Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 11 năm 2022 | 15:51

Trồng chè Shan tuyết, làm miến dong ở Lào Cai cho hiệu quả kinh tế cao

Phát huy những lợi thế có sẵn, người dân 2 huyện Bắc Hà và Bát Xát (Lào Cai) đang phát triển mô hình trồng chè Shan tuyết và miến đao sâm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tây Bắc.

Thu 49 tỷ đồng từ chè Shan tuyết

Theo thông tin UBND tỉnh Lào Cai, 9 tháng năm 2022, huyện Bắc Hà đã thu hoạch “kỷ lục” 2.876 tấn chè búp tươi, tương đương 553 tấn, đạt 77,7% kế hoạch, giá trị thu được trên 48,8 tỷ đồng.

Hiện tại, toàn huyện Bắc Hà có 950 ha chè, trong đó có 696,94 ha chè shan tuyết được chứng nhận hữu cơ. Dự kiến, từ nay đến cuối năm toàn huyện thực hiện trồng mới 10ha, nâng tổng diện tíchlên 960ha. Từ đầu năm 2022 tới nay giá bán lá chè tươi ổn định từ 17.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cùng kỳ, từ 2-3 ngàn đồng/kg. Dự kiến sản lượng búp tươi thu hái trong năm khoảng 3.700 tấn, cho thu nhập đạt trên 63,5 tỷ đồng chiếm 5,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Theo ngành chức năng tỉnh Lào Cai, để có được kết quả này, huyện Bắc Hà phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai thực hiện Dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2022. Mô hình được triển khai trên diện tích 20 ha với sự tham gia của 70 hộ dân thuộc xã Bản Liền và xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà.  Sau 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình có nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Tại vùng dự án, năng suất bình quân đạt 4,75 tấn búp tươi/ha/năm, tăng 30% - 35% so với năm 2019, cao hơn mục tiêu dự án 1,25 tấn/ha. Sản phẩm chè búp tươi do Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà thu mua với giá từ 17.000 đồng/kg.

Nông dân Bắc Hà thu hoạch chè Shan tuyết

Ngoài việc phát triển cây chè Shan tuyết huyện Bắc Hà chú trọng giữ gìn, phát triển vùng chè Shan tuyết Bản Liền, Tả Củ Tỷ và Hoàng Thu Phố đã và đang đem lại lợi ích kép khi đã thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Hà, tạo động lực phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Nhờ chú trọng phát triển vùng chè tuyết Shan hữu cơ Bản Liền, nâng  cao chất lượng chè ở các xã khác như Thải Giàng Phố, Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư... các xã chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá thu mua chè cao, ổn định, đặc biệt thị trường trong và ngoài nước nhất là thị trường châu Âu có nhu cầu tiêu thụ cao sản phẩm Hồng Trà, hợp tác xã chè Bản Liền tăng cường thu mua búp chè tươi có chất lượng tốt để chế biến xuất khẩu.

Ngoài ra việc bảo tồn và phát triển các vùng chè Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố... và vùng trọng điểm chè Bản Liền gắn với du lịch nông nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Lào Cai đã và đang hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với miền cao nguyên trắng Bắc Hà.

Thu trăm triệu đồng nhờ trồng sâm, sản xuất miến

Sau nhiều năm phát triển mô hình trồng và chế biến miến đao sâm chị Cồ Thị Hiền, hội viên chi hội phụ nữ thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo đã vươn lên thành một triệu phú trên vùng quê nghèo.

Năm 2021 được sự giúp đỡ của các cấp Hội phụ nữ huyện Bát Xát và Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cơ sở sản xuất miến dong của chị Hiền được nâng cấp thành “Hợp tác xã miến dong Hưng Hiền”. Đến nay, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất với 1500 m2 đất. Tổng sản lượng hàng năm đạt 12 tấn, trừ chi phí bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 240 - 250 triệu đồng/năm.

Cơ sở sản xuất miến của chị Hiền tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương

Tới thời điểm hiện tại sản phẩm miến dong, sâm của gia đình chị Hiền đã thâm nhập vào thị trường miền bắc và một số tỉnh miền nam như: Khánh Hòa, Vũng Tàu, Trà Vinh... và tạo công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho 05 lao động thường xuyên; 10 chị lao động thời vụ là chị em hội viên phụ nữ nghèo với mức lương 6 triệu đồng/tháng góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, bản thân chị Hiền còn giúp 07 chị em phụ nữ nghèo trong xã có hoàn cảnh khó khăn không lấy lãi để phát triển kinh tế với số tiền trên 35 triệu đồng. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội, gương mẫu, nhiệt tình và tâm huyết với các hoạt động do Hội phụ nữ phát động. Luôn gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ chị em trong chi hội lúc khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, gia đình chị đều được công nhận là gia đình văn hóa, được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; được Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Đặc biệt Năm 2020, Chị Hiền vinh dự được bằng khen của UBND tỉnh về lĩnh vực khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giai đoạn 2018 -2020. Năm 2022 được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tặng Danh hiệu Nông dân Lào Cai xuất sắc.

 

Lê Huy (T/H)
Ý kiến bạn đọc
Top