Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 2 năm 2023 | 15:41

“Thôn thông minh” ở Tân Kỳ

Xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ - Hải Dương) đang từng bước đưa công nghệ số vào cuộc sống, hình thành những “thôn thông minh”, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay.

Guồng sục sủi tạo ô xy cho cá được điều khiển tự động
 
Cùng với duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã Tân Kỳ  đang từng bước đưa công nghệ số vào cuộc sống, thu dần khoảng cách với thành thị để hình thành những “thôn thông minh”. 

Hướng tới nông dân văn minh

Xã Tân Kỳ từng là một vùng quê chiêm trũng, người dân quanh năm bám ruộng nhưng vẫn nghèo nàn và lạc hậu. Nay vùng quê ấy đã có nhiều đổi mới. Tân Kỳ là địa phương duy nhất của huyện Tứ Kỳ thí điểm mô hình “thôn thông minh” và phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu trong năm nay.

Vẫn là xã nông nghiệp nhưng nông dân Tân Kỳ đã biết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Đặc biệt những năm gần đây, Tân Kỳ nổi lên là trung tâm nuôi thủy sản công nghệ cao và là địa phương đi đầu trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của huyện Tứ Kỳ. Hiện xã có gần 200 ha nuôi thủy sản công nghệ cao tập trung ở cả 2 thôn Ngọc Lâm và Nghi Khê. Khác với các vùng nuôi thủy sản truyền thống, việc nuôi thủy sản ở đây được máy móc hỗ trợ nên tiết giảm chi phí nhân công.

Anh Nguyễn Hữu Quân ở thôn Nghi Khê có 11 ha nuôi cá. Mặc dù có diện tích nuôi cá lớn nhất xã nhưng việc chăm sóc và quản lý cho toàn bộ diện tích này chỉ cần 3 người. “Các công việc như cho cá ăn, sục sủi để tạo ô xy, phòng bệnh cho cá… đều tự động. Đến giờ chỉ cần bật công tắc, máy sẽ tự động cho cá ăn. Nhân công giảm nhưng năng suất vẫn bảo đảm từ 30 - 35 tấn cá/ha. Mỗi năm, trang trại cho thu lãi từ 2 - 3 tỷ đồng”, anh Quân nói.

Không chỉ trong sản xuất, công nghệ còn hỗ trợ tích cực trong cuộc sống thường ngày của người dân. Các hoạt động cộng đồng đều được đưa lên các hội nhóm chung của xã giúp lan tỏa những hình ảnh đẹp của quê hương. Ông Phạm Quang Hợp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngọc Lâm chia sẻ: “Công việc của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bây giờ nhàn hơn rất nhiều. Trước kia, xã hay thôn có việc dù lớn hay nhỏ, chúng tôi phải đi đến từng nhà để thông báo nhưng nay chỉ cần một tin nhắn trên nhóm Zalo là mọi người đều biết. Wifi được lắp đặt miễn phí tại nhà văn hóa và đình chùa để phục vụ người dân. Việc buôn bán, kinh doanh của nhân dân nhiều khi cũng trao đổi qua mạng xã hội nên rất nhanh chóng và tiện lợi”.

Nhờ có công nghệ, cuộc sống của người dân Tân Kỳ đã và đang có nhiều đổi thay. “Chuyển đổi số” đang trở thành khái niệm quen thuộc với nhiều người dân thôn quê. 

Nông thôn hiện đại

Với việc thay đổi tư duy, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất, làng quê Tân Kỳ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Những con đường bê tông to đẹp không chỉ ở các thôn xóm mà còn dẫn thẳng ra các khu nuôi thủy sản công nghệ cao, điện chiếu sáng tự động được lắp đặt trên tất cả các trục đường thôn, xóm. Wifi miễn phí tại hội trường và khu vực quanh UBND xã để nhân dân truy cập thông tin, tương tác với cơ quan, đơn vị khác khi cần thiết. Các điểm sinh hoạt cộng đồng, đình chùa cũng đã được phủ sóng wifi miễn phí. Camera an ninh đang được triển khai ở các trục đường xã, ngã ba, ngã tư, các vị trí giao thông quan trọng... Tất cả các yếu tố ấy kết hợp tạo đà cho kinh tế phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt hơn 72 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2021.

Tân Kỳ đã hoàn thành 16 trong tổng số 19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt địa phương đã có kế hoạch thực hiện trong năm nay. Với NTM kiểu mẫu, phải có một “thôn thông minh” được công nhận đạt chuẩn. Dù vậy, đến nay, các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xây dựng “thôn thông minh”. Cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Kỳ quyết tâm về đích NTM kiểu mẫu trong năm nay. 

“Chúng tôi xác định thôn thông minh phải bảo đảm hạ tầng internet, mạng di động phủ sóng đến từng nhà. Lãnh đạo xã, cán bộ thôn phải biết ứng dụng nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến từng người dân. Trong thôn phải có các mô hình ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như an ninh, y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh… Xác định mục tiêu kết hợp với học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương chúng tôi đã xây dựng thôn thông minh ở cả 2 thôn. Sau khi các bộ, ngành trung ương có hướng dẫn cụ thể, xã sẽ tiến hành điều chỉnh phù hợp", ông Phạm Trọng Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ cho biết.
 
Trần Hiền/Báo Hải Dương
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top