Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 8 năm 2023 | 13:30

Trồng thanh long - Tiếp tục hay dừng lại?

Thanh long từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An và một số địa phương khác trong tỉnh "ăn nên làm ra" nhưng đến hiện tại, người trồng thanh long đang “lao đao” vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Họ đứng trước lựa chọn dừng lại, chuyển sang trồng loại cây khác hoặc phải chuyển hướng sản xuất thanh long sạch.

Nhiều vườn thanh long bị bỏ hoang

Có mặt tại vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh, không khí khá trầm lắng. Từ thị trấn Tầm Vu xuôi theo đường 30/4 đến xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành), chúng tôi thấy khá nhiều vườn thanh long đang bị bỏ hoang hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Nông dân từ bỏ thanh long do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhân công lại tăng cao khiến chi phí sản xuất liên tục tăng. Trước tình hình đó, một số hộ dân chọn cây trồng khác và nhanh chóng chuyển đổi ngay trong mùa dịch. Những hộ khác do gặp khó khăn về nguồn vốn vẫn loay hoay bỏ vườn hoang, phân vân giữa việc tiếp tục trồng thanh long hay chuyển sang cây khác.

Nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành bỏ vườn khi cây đang cho trái

Ông Nguyễn Văn Chính trồng thanh long lâu năm tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành. Vườn thanh long của ông Chính có diện tích 4.000m2. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, ông bỏ hoang vườn. Vườn thanh long xanh mướt trước đây giờ chỉ còn là những trụ cây khô quắt, cỏ ngập đầy lối đi, không còn khả năng hồi phục. Hiện tại, vườn thanh long của ông chỉ được tận dụng thu hoạch cỏ nuôi bò.

Ông Chính thổ lộ: “Vườn thanh long này trồng lại khoảng 8 tháng, chưa cho thu hoạch thì gặp mấy năm dịch bệnh. Nay kinh tế bắt đầu hồi phục, tôi cũng dự định trồng lại thanh long nhưng đang phân vân vì chi phí đầu tư khá lớn trong khi giá thanh long không ổn định”.

Trung bình, giá bán đối với thanh long xử lý ra hoa trái vụ từ 10.000-12.000 đồng/kg nông dân mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thanh long liên tục giảm mạnh nên các chi phí đầu tư như tiền điện, phân bón, nhân công,... trở thành "gánh nặng" với nông dân.

Quyết tâm chuyển đổi

Giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, nhiều nông dân chuyển đổi từ trồng thanh long sang cây trồng khác (Trong ảnh: Ông Lê Bốn (ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chuyển từ trồng thanh long sang trồng quýt)

Diện tích thanh long ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là những vườn mít, ổi, quýt,... xanh mướt. Ông Lê Bốn (ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) là một trong những hộ dân trồng thanh long đầu tiên của xã. Tuy nhiên, sau thời gian dài giá thanh long không ổn định, ông chuyển sang trồng quýt đường. Hiện tại, 1.000 gốc quýt 12 tháng tuổi của ông phát triển tốt.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 8.900ha (giảm khoảng1/4 diện tích so với tháng 4/2021), tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An,... Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha. Năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn.

Ông Bốn cho biết: “Sau 10 năm trồng thanh long, cây già cỗi nên tôi phá bỏ, định trồng lại nhưng giá thanh long không còn như trước nên tôi chuyển sang trồng quýt. Trồng quýt đầu tư ít chi phí hơn thanh long, chủ yếu tiêu thụ trong nước”.

Tại ấp 1, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, những vườn thanh long nay được thay bằng những cánh đồng hoa màu, lúa tươi tốt. Trước đây, thấy nhiều người trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Huỳnh Văn Chính (ấp 1, xã Tân Phước Tây) cũng chuyển sang trồng loại cây này.

Những năm đầu, vườn thanh long của gia đình ông cho năng suất khá, giá bán cao nên lợi nhuận nhiều. Thấy người dân trồng thanh long nhiều, ông đầu tư hạ thế điện để cho thuê phục vụ xử lý ra hoa trái vụ. Tuy nhiên, “niềm vui chẳng tày gang”, từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá bán thanh long xuống thấp. Sau 2 năm, không những không thu hồi được vốn, ông còn lỗ trên 100 triệu đồng. Vì vậy, ông quyết định chuyển sang trồng hoa màu. Theo ông Chính, người chịu thiệt hại nặng nhất là những nhà vườn mới trồng khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện tại, toàn bộ khu vực nơi ông Chính ở chỉ còn 2 hộ trồng thanh long.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, Thủ Thừa đã phá bỏ vườn trồng thanh long kém hiệu quả. Giá thanh long liên tục xuống thấp khiến nông dân không "mặn mà" sản xuất. Nhiều hộ dân trồng thanh long vẫn chưa biết “tiếp tục” hay “nên dừng”.

