Trong suốt chiều dài lịch sử, các triều đình phong kiến nước ta đã chăm lo đến việc bảo vệ và thực thi chủ quyền và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo của mình, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kỳ 1: Khí phách và Linh thiêng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ngay từ truyền thuyết, việc Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển đã cho thấy tổ tiên ta không chỉ gắn bó với đất liền mà còn gắn bó với biển đảo.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các triều đình phong kiến nước ta đã chăm lo đến việc bảo vệ và thực thi chủ quyền và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo của mình, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
9 giờ ngày 29/4/1975, Cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Ảnh: T.L
Chiến thắng trọn vẹn
Theo tài liệu, 17 giờ 30 phút ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện đặc biệt cho Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V và Bộ tư lệnh Hải quân với nội dung: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V, Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng Quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Ngay sau đó, ngày 5/4/1975, Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản, giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước. Đây được coi là cánh quân thứ sáu trong Mùa xuân toàn thắng, thu non sông về một khối.
Giải phóng quần đảo Trường Sa, một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước.
Ngày 11/4/1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng. Rạng sáng 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng. Tiếp đà chiến thắng, 3 giờ ngày 25/4, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27/4, ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 20 phút ngày 28-4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Đến 9 giờ ngày 29/4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
Đúng 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Giải phóng Trường Sa góp phần vào thắng lợi vĩ đại trọn vẹn của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thu non sông đất nước về một mối.
Trong suốt 48 năm qua, để giữ Trường Sa vững vàng trước sóng gió, "những người nằm lại phía chân trời" không chỉ riêng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Tính từ 1975 tới năm 2010, đã có 166 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.
Quần thể khu tưởng niệm Gạc Ma.
Khí phách Việt Nam
Để “đặt được chân” vào khu vực Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai chiến dịch quân sự ngay từ đầu năm 1988, đồng thời với một loạt các động thái trên phương diện thông tin tuyên truyền, ngoại giao, pháp lý… diễn ra trước, trong và sau chiến dịch này nhằm biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực của họ… Cụ thể là: ngày 31/1/1988, họ đã chiếm đá Chữ Thập; ngày 18/2, chiếm đá Châu Viên; ngày 26/2/1988, chiếm đá Gaven; ngày 28/2, chiếm đá Huy gơ; ngày 23/3 chiếm đá Xu bi…
Không dừng lại ở những vị trí chiếm đóng bất hợp pháp nói trên, Trung Quốc tiếp tục chiến trên khu vực 3 đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, gây ra sự kiện 14 tháng 3 đẫm máu.
Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã huy động một liên đội tàu chiến gồm 9 đến 12 tàu chiến. Trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ. Ngoài ra, có tàu đo đạc, tàu kéo...
Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải, chủ yếu lực lượng Công binh Hải quân ra làm nhiệm vụ xây dựng đảo với 2 phân đội công binh gồm 70 người và 4 tổ chiến đấu. Các tàu vận tải của Việt Nam gồm HQ - 604, HQ - 505, HQ - 605, đều là những tàu không trang bị vũ khí, ngoại trừ những khẩu AK của các chiến sỹ công binh để tự vệ khi cần thiết.
Khi buộc phải nổ súng để tự vệ, các chiến sĩ công binh, bằng sức mạnh của lòng yêu nước, không tiếc máu xương, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ vùng trời, vùng biển, vùng đất thiêng của cha ông để lại, giữ vững ngọn cờ vẻ vang của Tổ quốc, hiên ngang tung bay giữa trùng khơi sóng gió…
Trong trận chiến không cân sức này, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương. Máu và thân xác các anh đã hòa vào biển nhưng sự hy sinh anh dũngcủa các anh, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là thiên anh hùng ca bất diệt.
Đó là khí phách Việt Nam!
Linh thiêng
Từ đó, không tàu nào của Việt Nam ta, đến khu vực cụm đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma không dừng lại làm lễ Tưởng niệm các anh. Lễ Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được tổ chức thành kính, trang nghiêm trên tất cả mọi con tàu. Đủ hương thơm, hoa tươi, lễ vật và cả ngàn hạc giấy. Hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh khi tay không vũ khí nhưng vẫn giữ cờ Tổ quốc và câu nói trước khi hy sinh “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo” của anh được ghi nhớ mãi.
Sau lễ tưởng niệm, những lễ vật, những bông hoa tươi và hạc giấy được thả xuống biển, gửi vào lòng biển lớn, như một cách tri ân và tỏ lòng thành kính đến hương hồn các anh, những người đã hy sinh thân mình vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong Hải trình của Đoàn công tác số 9, ngày 5/5 đến 10/5/2023, đồng chí Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn kể, trong 2 năm đại dịch Covid-19, không có đoàn công tác nào ra Trường Sa, có đêm, ông mơ thấy các anh. Các anh hỏi: Sao không thấy anh em mình đâu? Là Phó Tư lệnh Quân chủng nên ông có nhiều, rất nhiều chuyến ra Trường Sa. Ông cho biết: Không có Lễ Tưởng niệm nào không mưa, dù trước đó trời nắng chang chang.
Với tôi, đây là lần thứ hai được vinh dự đến Trường Sa. Lần đầu vào đầu tháng 5 năm 2014 trong đoàn công tác số 5 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi đó, trời mưa khá nặng hạt khi chúng tôi tổ chức Lễ Tưởng niệm.
Đúng như lời Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Lễ tưởng niệm của Đoàn công tác số 9 trưa ngày 7/5 cũng mưa to khi chúng tôi làm lễ. Các anh đã về chứng kiến lòng thành kính của những người con Việt Nam trước anh linh các anh!
Cầu mong các anh linh thiêng phù hộ cho Tổ quốc thịnh vượng, hòa bình, hạnh phúc.
Kỳ sau: Can trường vượt khó
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.