các cuộc họp bản, các cuộc sinh hoạt của tổ chức đoàn thể bản; kết hợp phát tờ rơi, áp phích được huyện cấp, đã giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác thải. Hướng dẫn nhân dân sử dụng chất thải rắn hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật, động vật sau khi đã xử lý bằng phương pháp  ủ phân sau thời gian khoảng 30 ngày để làm phân bón cho cây trồng.

Ông Đinh Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho biết: Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát hàng quý, nhận thấy ý thức thu gom, không xả rác của nhân dân đã được nâng cao; không còn tình trạng gia súc thả rông; việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, địa phương còn một số hạn chế, đó là nhà tiêu đảm bảo vệ sinh cơ bản đạt chuẩn nhưng tỷ lệ "3 cứng" còn chưa cao, việc trồng cây xanh tạo cảnh quan chưa được quan tâm... nên xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân khắc phục.

Cùng với đó, xã còn ký hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực 4 bản trung tâm với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh huyện Vân Hồ; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và du lịch, góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nước, nâng cao đời sống nhân dân trong xã.

Nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳnh Nhai triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phấn đấu năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thông tin: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, như: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp ≤ 50% tổng lượng phát sinh; gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ≥ 40%; chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt ≥ 50%; điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện có hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định đạt 100%...

Quỳnh Nhai bố trí 523 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật khu vực sản xuất

UBND huyện đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị, phòng, ban chuyên môn, địa phương; đề nghị các tổ chức, đoàn thể chủ động phối hợp thực hiện, gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức, cá nhân về công tác vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được UBND huyện giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã hợp đồng dịch vụ thu gom với Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La Chi nhánh Quỳnh Nhai; các xã thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường.

Công nhân Công ty Cổ phần Dịch vụ và Môi trường đô thị Sơn La Chi nhánh Quỳnh Nhai chỉnh trang khuôn viên

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày Khí tượng thế giới”, “Ngày Nước thế giới”; đẩy mạnh các phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; "Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp” trong các nhà trường..., góp phần từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường về xây dựng huyện nông thôn mới.

UBND huyện chỉ đạo các phòng, xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng tờ rơi, mô hình, áp phích có nội dung phân loại chất thải rắn; chỉ đạo xã, bản đưa nội dung phân loại rác vào quy ước, hương ước. Xây dựng mô hình điểm để các hộ học tập làm theo; đảm bảo 100% hộ dân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. 

 

 

Vũ Cừ (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top