Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng "sản lượng rồi sẽ chạm trần, việc tận dụng đất đai cũng sẽ chạm ngưỡng". Như vậy, nếu không nghĩ khác đi thì ngành nông nghiệp sẽ không thể tiến xa được.
GDP ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,38%, cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm gần đây- Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là quan điểm Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo tại hội nghị, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,38%, cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm gần đây (tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu các năm: năm 2020 tăng 1,24%, năm 2021 tăng 3,77%, năm 2022 tăng 2,78%, năm 2023 tăng 3,26%).
Lũy kế các vụ lúa từ đầu năm nay đến nay, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Đến nay, sản lượng lúa trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", Bộ NN&PTNT đã ban hành và tổ chức tập huấn Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải cho 5 địa phương triển khai mô hình thí điểm. Đồng thời, xây dựng Nghị định cơ chế thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với ngành chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 1,21 triệu tấn, tăng 4,9%; trứng đạt gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%; sản lượng thịt bò hơi đạt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP nông nghiệp tăng 3,15%; GDP lâm nghiệp tăng 5,34%; GDP thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023".
Đối với ngành lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, cả nước chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống (tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát chất lượng đạt 85%), trồng rừng theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. 6 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tập trung 9,93 triệu m3, tăng 6,3%. Điều đáng nói, tăng trưởng GDP của ngành Lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay đạt 5,34%, cao nhất so với các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích sản xuất muối 10.804 ha, sản lượng 789,2 nghìn tấn.
Tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.115 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 503 xã so với cuối năm 2023); 463 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 207 xã). Có 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 tỉnh so với cuối năm 2023. Đến nay, cả nước đã công nhận 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 2.312 sản phẩm so với cuối năm 2023) với 7.425 chủ thể tham gia.
Để ổn định và tránh tăng đột biến giá hàng nông sản và giá nguyên liệu vật tư đầu vào trước bối cảnh tăng lương từ 1/7/2024, Bộ đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Cùng với đó, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 về Kế hoạch triển khai Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Bộ cũng tiếp thu, hoàn thiện Đề án "Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng năm nay là năm phức tạp về tình hình thời tiết, song với dự báo chuẩn xác và cơ sở dữ liệu vận hành tốt, năng suất, sản lượng lúa, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp nói chung đều có nền tảng thủy lợi vững chắc.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đang đứng trước khó khăn thách thức, về trồng trọt, cần xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, kinh tế tuần hoàn gắn theo chuỗi. Cần tính đến vấn đề hình thành vùng chuyên canh sâu theo kinh nghiệm của châu Âu. Ngoài ra, việc mở rộng cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cửa khẩu thông minh… có khả năng lớn, dư địa rất lớn cần khai thác để thúc đẩy xuất khẩu.
Về chỉ đạo sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị Cục Trồng trọt trong thời gian tới cần đôn đốc các đơn vị triển khai bài bản giải pháp kỹ thuật, chỉ đạo kế hoạch cho các vụ lúa tiếp theo nhằm đạt được kế hoạch đặt ra vào cuối năm.
Vấn đề về "sức khỏe" đất được nhiều chuyên gia và địa phương quan tâm, Thứ trưởng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và Cục Trồng trọt phối hợp xây dựng Chỉ thị, chiến lược quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng để phát triển ngành trồng trọt bền vững.
Với các đề án, kế hoạch trong ngành trồng trọt, cần tiếp tục đôn đốc triển khai và có báo cáo tổng kết.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, trước tiên cần bảo vệ tốt khu vực sản xuất, đối với một số sâu bệnh phát sinh gây hại ở mức độ cao đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị đơn vị lưu ý tổ chức các đoàn kiểm tra, tăng cường tính dự báo cho lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Cục Thú y chỉ đạo kiểm tra, quản lý hệ thống kiểm dịch thực vật, kiểm tra giám sát tốt các loại hàng hóa nhập lậu, gian lận xuất xứ. Đề nghị Cục Bảo vệ thực vật quan tâm, đôn đốc, và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng "sản lượng rồi sẽ chạm trần, việc tận dụng đất đai cũng sẽ chạm ngưỡng". Như vậy, nếu không nghĩ khác đi thì ngành nông nghiệp sẽ không thể tiến xa được. Đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ như hiện nay, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch để tiếp cận đến những công nghệ số hóa cao hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự kết nối và cho rằng đây là xu thế nếu ngành nông nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng cho rằng với sự trăn trở của những người làm nông nghiệp, không ngừng cải cách phương pháp làm việc, những con số phản ánh thành tựu nông nghiệp tới đây sẽ tăng trưởng lũy tiến, và nhìn thấy rõ 6 tháng tăng tốc của năm 2024 trước khi bước sang một năm 2025 bứt phá. Tuy nhiên, Bộ trưởng tin rằng ngành nông nghiệp còn nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển bền vững.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.