Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có công việc ổn định với thu nhập khá cao, thế nhưng, Nguyễn Lê Ngọc Linh (dân tộc Thổ) ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân, Thanh Hóa) quyết định về quê, hồi sinh những cánh rừng thành mô hình nông nghiệp - kinh tế rừng bền vững.
Khởi nghiệp từ quả đồi “3 không”
Với mong muốn thay đổi cuộc sống và tạo thêm sinh kế mới cho đồng bào dân tộc Thổ tại địa phương, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990) đã thực hiện thành công mô hình “Vườn rừng bản Thổ”.
Trò chuyện với chúng tôi về câu chuyện khởi nghiệp, chị Linh chia sẻ: Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi được tuyển vào làm việc cho một công ty tại Hà Nội với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vốn sinh ra ở vùng miền núi, nên có niềm đam mê với núi rừng từ nhỏ, cùng với đó là những khó khăn, vất vả của người dân bản đã thôi thúc trong tôi ý tưởng lập nghiệp trên chính mảnh đất này.
Các sản phẩm mật ong lên men do HTX Bản Thổ sản xuất và đang cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sau đó, chị bắt đầu lên mạng tìm kiếm các hội nhóm về nông nghiệp rồi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, cách thức làm nông nghiệp bền vững. Không chỉ qua sách vở, báo chí, tận dụng thời gian nghỉ trong tuần, chị còn tìm tới các hội thảo về nông nghiệp; đi thăm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Cuối năm 2019, tuy bị bạn bè và người thân trong gia đình phản đối nhưng chị vẫn quyết định bỏ phố về quê thực hiện ý tưởng của mình. Những ngày đầu khởi nghiệp, 3ha đất mượn của bố mẹ chỉ là quả đồi trọc 3 không (không đường, không điện, không nước), rất khó khăn.
Mặc dù sinh ra ở miền núi, nhà làm nông nhưng do tập trung vào công việc học tập, sau đó đi làm nên chị thiếu trải nghiệm thực tế. Đó là thách thức, khó khăn bước đầu đối với chị, buộc chị phải nỗ lực cố gắng từng ngày để tích luỹ thêm kiến thức, kinh nghiệm.
“Những bước đầu thực hiện mô hình, nơi mình chọn làm ý tưởng là vùng đất đồi, cách xa làng… Đưa vật liệu từ làng ra xây dựng căn chòi đầu tiên để trông coi, trồng trọt phải đi bộ 2km… Thực sự rất khó khăn, không biết sức mạnh nào giúp mình làm được như thế. Nếu thời điểm hiện tại, mình sẽ không chọn vùng đất như vậy để làm”, Linh nhớ lại.
Toàn cảnh mô hình “Vườn rừng bản Thổ” nhìn từ trên cao.
Mô hình nông nghiệp bền vững
Hiện nay, “Vườn rừng bản Thổ” nằm giữa quả đồi 6ha tại thôn Thanh Xuân, mô phỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán với nhiều giống cây rừng bản địa như lim, dẻ, dổi, mắc khén… Ở đó, sinh kế được đảm bảo mà không cần chặt hạ cây rừng nào. Không hủy hoại sức khỏe của bản thân và cả hệ sinh thái bởi không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học mà năng suất cây trồng vẫn đạt cao.
Chia sẻ về hướng đi của mình, chị Linh cho hay, sẽ hướng tới hồi sinh những cánh rừng; xây dựng, phát triển hệ sinh thái thực phẩm với chuỗi giá trị nông sản và dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái; tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, sức khoẻ cho người dân địa phương.
“Mô hình vườn rừng sẽ hình thành theo hệ sinh thái rừng tự nhiên. Nghĩa là rừng được trồng các loại cây đa dạng để tạo nên hệ sinh thái đa tầng tán trên cùng diện tích canh tác, từ cây gỗ lớn, cây ăn quả đến cây cỏ… Từ đó, người dân có thể sử dụng tối đa năng lượng mặt trời và thu hoạch được nhiều vụ trên cùng diện tích, đa dạng nguồn thu. Mô hình này còn giúp đất đai được cải tạo độ phì nhiêu, giữ được nước và độ ẩm, chống xói mòn”, chị lý giải.
Đến giữa năm 2021, khi thấy những tín hiệu tích cực từ dự án vườn rừng của mình, chị đã thành lập Hợp tác xã Bản Thổ để nhân rộng và liên kết với các hộ nông dân xung quanh trồng vườn rừng và mở rộng diện tích ra những vùng đồi trọc, trồng độc canh keo, cao su.
Một góc “Vườn rừng bản Thổ” về đêm.
Từ thành công bước đầu với vườn rừng, để có thể duy trì được mô hình này, tạo sinh kế bền vững cho gia đình và người dân địa phương thì không thể chỉ dựa vào các sản phẩm thu được từ cây rừng vì giá trị không cao. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, Ngọc Linh quyết định làm sản phẩm mật ong.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang hương vị núi rừng, chị tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mật ong lên men. Đến nay, sản phẩm mật ong của “Vườn rừng bản Thổ” có 5 loại chính, đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Mật ong lên men này cũng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Không dừng lại ở đó, để phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp hàng trăm gia đình trong vùng có thu nhập ổn định. Chị cùng 5 thành viên trong Hợp tác xã Bản Thổ tiếp tục mở rộng liên kết trồng cây dược liệu và nuôi ong ven rừng phòng hộ, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới cung cấp cho thị trường.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, năm 2020, mô hình “Vườn rừng bản Thổ” của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh đoạt giải Đặc biệt trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn”. Năm 2021, đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”... Năm 2022, chị vinh dự là 1 trong 32 đoàn viên, thanh niên nông thôn tiêu biểu với ý chí vươn lên làm giàu và đạt thành tích cao, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét chọn và trao giải thưởng Lương Định Của - đây là phần thưởng cao quý dành cho “Nhà nông trẻ” tiêu biểu, xuất sắc.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.