Giá thanh long bấp bênh

Vườn thanh long nhà ông Huỳnh Văn Thiện nằm lẻ loi giữa những ruộng lúa, hoa màu trong ấp 1, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Khi chúng tôi đến, thanh long vườn nhà ông đang vào vụ thu hoạch, trái chín đỏ nhưng do giá quá thấp, ông vẫn chưa bán. Chỉ rổ thanh long chín đỏ trên bàn, ông Thiện nói: “Tôi mới hái mấy trái thanh long này vô cho heo ăn. Tôi nghe người khác bán giá 2.000 đồng/kg nhưng kêu lái thì họ không tới. “Gồng” qua 2 năm dịch vất vả quá rồi, mới đợt trái trước tôi bán 14.000 đồng/kg, lời được một chút, vụ này lại không bán được”.

Gia đình ông Thiện có 2.000m2 đất trồng thanh long là nguồn kinh tế chính. Suốt mùa dịch, thanh long không bán được, vợ chồng ông “bấm bụng” chăm sóc cây chờ qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, đến hiện tại, ông bắt đầu phân vân về việc có nên giữ lại vườn thanh long hay không. Ông Thiện nói: “Khu này lúc trước trồng thanh long nhiều lắm nhưng khi giá xuống thấp thì người dân chuyển sang trồng cây khác. Sau vụ này, chắc tôi sẽ xông đèn thêm 1 đợt nữa, nếu vẫn không được giá thì tôi bỏ thanh long”.

Ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cố “neo” trái thanh long đang chín đỏ chờ giá “nhích” lên một chút.

Cùng thời điểm đó, thanh long tại vườn của ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cũng đang chín đỏ. Ông Trung cố “neo” trái chờ giá thanh long “nhích” lên. Là Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi, xã An Lục Long, ông Trung có nhiều kinh nghiệm trồng thanh long, năng suất và chất lượng trái trong vườn nhà ông luôn ở mức cao. Vào thời điểm Hội quán ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, ông Trung còn cùng các thành viên Hội quán sản xuất thanh long sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hợp đồng chưa được ký lại nên thanh long nhà ông Trung cũng tùy thuộc vào giá thị trường. Hai tấn thanh long đang độ chín vẫn ở trên cây "chờ giá".

Trước đây, thanh long là cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Giá thanh long luôn ở mức từ 20.000-50.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận cao, nhiều người làm giàu nhờ trồng thanh long. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá loại trái cây này xuống thấp và khá bấp bênh. Sau 2 năm bù lỗ, nông dân gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển thanh long.

Lệ thuộc thị trường tiêu thụ

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân cho biết, thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh mặt hàng này, những quốc gia khác xuất khẩu rải rác nhưng hiện tại còn nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của mỗi quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn do thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Tại thị trường trong nước, thanh long ít được ưa chuộng, việc sản xuất những sản phẩm từ trái thanh long còn nhỏ, lẻ, hạn chế về máy móc sản xuất.

Từ cuối năm 2021, Trung Quốc ban hành lệnh 248 về Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, gây ra không ít áp lực cho việc xuất khẩu nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng. Trong đó, Lệnh 249 chú trọng thắt chặt quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm.

Những yêu cầu trên khiến việc xuất khẩu thanh long gặp một số khó khăn nhất định và đặt ra yêu cầu về việc sản xuất thanh long sạch, đạt các tiêu chuẩn theo Lệnh 249. Trên thực tế, phía Trung Quốc đã áp dụng kiểm tra trực tuyến một số thông tin nhằm đưa thanh long của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch, hướng đến sản xuất, tiêu thụ bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là phải thay đổi từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, để phát triển cây thanh long bền vững, các địa phương triển khai nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, Long An thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hiện tại, tỉnh định hướng sản xuất thanh long công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh thị trường các nước châu Âu.

“Đạt tiêu chuẩn VietGAP thôi thì chưa đủ”

Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có gần 4.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 68,12% kế hoạch đến năm 2025. Tuy nhiên, việc sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao liệu có đủ đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính?

Để trái thanh long có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, buộc nông dân phải sản xuất theo quy trình, cho ra sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng của quốc gia nhập khẩu. Các thị trường càng khó tính, giá bán càng cao và yêu cầu cũng khắt khe hơn.

Từng ký hợp đồng với một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,... Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn gần như nắm rõ yêu cầu của từng thị trường. 

Ngoài việc bảo đảm chất lượng trái thanh long, một số thị trường còn đặt yêu cầu về cân nặng, mẫu mã,... Tùy thuộc vào từng yêu cầu cụ thể, thành viên HTX có định hướng sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, tối thiểu trái thanh long phải đạt chuẩn GlobalGAP, đó là nền tảng đầu tiên để HTX có thể “đặt vấn đề” hợp tác cùng DN.

Nhiều nông dân tại ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành tham gia tổ hợp tác liên kết sản xuất thanh long sạch.

