Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 9 năm 2022 | 10:46

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Là tỉnh đứng đầu về diện tích cây ăn quả ở miền Bắc, cùng với lợi thế có nhiều địa danh, điểm du lịch, lễ hội, ngày hội trái cây lớn, Sơn La thuận lợi trọng việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch nông thôn.

Đẩy mạnh công tác quảng bá

Sơn La hiện có 83 sản phẩm OCOP, trong đó có 51 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Cùng với phát triển các sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm luôn được chính quyền, doanh nghiệp ở Sơn La quan tâm đẩy mạnh, góp phần đưa sản phẩm OCOP ngày càng đi xa, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngày hội hái mận tổ chức ở huyện Mộc Châu thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước. Du khách tới đây được ăn thỏa thích và hái mận mang về với giá 40.000 đồng/kg.

Nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sơn La đã xây dựng 10 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh ký kết biên Bản ghi nhớ, thiết lập mối quan hệ hợp tác với Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh...

Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ đầu năm 2022 đến nay, Sơn La đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Ông Lê Văn Kính, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã, tâm sự, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, với sản lượng 50 tấn mật/tháng. HTX đã đưa sản phẩm trên các website giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn, vừa chú trọng giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông vừa tham gia các hội chợ, triển lãm, nhất là tham gia festival, giúp sản phẩm có cơ hội lan tỏa đến người tiêu dùng trong cả nước. Đến nay, ngoài các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến mẫu mã, bao bì... nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy giá trị các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu), chia sẻ, ngoài việc được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng thiết kế bao bì, Công ty đầu tư 250 triệu đồng để hoàn thiện sản phẩm. Sau khi có chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm trà Ô long Thu Đan đã tạo niềm tin đối với khách hàng, sản lượng, chất lượng sản phẩm được khẳng định. Nhờ đó, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, sản phẩm của Công ty bán trên sàn thương mại điện tử được nhiều khách hàng quan tâm, ủng hộ. Mỗi năm trung bình, Công ty cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 300 tấn trà Ô long.

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam vừa qua, tỉnh có hơn 70 sản phẩm OCOP tham gia. Đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đến du khách. Đồng thời, kết nối tiêu thụ, đẩy mạnh chuỗi cung ứng ra thị trường cả nước và giới thiệu với khách quốc tế, hướng tới xuất khẩu.

Gắn với phát triển du lịch nông thôn

Những năm gần đây, ngoài việc phát triển sản phẩm OCOP, Sơn La đã thực hiện theo hướng liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội…, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp.

Tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, như: ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật (cầu, đường giao thông, viễn thông) đến các vùng, địa phương; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn hướng dẫn nông dân làm du lịch; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour, tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.

Là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, Sơn La có nhiều điều kiện để phát triển Chương trình OCOP.

Một điểm nhấn nổi bật trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch ở Sơn La là tổ chức các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch kết hợp quảng bá các sản phẩm nông sản như: Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên, hội thi hoa hậu bò sữa… Tại các sự kiện, du khách được trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, nhãn, vườn cam... và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Du khách cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc của người dân địa phương...

Tháng 5/2022, huyện Mộc Châu tổ chức Ngày hội hái quả mận tại xã Tân Lập. Trong khuôn khổ Ngày hội, diễn ra các hoạt động như: Thi hái quả, giới thiệu, trình bày mâm quả, thưởng thức quả; tham quan các gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu; tham gia các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian... Du khách vào hái mận, phải mua vé 20.000 đồng/người. Tại đây, du khách được ăn thỏa thích và hái mận mang về với giá 40.000 đồng/kg. Qua đó, ngày hội thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế tham dự.

Thời gian tới, Sơn La xác định, chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau. Cùng với đó, tăng cường thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch với những quy mô khác nhau; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo thêm sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top