Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2023 | 11:31

Tham gia Chương trình OCOP, HTX vừa nâng giá trị sản phẩm, vừa nâng tầm vị trí

Đến cuối tháng 10/2023, huyện Lục Ngạn có 40 sản phẩm được công nhận OCOP của 22 chủ thể, trong đó có tới 18 chủ thể là hợp tác xã (HTX). Việc các HTX tham gia Chương trình OCOP không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung mà còn tạo dấu ấn mới cho kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất tỉnh

Năm 2023, huyện Lục Ngạn xác định đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Dự kiến năm 2023, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể tiêu thụ trên 1.000 tấn mỳ Chũ, doanh thu đạt 30 tỷ đồng.

Trong đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.

Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Mai, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết, huyện có 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 29 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao. Mới đây, huyện chấm thêm 17 sản phẩm nhưng chưa có kết quả. Năm 2023, khi các chủ thể tham gia chương trình được huyện hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm, xem xét, cân đối kinh phí hỗ trợ cho các sản phẩm đạt 3 sao theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tư vấn phát triển sản phẩm.

Đến nay, so với các huyện, thành phố của Bắc Giang, Lục Ngạn có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Để đạt được kết quả này, ngoài việc huyện có thế mạnh về cây ăn quả, có làng nghề mỳ Thủ Dương với nhiều sản phẩm mỳ Chũ, là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chủ động của các chủ thể sản xuất, mong muốn đưa sản phẩm của mình lên vị trí mới, giá trị mới.

Đánh giá về hiệu quả, bà Mai cho biết, khi sản phẩm đạt OCOP, khách hàng sẽ tin dùng hơn. Tại các hội chợ, khách hàng tìm đến các gian hàng có sản phẩm OCOP, có chất lượng để mua sản phẩm. Tâm lý này của khách hàng khiến các chủ thể có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu như: vải thiều đóng hộp, nước ép cam Fully, mỳ Chũ Green, mỳ Thuận Hương, mỳ gạo Chũ Nam Thể…, thị trường tiêu thụ chính là Nga, Nhật, Trung Quốc.

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Lục Ngạn hiện có 40 sản phẩm OCOP của 22 chủ thể, trong đó có 3 chủ thể là doanh nghiệp, 18 chủ thể là HTX và 1 chủ thể là hộ gia đình. Qua đây thấy, các HTX, doanh nghiệp tham gia vào Chương trình OCOP vừa góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, vừa tạo thương hiệu cho mình, mở rộng thị trường hơn. Điển hình như HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, ở Nam Dương.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, cho biết, HTX thành lập năm 2007, sản lượng tiêu thụ năm 2021 đạt trên 800 tấn, doanh thu trên 25 tỷ đồng; năm 2022 đạt 900 tấn, doanh thu 27 tỷ đồng; ước  năm 2023 đạt trên 1.000 tấn, doanh thu  30 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ từ Bắc vào Nam, qua các kênh siêu thị, chợ đầu mối. HTX đã liên kết qua các công ty, đại lý có uy tín xuất sang nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU với sản lượng 100-150 tấn/năm.

Các HTX ở Lục Ngạn đang giải quyết lượng lớn lao động là con em địa phương với mức lương ổn định.

Ông Nam cho biết thêm, trong 2 năm 2021 - 2022, mỗi năm HTX có một sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, thương hiệu càng có vị thế hơn, được khách hàng ưa chuộng hơn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng hơn. Giờ đây, sản phẩm vào siêu thị hay xuất khẩu cũng dễ hơn, HTX có nhiều đơn đặt hàng hơn. Hiện, HTX  không dám nhận đặt hàng vì mấy tháng gần Tết, lượng khách đặt hàng lớn. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với mức thu nhập trung bình 8,5-9 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân) ở xã Hồng Giang được xem là điểm sáng của tỉnh Bắc Giang về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều năm qua, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều đã phát huy hiệu quả, giúp khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đem lại lợi ích cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên.

Huyện Lục Ngạn phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50 sản phẩm OCOP, trong đó, phát triển mới 20 sản phẩm, đánh giá lại 22 sản phẩm, nâng hạng sao 8 sản phẩm. Có 15-20 sản phẩm đạt 3 sao; 33-34 sản phẩm đạt 4 sao; 1-2 sản phẩm đạt 5 sao. Mỗi năm trung bình tăng thêm 6-7 sản phẩm. Có ít nhất 40% sản phẩm OCOP qua sơ chế, chế biến, chế biến sâu; khoảng 80% sản phẩm OCOP sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt các chứng nhận chất lượng (ISO; HACCP; VietGAP; GlobalGAP, GMP,...); 90% sản phẩm OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử...); ít nhất 50% sản phẩm OCOP của làng nghề, làng nghề truyền thống.

Nhiều năm nay, sản phẩm vải thiều của HTX đã được các cấp chính quyền cấp tem nhãn thương hiệu, có QR code tra cứu thông tin và tem truy xuất nguồn gốc. Vải thiều của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Nhiều siêu thị lớn trong nước như: Big C, Saigon Co.op tìm đến đặt hàng. Vụ thu hoạch vải năm 2023, sản lượng vải thiều của HTX đạt hơn 1.000 tấn. Được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu (Trung Quốc, Nhật Bản, EU…), doanh thu của HTX đạt gần 20 tỷ đồng, cao hơn năm 2022; thu nhập bình quân 500 triệu đồng/thành viên/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vui khi sản phẩm đạt OCOP đã nâng được giá trị, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Hạnh Thái, xã Nam Dương, cho biết, sản lượng sản xuất của HTX đạt 250 tấn/năm, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội. Năm 2022, HTX có sản phẩm Mỳ gạo Chũ Hạnh Thái đạt OCOP 3 sao, được tỉnh Bắc Giang thưởng 6 triệu đồng. Sản phẩm đạt OCOP đã khẳng định được chất, được người tiêu dùng tin dùng, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 10% so với trước, giá bán tăng từ 30.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg, thị trường được mở rộng hơn.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top