Từ sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhiều hợp đồng xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản, Hàn Quốc của HTX không thể tiếp tục. Ông Sơn cho biết, HTX đang trong giai đoạn đàm phán để ký hợp đồng với một DN bao tiêu đầu ra cho sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP.

Tại huyện Châu Thành, hiện nay, diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 641,31ha và 323ha được cấp giấy chứng GlobalGAP, đây là con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích thanh long của huyện là 6.846,85ha.

“Hiện HTX cho thử nghiệm trên 110ha. Sau đợt trái này, nếu đạt yêu cầu của DN thì mới có thể ký hợp đồng và nghĩ tới việc mở rộng sản xuất. Theo tôi, muốn bán được cho thị trường khó tính thì trước hết phải đạt chuẩn GlobalGAP, rồi sau đó, DN yêu cầu thêm gì thì làm theo. Thanh long đạt chuẩn VietGAP thì chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước hoặc một số DN thu mua để chế biến nhưng vẫn không được nhiều” - ông Sơn nói.

Rời xã Dương Xuân Hội, chúng tôi đến xã Long Trì, huyện Châu Thành gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Long Trì - Nguyễn Văn Vĩnh. Theo ông Vĩnh, hiện HTX có 26,3ha thanh long đạt chuẩn VietGAP nhưng chưa tìm được đầu ra, chủ yếu nông dân phải bán theo giá thị trường. Chỉ khoảng 2ha đạt chuẩn GlobalGAP tìm được đầu ra với mức giá cao và ổn định.

Ông Vĩnh chia sẻ: “Trong HTX có 3 hộ dân trồng thanh long đạt chuẩn GlobalGAP và hầu như không hề lo về giá. Mặc dù không bao tiêu đầu ra nhưng mức giá DN thu mua luôn cao hơn so với giá thị trường. Tôi vừa bán một đợt thanh long với giá 30.000 đồng/kg (cùng thời điểm, giá thanh long trên thị trường đang ở mức dưới 10.000 đồng/kg). Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều công sức và nắm rõ kỹ thuật mới có được sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng.

“GlobalGAP được hay không là do doanh nghiệp”

“Nông dân ở Hội quán rất đồng lòng làm thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay bất cứ tiêu chuẩn nào cũng sẵn sàng. Chỉ yêu cầu là có DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi chắc chắn làm được” - Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Trương Minh Trung khẳng định.

Trước đây, khi ký được hợp đồng, thành viên Hội quán từng sản xuất thanh long đạt chuẩn, đủ số lượng theo yêu cầu để DN xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Trung cam kết, khi đã tham gia Hội quán, tất cả thành viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cũng như “nói không” với việc “tuồn” hàng ra ngoài khi giá thị trường cao hơn giá cam kết. Tuy nhiên, hiện nay, do không còn ký được hợp đồng nên nhiều thành viên Hội quán có xu hướng trở về phương pháp trồng thanh long truyền thống.

Ông Trương Minh Trung có sẵn cơ sở vật chất: Kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hố chứa rác thải thông thường, hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật,… phục vụ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ông Trung chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi từng làm việc với DN nên đã có sẵn nền tảng từ cơ sở vật chất đến quy trình, kỹ thuật,... chỉ cần ký được hợp đồng là chúng tôi bắt tay vào sản xuất theo yêu cầu. Có DN lo đầu ra ổn định thì vất vả mấy nông dân cũng theo. Sản xuất thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được hay không là do DN”.

Ngoài kỹ thuật và chi phí thường xuyên, việc sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP gắn liền với yêu cầu sản phẩm có giấy chứng nhận đạt chuẩn. Lệ phí để được thẩm định, cấp giấy chứng nhận không hề nhỏ và giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP hết hiệu lực trong một thời gian nhất định. Những chi phí này thông thường do DN hỗ trợ cho nông dân khi họ ký hợp đồng bao tiêu. Điều đó vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí lại ổn định được đầu ra.

Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân - Phan Thanh Sơn nói: “Việc làm giấy chứng nhận GlobalGAP khoảng 5 triệu đồng/ha, thường chỉ có HTX hoặc DN mới đủ chi phí để làm chứ nông dân thì rất khó. Chỉ cần có DN cam kết bao tiêu đầu ra thì việc sản xuất GlobalGAP không quá khó đối với nông dân”.

