Tổng kết tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024, ngành Nông nghiệp Thanh Hoá phát triển khá toàn diện. Trong quý I có thêm 3 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu, 68 thôn NTM kiểu mẫu và 15 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận.
Theo báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024.
Trong đó, các ngành dịch vụ đạt kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu tăng 40,1%. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 4 năm trở lại đây. Trong quý, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ cũng tăng 10,3%, tổng lượng khách du lịch tăng 10%, doanh thu du lịch tăng 16,5%, vận chuyển hành khách tăng 11,3%...
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quý I ước đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán, tăng 46%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán, tăng 11,1%.
Huy động vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 31.681 tỷ đồng, bằng 23,5% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tính đến ngày 14.3.2024, toàn tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 4 dự án FDI), tăng 75,5% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.419 tỷ đồng và 60,6 triệu USD.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên. Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải và xếp thứ 4 cả nước về số lượng thí sinh đoạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại phiên họp.
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong quý I, có thêm 3 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu, 68 thôn NTM kiểu mẫu và 15 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363/465 xã, 717 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 479 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 479 sản phẩm OCOP.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế trên một số lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) chuyển biến chậm; sản lượng khai thác thủy sản giảm 2% so với cùng kỳ.
Việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở các địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương còn kéo dài...
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy phát triển trong quý II và các quý tiếp theo, các cấp, các ngành cần nhận diện rõ các hạn chế, bất cập. Nhất là những hạn chế liên quan đến tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ; những khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; công tác chuyển đổi số trong các cấp, các ngành... Từ đó, chủ động giải quyết các vướng mắc, tạo đà cho phát triển; tiếp tục bám sát chủ đề của năm để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra; tranh thủ thời cơ, thuận lợi để tăng tốc, bứt phá, quyết tâm đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về đích đúng kế hoạch.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.