Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 31 tháng 7 năm 2023 | 11:20

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Định hướng của Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã dần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có các đơn vị trụ cột là Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, các trường, viện, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng hiệu quả nông nghiệp tiên tiến... có sức lan tỏa mạnh.

Tăng năng suất nhờ ứng dụng IOT

Trên nền tảng là Tổ hợp tác trồng rau thủy canh, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức được thành lập. Hiện, Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc có diện tích sản xuất hơn 10.000 m2 trồng các loại rau ăn lá theo mô hình thủy canh hồi lưu. Khác với các mô hình trồng rau thủy canh khác, mô hình trồng rau thủy canh của hợp tác xã được ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất, chăm sóc cây trồng.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết: Để triển khai một hệ thống IoT tự động hóa cần phải đầu tư số tiền lớn mua thiết bị cảm biến, phần mềm, máy móc và hệ thống điều khiển. Hệ thống IoT đòi hỏi người làm việc phải có kiến thức chuyên môn cao để vận hành và bảo trì hệ thống. Vì vậy, hợp tác xã đã phải đầu tư thêm cho đào tạo kỹ sư và nhân viên kỹ thuật.

Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc vẫn kiên định con đường nông nghiệp công nghệ cao và luôn tìm cho mình hướng đi đột phá. Sau nhiều năm nghiên cứu, tháng 10/2021, đơn vị đã hoàn thiện và đưa vào áp dụng quy trình trồng xà lách Cristabel thủy canh chuyên vùng nóng với diện tích 1.000 m2.

Loại xà lách Cristabel còn có tên gọi là xà lách thủy tinh, là giống rau ôn đới chỉ phù hợp trồng ở các xứ lạnh như ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh có khí hậu nắng nóng, nhưng với quy trình kỹ thuật IoT tự động hóa hoàn toàn trong chăm sóc, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc không những trồng thành công xà lách thủy tinh mà năng suất, chất lượng không thua kém xà lách trồng ở vùng lạnh.

Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, với diện tích 1.000 m2 trồng rau, khi ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất, năng suất tăng từ 2,4 tấn/tháng lên khoảng 3,6 tấn/tháng và chỉ cần một nhân viên chăm sóc; chi phí điện, nước cũng giảm từ 10-20% so với trồng thủy canh thông thường.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc đã liên kết và chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên ngoài địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các trang trại ở tỉnh Long An, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương với tổng diện tích 4.000 m2.

Hợp tác xã cũng đang xây dựng thêm 4.000 m2 hệ thống nhà kính trồng rau ăn lá tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nhằm tăng sản lượng và nâng cao chất lượng các loại rau ăn lá trồng thủy canh. “Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc có thể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển các giải pháp IoT tự động hóa tiên tiến hơn và giúp nâng cao năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm”, ông Lâm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao tự động hóa bằng công nghệ IoT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến môi trường. Đây là yếu tố quan trọng để giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt 570 triệu đồng/ha, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Hệ thống phun sương tự động trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ IoT của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc.

Nông nghiệp đô thị là hướng đi chủ đạo

Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học... là hướng đi tất yếu khi quỹ đất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp. Ngoài việc nghiên cứu, chuyển giao các mô hình nông nghiệp tiên tiến; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới... thành phố còn chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo tiền đề thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.

Trong 14 doanh nghiệp đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công ty cổ phần Cuộc sống tốt lành (Công ty Goodlife) đã đầu tư nhà máy sản xuất với công suất xử lý, đóng gói 10.000 tấn trái cây tươi/năm xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu, công ty xây dựng vùng trồng và liên kết với nông dân bao tiêu sản phẩm theo quy trình sản xuất GlobalGAP, đầu tư dây chuyền xử lý hơi nước nóng được nhập khẩu từ Nhật Bản. Công nghệ mới này xử lý, khử trùng trái cây tươi và bảo quản trái cây lâu hơn, tươi hơn khoảng bảy ngày so với phương pháp bảo quản thông thường. Bà Trần Nguyễn Khánh Vy, Phó Giám đốc Công ty Goodlife chia sẻ:

Trái cây tươi của Goodlife xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... gồm thanh long, xoài, sầu riêng. Từ kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả, kế hoạch thời gian tới của công ty là tiếp tục đầu tư các dây chuyền tự động hiện đại để chế biến sâu từ trái cây, qua đó tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, diện tích 87 ha trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao dành cho các doanh nghiệp thuê đã được lấp đầy. Khi doanh nghiệp đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao có nhiều thuận lợi như nằm trong khu quy hoạch, được hỗ trợ, ưu đãi các chính sách về nông nghiệp công nghệ cao (ưu đãi về thuế, hỗ trợ cho vay về vốn...).

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào đây được hưởng lợi hạ tầng có sẵn, được chia sẻ về khoa học kỹ thuật, vì trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao có các trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao, hướng nghiệp và dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao...

Các chuyên gia cho rằng, mô hình Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học... tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là mô hình chuẩn, từ đó thu hút, lan tỏa, tạo “điểm mồi” cho nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở thành phố mà các địa phương lân cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ cùng phát triển.

Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng được khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dễ áp dụng và phát triển lâu dài. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao xin chủ trương của thành phố mở rộng thêm hai khu phục vụ cho chăn nuôi, nhân giống cây trồng và vật nuôi.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố đã cụ thể hóa, xây dựng định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, chuyển đổi nhanh nền nông nghiệp từ sản xuất các sản phẩm truyền thống sử dụng nhiều đất và lao động, sang nền nông nghiệp đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, tiến tới nền nông nghiệp đô thị xanh phát thải các-bon thấp.

Đồng thời, phát huy vai trò là trung tâm nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp mới, dịch vụ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại cho khu vực và cả nước; sản xuất các sản phẩm tươi sống có lợi thế với chất lượng cao, thân thiện môi trường theo chuỗi liên kết đa giá trị, tạo mảng xanh và cảnh quan đô thị, nông thôn hài hòa.

“Thu nhập và điều kiện sống của người làm nông nghiệp ở mức cao, nông nghiệp và nông thôn trở thành nơi làm việc, sinh sống, tham quan, học tập và nghỉ dưỡng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại”, ông Đinh Minh Hiệp cho biết.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là một trong những xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có năng suất, chất lượng cao; không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc giống cây, giống con theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại.

Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top