Điều nông dân mong mỏi và trông đợi nhất khi sản xuất thanh long sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP chính là đầu ra sản phẩm, cụ thể là việc bao tiêu ổn định, lâu dài, uy tín của DN. Do yêu cầu của mỗi thị trường khác nhau và khác hẳn với yêu cầu của thị trường phổ thông nên uy tín và cam kết của DN mang tính quyết định trong việc sản xuất của nông dân. Trước đây, có một vài trường hợp sau khi ký hợp đồng, DN gặp khó khăn và “bỏ chạy” khiến nông dân không thể bán được, hoặc bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Hỗ trợ người trồng thanh long

Trong một buổi đối thoại với người dân vào giữa năm 2022, Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng kêu gọi người trồng thanh long đừng chuyển sang cây trồng khác. Ông phân tích, so với các loại cây trồng khác, thanh long vẫn là cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao nếu đáp ứng đúng các yêu cầu của DN thu mua, cụ thể là sản xuất thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Nhằm giúp nông dân có điều kiện tái sản xuất thanh long, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện dễ dàng, nhanh chóng khi có nhu cầu.

Huyện đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc trồng lại các vườn thanh long già cỗi, hư hại cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương còn nỗ lực kết nối nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long.

Trước đây, cây thanh long làm "thay da, đổi thịt" nhiều địa phương, nhiều hộ dân giàu lên nhờ cây thanh long.

Cuối năm 2022, UBND huyện Châu Thành tăng nguồn vốn ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong năm 2023 lên 10 tỉ đồng; đồng thời, vận động mạnh thường quân gửi ủy thác thêm 5 tỉ đồng nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình tái sản xuất thanh long. Ngoài ra, huyện còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ, tư vấn người dân trồng mới thanh long, chú trọng về kỹ thuật khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh tại các vườn bị bệnh nặng, quy trình canh tác hữu cơ, quy hoạch nâng cấp lại vườn thanh long theo hướng chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa,...

Việc hỗ trợ nông dân liên kết với DN, đăng ký mã số vùng trồng, ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh, hướng đến nền sản xuất hiện đại, kết hợp khai thác du lịch sinh thái,... cũng được địa phương chú trọng.

Sở NN&PTNT tiếp tục tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người trồng thanh long sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và các thiết bị phục vụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng sạch...; đồng thời, tập trung các giải pháp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành.

Hiện tỉnh triển khai in ấn và cấp 140.000 tem cho 4 tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long huyện Châu Thành, gồm: Hiệp hội Thanh long Long An, HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long, HTX Thanh long Dương Xuân, HTX Thanh long Tầm Vu.

Giải quyết đầu ra

Nhằm giải quyết khó khăn do Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc, tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long, Sở NN&PTNT phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật triển khai các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói và quản lý mã số vùng trồng cho các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân thông tin, việc tạo ra những sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là hướng đi đúng đắn nhằm tìm thêm đầu ra cho trái thanh long. Điều này không những giải quyết vấn đề tiêu thụ trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho trái thanh long Châu Thành.

Đa dạng sản phẩm từ trái thanh long.

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ trái thanh long như rượu vang thanh long, si rô thanh long, thanh long sấy, dầu hạt thanh long và sản phẩm lưu niệm làm từ hạt thanh long,...

Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu thanh long do anh Trần Quốc Trọng (xã Long Trì, huyện Châu Thành) làm giám đốc là một trong những công ty tiên phong trong việc đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long. Anh Trọng cho biết, cứ 5 tấn thanh long sẽ cho ra 1.000 lít rượu thanh long. Ngoài ra, công ty còn làm mứt thanh long, son môi và nước hoa khô từ dầu hạt thanh long.

Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm thanh long sấy như Cơ sở Sản xuất, kinh doanh Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành); Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cũng góp phần đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long. Thanh long sấy dẻo, thanh long sấy giòn là những sản phẩm đang được kỳ vọng làm gia tăng chuỗi giá trị trái thanh long.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long, ngoài các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái thanh long tươi.

Tuy nhiên, những nỗ lực hỗ trợ người trồng cũng như tìm đầu ra cho trái thanh long hiện tại vẫn khá khiêm tốn so với quy mô trồng thanh long của tỉnh và chưa thể giúp người dân yên tâm sản xuất. Việc dừng lại hay tiếp tục sản xuất thanh long vẫn là câu hỏi khó trả lời của nông dân.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có lộ trình để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; làm tốt dự báo cung - cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng; giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới; coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Theo baolongan.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tập trung nhiều giải pháp, kỳ vọng bứt phá từ sản xuất vụ đông

    Tập trung nhiều giải pháp, kỳ vọng bứt phá từ sản xuất vụ đông

    Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp, bởi sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân, ngành Nông nghiệp các địa phương đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sản lượng và chất lượng cây trồng.

  • “Cây kinh tế” của bản làng Xa Phó

    “Cây kinh tế” của bản làng Xa Phó

    Từ cây chuối, đồng bào Xa Phó ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn (Bảo Yên - Lào Cai) đã đa dạng hóa sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường

    Để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường

    Trước sự mở rộng của chương trình OCOP trong thời gian gần đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu đang là nỗi trăn trở của hầu hết doanh nghiệp. Đâu là giải pháp để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường.

Top