Sau nhiều năm thực hiện Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các tàu cá làm ăn thua lỗ, dẫn đến cảnh nợ nần. Đâu là giải pháp để ngư dân được vươn khơi bám biển?
Nghị định 67/2014 của Chính phủ ban hành một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới, cải tạo tàu lớn, phục vụ vươn khơi bám biển; góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.
Niềm vui ngắn ngủi
Theo chính sách tỉnh Thanh Hóa lựa chọn những ngư dân có vốn đối ứng, dày dặn kinh nghiệm để đóng tàu và đã lựa chọn đóng 58 tàu, bao gồm: 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác (trong đó có 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ).
Trước năm 2016, ông Bùi Văn Minh, sinh năm 1968 (tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) là chủ của 2 tàu vỏ gỗ đánh bắt với công suất 450 CV và 600 CV, cùng 28 thuyền viên thường xuyên hành trình rẽ sóng vươn khơi, mỗi chuyến đi ông bỏ túi khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí.
Cũng như nhiều ngư dân của tỉnh, ông Minh hồ hởi bán 2 con tàu nhỏ để đóng con tàu có công suất 900CV, với chi phí khoảng 12 tỷ đồng, trong đó 5,9 tỷ đồng phải vay ngân hàng để phát triển. “Nghị quyết 67 của nhà nước rất tuyệt vời, hỗ trợ vay vốn nhanh chóng, người dân được tiếp cận học chủ trương phấn khởi”, ông Minh cho biết.
Ông Bùi Văn Minh (tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) ngư dân có tàu 67.
Đầu năm 2017, bắt đầu chuyến ra khơi đầu tiên, trong 2 năm khai thác đạt sản lượng tốt, nên hằng tháng gia đình ông thanh toán đầy đủ số tiền tiền lãi, gốc cho ngân hàng. Niềm vui ấy dần dần bị tan biến khi lượng thủy sản từ những đầu năm 2019 khai thác kém, mỗi chuyến đi phải bù lỗ tăng dần.
“Nguồn lợi hải sản cạn kiệt khiến các tàu dịch vụ hậu cần cũng lâm vào cảnh khó khăn. Chi phí một chuyến đi từ 10-15 ngày mất khoảng 150 triệu đồng, trong khi đó sản lượng hải sản thu gom ở các tàu khai thác đạt thấp, khiến tôi liên tục bù lỗ. Mặt khác, khi nguồn lợi hải sản suy kiệt, nhiều tàu khai thác nằm bờ kéo theo tàu dịch vụ hậu cần cũng chết theo vì không bán được nhiên liệu và không thu gom được hàng hóa”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Sản lượng hải sản thu gom đạt thấp trong khi chỉ bán được chưa đầy nửa giá. Thời điểm đó ngư dân bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu vươn khơi thì lỗ, để tàu nằm bờ thì sẽ hư hỏng.
Không riêng ông Minh, chị Nguyễn Thị Gấm, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết, khi có chính sách của Nhà nước gia đình rất phấn khởi quyết định mở rộng tàu lớn để vươn khơi phát triển. Từ con tàu gỗ 400CV, anh chị đã bán và vay mượn 8,7 tỷ đồng để đóng con tàu 700CV với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng.
Nhưng niềm vui ấy chỉ được 2 năm thì bắt đầu gặp biến, năm 2018, nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt, mỗi lần ra khơi lỗ hơn 100 triệu đồng, có chuyến lỗ tới hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, tàu của gia đình chị Gấm gặp bão lớn, chi phí cho công lai dắt tàu và tu sửa tiêu tốn gần 1 tỷ đồng, khiến gia đình không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn và lâm vào cảnh nợ nần.
Nợ nần chồng chất
Với ý chí quyết tâm đã có “cần câu” thì không thể nằm bờ "chờ chết", ông Minh cùng 2 cậu con trai vẫn gắng gượng vay mượn, bán đất, cầm cố tài sản để lấy chi phí cho tàu vươn khơi. Thế nhưng, sự cố gắng vực dậy của ông không thể nào cứu vãn được, càng làm ông Minh càng lỗ, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng hằng tháng ngày cứ đè nặng lên vai người thuyền trưởng.
