Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 8 năm 2023 | 10:56

Xây dựng Đồng Tháp thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp

Trong buổi làm việc với mới đây với tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Quy mô kinh tế vượt 100.000 tỷ đồng

Đồng Tháp có vị trí chiến lược đối với vùng ĐBSCL, với diện tích 3.382 km² (thứ 40/63 cả nước), có 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia. Diện tích đất phù sa lớn, trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Có nhiều làng nghề đặc thù địa phương (45 làng nghề được công nhận); được coi là "không gian ẩm thực miền Tây". Hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều quốc lộ và giao thông đường thủy. Tiềm năng du lịch với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng; hệ sinh thái đa dạng với nhiều rừng đặc dụng và các vùng đất ngập nước.

Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 trong khu vực ĐBSCL (hơn 3 triệu tấn mỗi năm).

Tỉnh đã xác định rõ mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững; phát triển dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; chăm lo nguồn nhân lực, coi yếu tố con người là quan trọng nhất. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi với 15 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Đồng Tháp, thời gian qua tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%; quy mô kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vượt qua mốc 100.000 tỷ đồng, xếp thứ 5/13 vùng và 29/63 cả nước. GRDP bình quân năm 2023 ước đạt 68,83 triệu đồng/người (năm 2022 là 62,1 triệu đồng/người). Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,89%.

Trong 6 tháng năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 6,96%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.671 tỷ đồng, tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14%; du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, loại hình du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh.

Những năm qua, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả (lúa, cá tra, hoa cảnh, sen...). Trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn mỗi năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất (khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn); sản lượng cá tra xếp thứ nhất (trên 500.000 tấn, xuất khẩu sang 134 quốc gia, kim ngạch khoảng 900 triệu USD). Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm. Có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 94,78% số xã.

Đến nay, Đồng Tháp đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đang thực hiện các thủ tục trình phê duyệt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tăng mạnh (33,7%). Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 50,38%; tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia được thúc đẩy; đã khởi công, khẩn trương thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1; triển khai dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 3...

Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (đạt 73,92%); thúc đẩy chuyển đổi số và điều hành thông minh; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2022 xếp 5/63). Tăng cường các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh với nhiều mô hình phong phú; triển khai xây dựng không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong 7 tháng thu hút được 10 dự án (trong đó có 3 dự án FDI) với tổng vốn 6.319 tỷ đồng; có 380 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.060 tỷ đồng.

Diện mạo đô thị, nông thôn nhiều đổi mới theo hướng hiện đại. Tỉnh phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; làm tốt công tác đối ngoại, nhất là với các địa phương của Campuchia.

Với những kết quả nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đạt được thời gian qua, đã góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Đồng Tháp đã tích cực triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Xây dựng Đồng Tháp thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu

Theo Thủ tướng Chính phủ thời gian tới, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra cho cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, phát huy những mặt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Sản phẩm Hạt sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Huy Đồng Tháp đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia”.

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng Đề án tổng thể để triển khai định hướng này.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ cao; năng lượng tái tạo. Đổi mới tư duy theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, không khép kín, đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, chuỗi sản xuất mới phù hợp tình hình. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm đặc trưng, đặc thù (điểm du lịch nông nghiệp…).

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, không ỷ lại; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, chiến lược, lâu dài (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa), đồng thời coi trọng nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định nguyên tắc, mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực... Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Diện tích trồng xoài của đồng tháp đạt khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn.

Trước những đề xuất, kiến nghị của Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể, trên tinh thần ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, trên cơ sở Đề án chung về xây dựng Đồng Tháp thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười tại tỉnh Đồng Tháp, kết nối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ; chủ trương xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp với yêu cầu khẩn trương lập dự án cụ thể, triển khai căn cơ, bài bản; chủ trương thành lập Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số khu vực ĐBSCL đặt tại tỉnh Đồng Tháp.

Thủ tướng cũng đồng ý chấp thuận cho tỉnh quy hoạch phát triển 1.300 MW điện mặt trời (dự án điện mặt trời nối lưới) trong Quy hoạch điện VIII của quốc gia và đề nghị tỉnh phát triển mạnh hơn lĩnh vực này. Trên cơ sở quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tính toán, đề xuất cụ thể để triển khai chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn; đồng thời xây dựng dự án cụ thể để nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nhằm rút ngắn cự ly vận chuyển từ sông Tiền qua sông Hậu và từ sông Tiền đến cảng Cần Thơ…Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận xem xét, bổ sung đầu tư mới hệ thống đường gom Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, với nền tảng và động lực mới, có thể kỳ vọng Đồng Tháp ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước Tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước; tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế như thủy sản, trái cây, lúa gạo…; trở thành một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top