Hiện, diện tích rừng trồng của Tuyên Quang đạt trên 192.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha được cấp chứng chỉ FSC, sản lượng khai thác trên 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng duy trì trên 65%.
Ngày 28/10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh có thế mạnh về phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha), hàng năm tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…
Toàn cảnh tọa đàm.
Việc liên kết giữa các công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến gỗ và các hợp tác xã, nhóm hộ đã xây dựng được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Điển hình có Công ty Cổ phần giấy An Hoà có chính sách liên kết với hộ trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu giấy (đầu tư 21,097 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống cho 2.130 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trồng 3.860 ha rừng trồng sản xuất); Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được 18.017 ha rừng cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đó là yếu tố nền tảng để Tuyên Quang phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất rừng trồng bình quân đạt thấp (75 -80 m3/ha), thu nhập từ nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của người trồng rừng thấp, chủ yếu là trồng rừng gỗ nhỏ chưa chú trọng đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đây là nút thắt lớn dẫn đến người dân chưa thực sự mặn mà trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên phát biểu tại buổi tọa đàm.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, nhằm thay đổi tư duy nhận thức của nông dân trong việc phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số đơn vị triển khai thực hiện các hoạt động khuyến lâm trên địa bàn tỉnh về đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới về lĩnh vực lâm nghiệp, thông tin tuyên truyền các mô hình lâm nghiệp đạt hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng... để nhân dân áp dụng học tập và làm theo.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa là một trong ba khâu đột phá; phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển trong giai đoạn mới. Nhiều giải pháp đã được đặt ra để tỉnh phấn đấu sẽ trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng trong thời gian tới và là một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại tọa đàm.
Để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và giúp nâng cao đời sống của người trồng rừng. Như, hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng, đồng thời tạo điều kiện để các hộ dân chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế dưới tán rừng... Hiện, Tuyên Quang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng, với tỷ lệ che phủ trên 65%. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tuyên Quang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ, trong đó Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm (lớn nhất cả nước) và nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3...
Sản xuất lâm nghiệp bền vững của tỉnh đã tạo và giải quyết hàng vạn việc làm cho người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã tạo ra nguyên liệu, là đầu vào của rất nhiều ngành công nhiệp như: Chế biến gỗ, sản xuất giấy, sản xuất bột giấy, dăm gỗ, ván bóc, viên gỗ nén… Sản xuất lâm nghiệp cũng đã giúp cho hàng vạn hộ gia đình có cuộc sống ổn định, trong đó có hàng ngàn hộ có thu nhập từ 500 triệu đến vài tỷ đồng từ nguồn lợi mà rừng mang lại.
Tại buổi tọa đàm nhiều nội dung liên quan tới phát triển kinh tế rừng được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông và các cơ quan, đơn vị trao đổi, làm rõ.
Ông Hùng cho biết, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch...; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Để phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định, bền vững, tạo ra những khu rừng có chất lượng cao, năng suất vượt trội, từng bước tạo được vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung có chất lượng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, hệ thống khuyến nông Tuyên Quan đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh: Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2021; kết quả sau 4 năm thực hiện chính sách có 3.160 hộ gia đình được nhận hỗ trợ 7.077.955 cây giống, tương đương diện tích 4.560,78 ha. Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/ 2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025,... |