Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức XDNTM.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thanh Hoá nên có nhiều kết quả rất tích cực.
Toàn cảnh hội nghị.
Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra như: Chỉ tiêu số lượng xã nông thôn mới nâng cao đã đạt và vượt kế hoạch (150% KH); số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt kế hoạch (130% KH); số lượng xã đạt chuẩn của tỉnh thuộc top đầu cả nước (xã nông thôn mới đứng thứ hai, xã nông thôn mới nâng cao đứng thứ ba và xã nông thôn mới kiểu mẫu đứng thứ năm cả nước) 25; nhiều mô hình kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới được MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, triển khai và nhân rộng 26 ; chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được nâng lên; Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại (đại diện cho các vùng miền của tỉnh: ven biển, đồng bằng và miền núi).
Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.
Từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, CTXDNTM nhằm gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và đô thị hóa, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nhiệm vụ XDNTM phải ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản.
Ông Đỗ Minh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc hội nghị.
Thực hiện CTMTQGXDNTM năm 2023, Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn thử thách bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, một số tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM, xã NTM nâng cao được Trung ương quy định còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Số xã chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh đa số tập trung ở khu vực miền núi, có vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa kiên quyết, thiếu cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Sự phối kết hợp giữa các ngành với các địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có nơi, có lúc chưa thường xuyên. Kết quả thực hiện CTXDNTM ở một số địa phương chưa đạt như kỳ vọng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định chương trình XDNTM góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn giai đoạn mới. Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, BCĐ tỉnh, cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, CTXDNTM của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra những mặt còn tồn tại và hạn chế, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại hội nghị. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Các tập thể nhận bằng khen tuyên dương của Chủ tịch UBND về xây dựng NTM.
Hội nghị cũng triển khai tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua hiến đất, chung sức XDNTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 146 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình trên địa bàn tỉnh có thành tích trong thực hiện CTMTQG XDNTM và phong trào hiến đất XDNTM.
Các hộ cá nhân tiêu biểu trong công tác hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, để hoàn thành các mục tiêu đó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.