Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với các chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ đã đề nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Tiếp tục chương trình phiên họp 27, sáng 13/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Đề xuất 5 nhóm giải pháp
Tờ trình về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Xây dựng Nông thôn Mới; Giảm nghèo Bền vững; Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi) và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ: Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành, Chính phủ trình UBTV Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung một số giải pháp chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có 5 nhóm giải pháp được đề xuất là: Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, hợp tác xã), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ; Giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm; Cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Theo Báo cáo đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày, Đoàn Giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia vì mục tiêu đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống của người dân - đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.
Về thời gian thực hiện, Đoàn Giám sát thống nhất với đề xuất của Chính phủ là chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Đảm bảo chặt chẽ trong công tác giám sát
Nhất trí với các biện pháp, đề xuất của Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần có sự thay đổi trong cách quản lý các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư; đồng thời cần thay đổi cách triển khai theo hướng giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết các quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng, tài chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các loại quỹ đang được sửa đổi.
Chính phủ cần sớm đề xuất sửa các quy định có liên quan đến nguồn hỗ trợ để đảm bảo giám sát chặt chẽ được các nguồn hỗ trợ từ ngân sách, đồng thời có thủ tục phù hợp với từng loại hình, hình thức hỗ trợ, đầu tư.
Về ban hành nghị quyết của Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhất trí với nội dung báo cáo của Đoàn Giám sát đề cập đến tính cấp thiết của vấn đề và các nội dung của các cơ chế giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Mạnh, quan trọng là quá trình chuẩn bị các nội dung để bảo đảm quy trình, đồng thời đánh giá chặt chẽ khi thiết kế các nội dung giải pháp để đảm bảo tính khả thi, tạo nên thay đổi cơ bản, thực chất.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết việc kéo dài thời gian vốn của năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, cùng với việc xem xét tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất đề xuất của Đoàn Giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với nguồn vốn này theo hướng để kéo dài đến hết năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thống nhất với 5 nhóm giải pháp được Chính phủ đề xuất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, bất cứ giải pháp nào có thể khắc phục được tình trạng chậm triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, cần cố gắng thực hiện, song phải báo cáo rõ với Quốc hội về lý do khách quan, chủ quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị khi đưa ra trình trước Quốc hội, các lý lẽ tại Tờ trình cần thuyết phục hơn, cụ thể nếu thực hiện 5 giải pháp như Chính phủ đề xuất thì sẽ tháo gỡ được vướng mắc ở đâu, đẩy nhanh tiến độ như thế nào; nêu rõ mức độ ảnh hưởng đến việc triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia nếu không thực hiện các giải pháp này.
Đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ cùng những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiến độ giải ngân của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đang ở mức thấp so với mặt bằng chung.
Thực tiễn giám sát cho thấy việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, tổ chức, triển khai, chỉ đạo, thực hiện các quy định, Nghị định, Thông tư, hướng dẫn không chỉ vướng ở một khâu.
Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra; đảm bảo phân bổ đúng mục đích, không để xảy ra tình trạng gây thất thoát, tiêu cực, lãng phí.
Các ý kiến kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với các chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ đã đề nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này và gửi tới các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.