Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Giảm nghèo bền vững
Đồng Văn là nơi có nhiều các dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 87,2%. Đây là vùng có văn hóa đa dạng, góp phần làm giàu thêm kho tàng chung của nền văn hóa tỉnh. Để xóa đói giảm nghèo, các Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn đã vận dụng các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với những chủ trương của tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ngành phát huy hiệu quả kiến thức bản địa vào sản xuất và đời sống, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa kiến thức bản địa với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm Đồng Văn duy trì đảm bảo an ninh lương thực trên 2,8 vạn tấn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, như: Dược liệu, tam giác mạch, bò, lợn, dê.
Qua đó, nơi đây đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng rau chuyên canh, vùng lê hàng hóa, gia trại chăn nuôi… Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 700 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 39 triệu đồng/năm; tỷ trọng chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 6%. Tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn tính đến ngày 7.9 là 37.168 đoàn với 315.750 lượt khách, tăng trên 835% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,33% kế hoạch giao. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt hơn 300 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Đồng Văn hiện nay vẫn là một trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 67,96%, hộ cận nghèo chiếm 12,38%, hộ không nghèo chỉ chiếm 19,66% theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022 - 2025. Nếu Đồng Văn phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong việc vận dụng kiến thức bản địa trong sản xuất và đời sống cùng các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì chắc chắn trong tương lai không xa, huyện biên giới Đồng Văn sẽ sớm đạt mục tiêu đến năm 2025 từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo (huyện 30a), đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả
Thị trấn Phố Bảng cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 20 km, nơi đây được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” khi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm.
Là thị trấn biên giới, có cửa khẩu Phố Bảng nơi diễn ra các hoạt động giao thương, người dân nơi đây chủ yếu kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu. Nhờ có khí hậu thuận lợi, người dân trồng một số cây ăn quả như lê, mận và trồng hoa hồng... mang lại thu nhập cao. Những năm trở lại đây, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, một số hộ dân đã mạnh dạn thử nghiệm các loại rau màu, cây ăn quả ngắn ngày, bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó, cây dâu tây được xác định là phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
Từ cuối năm 2021, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại một số thôn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây dâu tây, thị trấn Phố Bảng đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dâu tây.
Diện tích dâu tây của gia đình anh Vừ Mí Nhìa (ngoài cùng bên phải) đã cho thu hoạch.
Là hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Giàng Mí Lình, thôn Phiến Ngài, gia đình anh Lình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng khoảng 4.000 cây dâu tây, đến nay đã cho thu hoạch. Anh Lình chia sẻ: Dâu tây là loại quả cho thu hoạch theo đợt, với giá bán từ 150-200 nghìn đồng/kg, mỗi đợt gia đình tôi thu được khoảng 6-7 triệu đồng. Thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng ngô. Tuy nhiên, chăm sóc dâu tây sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn.
Gia đình anh Vừ Mí Nhìa, thôn Xóm Mới, cũng là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu tây. Hiện, gia đình anh trồng 6.000 cây và đã cho thu hoạch được khoảng 3 tháng. Mùa thu hoạch chính của dâu tây từ tháng 4 đến tháng 9 Âm lịch. Theo anh Nhìa, mỗi tuần gia đình anh bán được khoảng 1,5 – 2 triệu đồng. Nhờ có khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào, chất lượng quả dâu tây của gia đình anh được đánh giá cao cả về mẫu mã và chất lượng. Gia đình anh còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, ứng dụng khoa học vào quá trình sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần. Được biết, huyện đã có chủ trương hỗ trợ 60% tiền cây giống , vì vậy anh Nhìa dự định sẽ mở rộng diện tích, nhân lên khoảng 24 nghìn cây trong thời gian tới.
Ông Liễu Thị Dìn, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Bảng cho biết: Trước đây, người dân thị trấn chủ yếu trồng và mở rộng các diện tích trồng cây ăn quả lâu năm đặc trưng của vùng như đào, lê, mận. Có một số vùng chuyên canh hoa hồng, rau màu. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu, nhận thấy nơi đây thích hợp trồng cây Dâu tây, thị trấn đã khuyến khích người dân trồng và cho thấy hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các loại cây rau màu khác.
.
Người dân xã Lũng Cú (Đồng Văn) chuyển đổi trồng hoa màu trái vụ, góp phần nâng cao đời sống.
Đặc biệt, quả dâu tây có thị trường tiêu thụ rộng, sẽ mang lại thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất trồng, cấp ủy, chính quyền thị trấn đặc biệt chú trọng hướng dẫn nhân dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, gắn với việc thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp để có sự hỗ trợ, khuyến khích các hộ thực hiện. Việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, cụ thể là cây Dâu tây đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Ginag - Trần Xuân Thủy chia sẻ: Lan tỏa các phong trào thi đua sản xuất, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội nông dân đã khuyến khích, động viên, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ vốn, cây con giống và kinh nghiệm sản xuất cho trên 9.000 lượt hộ nông dân, giúp 5.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu. Xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Huyện Bắc Quang có các mô hình chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh phúc với 10 hộ tham gia; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Hùng Thắng, xã Hùng An với 12 hộ tham gia; mô hình phát triển trồng cây đào cảnh tại thôn Tân Mỹ, xã Tân Quang với 12 hộ tham gia; huyện Quang Bình có mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại thôn Hạ Quang, Yên Thượng, xã Vỹ Thượng...
Xín Mần – miền đất nắng, gió, thiên nhiên khắc nghiệt, huyện xác định nhiệm vụ hàng đầu là tạo sinh kế cho 91,8% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn về an sinh thu nhập. Địa phương xác định cụ thể các vùng miền, cây, con chủ lực, có lợi thế, thế mạnh của địa phương để tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, một số sản phẩm trở thành hàng hóa đủ lớn để đưa ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Gạo Già Dui, chè, mướp đắng rừng, miến dong, hồng không hạt, mật ong rừng, thảo quả, gừng, nghệ...