Mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong (Giao Thủy-Nam Định) là một trong 9 mô hình trên cả nước vừa được Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt vào danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng: UBND tỉnh Nam Định đã nhận được văn bản Quyết định số 969/QĐ-BNN-VPĐP ngày 16/3/2023 của Bộ NN và PTNT, về việc phê duyệt danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 (Đợt 1).
Xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xã Giao Phong đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhận dip đón Bằng NTM kiểu mẫu năm 2022.
“Trong 9 mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thực hiện vừa được Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt, tỉnh Nam Định có 1 mô hình là mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong, huyện Giao Thủy”, ông Trần Anh Dũng cho biết.
Cụ thể, theo nội dung văn bản quyết định, 9 mô hình được Trung ương chỉ đạo thí điểm ở nhiều vùng miền trên cả nước, bao gồm:
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong (địa điểm thực hiện xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; thời gian thực hiện 2023-2025);
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Tức Tranh (địa điểm thực hiện xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, thời gian thực hiện 2023-2024);
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Quảng Thọ (địa điểm thực hiện xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; thời gian thực hiện 2023-2024);
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Hòa Đồng (địa điểm thực hiện xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; thời gian thực hiện 2023-2024);
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Thoại Giang (địa điểm thự hiện xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; thời gian thực hiện 2023-2025);
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Mỹ Lộc (địa điểm thực hiện xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; thời gian thực hiện 2023-2025);
Mô hình xã thương mại điện tử Phúc Hòa (địa điểm thực hiện xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; thời gian thực hiện (2023-2024);
Mô hình xã thương mại điện tử Mỹ Xương (địa điểm thực hiện (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; thời gian thực hiện 2023-2025);
Mô hình xã thương mại điện tử Tân Mỹ Chánh (địa điểm thực hiện xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; thời gian thực hiện 2023-2024).
Theo quyết định phê duyệt, nguồn vốn thực hiện 9 mô hình thí điểm trên cùng bao gồm ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
“Căn cứ vào danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 và hướng dẫn của Bộ NN và PTNT, UBND các tỉnh chỉ đạo lập dự án/kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định”, quyết định của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nêu.
Xã Giao Phong nằm ở phía tây nam huyện Giao Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 12 km, giáp với Khu du lịch biển Quất Lâm. Xã rộng 756,6 ha, có 2.467 hộ, 6.835 khẩu, sinh sống ở 11 xóm.
Năm 2022, xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (nổi trội về lĩnh vực giáo dục).
Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Xã hiện chỉ còn dưới 1/% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Quá trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí kiểu mẫu, xã Giao Phong đã huy động 196.663 triệu đồng để thực hiện.
Báo cáo đề xuất mô hình thời điểm cuối năm 2022 của Sở NN và PTNT Nam Định cho biết liên quan đến chuyển đổi số xã Giao Phong đã đạt một số kết quả trong thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Trong đó, xã có 1 điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 82,1%; có 11/11 xóm trong xã có hệ thống loa hoạt động thường xuyên; có 11/11 xóm trong xã có các hộ gia đình thu xem được 1 trong các phương thức truyền hình vệ tinh, số mặt đất, truyền hình qua mạng Internet; có 2 điểm cung cấp xuất bản phẩm
Xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, kết quả số hóa thủ tục hành chính (TTHC), kết quả thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4… của xã đạt cao.
Xã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, 100% sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.
Xã đã triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở 8 điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,...). Có mạng wifi miễn phí tại bộ phận Một cửa của UBND xã, Trạm Y tế xã, đường truyền kết nối Internet băng thông rộng tốc độ từ 100 Mbps trở lên, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác an toàn, an ninh thông tin theo quy định hiện hành. Tại các trường học, nhà văn hóa xóm, điểm Bưu điện văn hóa xã đều có mạng wifi miến phí.
Sản phẩm chủ lực của xã là khoai tây với diện tích 32,4 ha. Xã triển khai ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng theo quy định. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 12%.
Xã đã triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 95%.
Theo Sở NN và PTNT Nam Định, việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có thuận lợi là Chương trình chuyển đổi số được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng.
Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng được công tác chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng tương đối cao.
Khó khăn là nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế; người dân vẫn còn chưa nhận thức rõ, chưa quan tâm nhiều trong việc tiếp cận các tiện ích, các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, số lượng công dân tự khai thác, sử dụng còn ít. Do chuyển đổi số là lĩnh vực có nhiều nội dung mới, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh của những người lớn tuổi còn hạn chế; công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 nêu quan điểm: “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: (i) Phát triển chính quyền số ở nông thôn; (ii) Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (iii) Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn. Quyết định đồng thời nêu ra mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh”. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.