Tháng 5/2023, ông Minh chính thức bị ngân hàng khởi kiện, tịch thu tàu cá để bán đấu giá, do không còn khả năng trả nợ. Chiếc tàu 67 có giá trị hơn 12 tỷ đồng nay thanh lý được 2,3 tỷ đồng. Hiện, ông Minh còn nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán do không còn tài sản. Từ chỗ là chủ tàu, sở hữu tài sản tiền tỷ bỗng ông Minh chốc lâm vào cảnh thất nghiệp, phá sản. Hai đứa con ông cũng mất việc, đành phải đi làm thuê cho tàu khác để kiếm sống.
“Mất tàu cá tôi đau một, nhưng mất nghề đi biển truyền thống của ông cha còn đau hơn gấp nhiều lần”, ông Minh nói với vẻ mặt thất thần.
Ông Nguyễn Thăng Long, Tổ trưởng tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình (TX.Nghi Sơn) cho biết: Toàn khu phố có 7 hộ dân có tàu cá 67, từng làm ăn hiệu quả, nhưng đến nay, không còn chiếc nào vươn khơi. Các tàu cá sau một thời gian hoạt động đều thua lỗ, không trả được nợ nên bị ngân hàng khởi kiện, bán đấu giá tài sản. Những ngư dân này từ chỗ có kinh tế khá giả, đất đai dư dôi nay phải cầm cố, bán tháo để trả nợ.
Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa để có con tàu vươn khơi.
Với nét mặt u buồn, những giọt nước mắt lăn trên đôi má, chị Gấm chia sẻ: “Đối với những ngư dân như tôi biển là nhà, là sự sống, là hơi thở và cả cuộc đời, nên ngày bị ngân hàng đấu giá con tàu 67, vợ chồng tôi ôm nhau khóc. Lúc đấy, vợ chồng tôi lâm vào cảnh khủng hoảng tinh thần, cứ ngỡ rằng khó vượt qua cú sốc ấy, bởi con tàu là kế sinh nhai duy nhất để duy trì 4 miệng ăn trong gia đình. Nếu có lại được tàu, chúng tôi vẫn vươn khơi bám biển, bởi lên bờ không quen với môi trường sống”.
Con tàu vỏ thép 67 của tỉnh Thanh Hóa đang khai thác tại ngư trường phía Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Theo Nghị định 67 xã Ngư Lộc có 7 tàu đóng mới. Do nhiều nguyên nhân dẫn đến 2 tàu làm ăn thua lỗ nên bị kê biên tài sản và bán đấu giá, 5 tàu đang hoạt động thì di chuyển vào ngư trường phía nam để tìm ngư trường khai thác hải sản.
Đâu là giải pháp?
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 531/BC- SNN&PTNT, ngày 26/12/2023: Toàn tỉnh Thanh Hóa có 58 tàu đóng theo Nghị định 67. Sau 8 năm đi vào hoạt động 40 tàu thường xuyên hoạt động thua lỗ, không thực hiện trả nợ vay ngân hàng, bị ngân hàng khởi kiện và bán đấu giá. Nhiều hộ ngư dân lâm cảnh nợ nần.
Trước những thực trạng trên, ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, ngân hàng tìm lối thoát cho khoản nợ với ngân hàng, mà lâu nay ngư dân không đủ khả năng để trả nợ.
Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý khai thác nghề cá, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh chỉ còn 18 "tàu 67" đang hoạt động gồm 3 tàu dịch vụ hậu cần và 15 tàu khai thác, trong đó có 11 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ. Các tàu tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đoàn kết, khai thác ở ngư trường truyền thống vịnh Bắc Bộ. Một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và vùng biển xa, sản lượng khai thác có hiệu quả, hoạt động ổn định và duy trì trả nợ cho ngân hàng.
Ngoài ra, để các tàu cá 67 tiếp tục hoạt động khai thác có hiệu quả, Chi cục Thủy sản cũng đã tham mưu với Sở NN&PTNT để báo cáo với UBND tỉnh như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển thủy sản; hướng dẫn chủ tàu về thủ tục hồ sơ hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; rà soát các tàu cá hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất tín kết nối GSHT trên biển gửi các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.