Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 3 năm 2023 | 21:29

Trí tuệ nhân tạo chưa phát huy hết khả năng trong sản xuất nông nghiệp

Nhận thức cũng như thể chế về chuyển đổi số nông nghiệp chưa toàn diện; giá cả phần cứng và phần mềm cho trí tuệ nhân tạo đang rất cao, bên cạnh đó là trình độ, nhận thức của người nông dân vẫn còn hạn chế.

Các thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Công nghệ AI ngày càng được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp. Thông tin được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT cùng Tổng hội NN&PTNT Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.

Thông tin từ hội thảo cho thấy, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của công nghệ AI giúp cây trồng phát triển mạnh, năng suất cây trồng được tăng lên. AI tham gia sâu vào quá trình kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.

Mặt khác, việc sử dụng AI còn giúp giảm đáng kể việc sử dụng các hóa chất ảnh hưởng đến môi trường. Những tiến bộ trong chế tạo robot điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn.

Công nghệ AI ngày càng được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.

Dù hiệu quả mang lại từ AI đối với ngành nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các DN sản xuất vì những ưu thế mang lại vượt trội so với nông nghiệp truyền thống.

Theo ông Vũ Kiên Trung, đại diện Công ty Netafim Việt Nam (Đại sứ quán Israel, với việc ứng dụng hệ thống quản lý điều khiển nông trại quy mô lớn bằng AI, đã giúp cho quá trình tái canh cây cà phê đạt hiệu quả rõ rệt. Người trồng cà phê đã thu được năng suất 5 tấn/ha ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, tăng 300% so với phương pháp tái canh truyền thống.

“Mô hình góp phần giảm chi phí cho cà phê tái canh, nâng cao lợi nhuận sản xuất thông qua việc không cần xử lý đất bằng cách trồng cây khác trong 2 - 3 năm đầu sau khi bỏ vườn cà phê cũ. Giải pháp kết hợp đồng bộ giữa dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật qua nước tưới được quản lý bằng AI tạo ra giải pháp xenh canh hợp lý, giúp ngăn ngừa bệnh hại và phục hồi đất, giảm chi phí đầu vào cho mỗi kg hạt cà phê”, ông Trung cho hay.

Nêu rõ hiệu quả của ứng dụng của AI trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho biết, AI giúp dự báo thời tiết và mô hình hóa tài nguyên nước; theo dõi sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật; ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu quả sản xuất bằng cách tối ưu hóa phân bón và thuốc trừ sâu; tăng cường quản lý đàn gia súc và giảm thiểu tác động đến môi trường…

“Tuy nhiên việc đẩy mạnh ứng dụng AI vào trong ngành nông nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao, bên cạnh đó là trình độ, nhận thức của người nông dân vẫn còn hạn chế”, TS. Trần Quý đưa ra nhận định.

Làm rõ hơn những “nút thắt” trong chuyển đổi số nền nông nghiệp cũng như ứng dụng AI trong nông nghiệp nói riêng, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNN) cho rằng, nhận thức cũng như thể chế chuyển đổi số trong quản lý và điều hành cũng như ứng dụng số chưa toàn diện. Trong đó, việc xây dựng kiến thức, cơ sở dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp còn khá sơ khai, nhất là về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ và phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu cũng như nguồn lực đầu tư manh mún.

Vì thế ông Toản đề xuất, cần chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế đồng thời với phát triển hạ tầng và nền tảng số; củng cố an ninh mạng cùng với nghiên cứu hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ. “Nếu không có thể chế đi trước, mọi ứng dụng không có tính chất bắt buộc sẽ không đi vào cuộc sống. Mặt khác, nhận thức ở nhiều nơi về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế”, ông Toản chỉ ra.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - TS. Trần Quý cho rằng, cần có sự đầu tư và nghiên cứu đáng kể, cùng với sự đào tạo cho nông dân về việc sử dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AIo thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu của thị trường.

Để trí tuệ nhân tạo nhanh chóng đi vào mọi mặt của cuộc sống, nhất là ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nêu rõ, trên cơ sở đánh giá thực tiễn, Tổng hội tham mưu, đề xuất cơ quan quản lý có thẩm quyền xây dựng các chính sách phù hợp với chuyển đổi số và ứng dụng AI.

“Tổng hội tiếp tục kết nối và thu hút 4 Nhà (DN, Đầu tư, Khoa học và Nhà nông) nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong nông nghiệp. Việc này cũng góp phần cải tiến nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”, ông Hùng chỉ rõ.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top