Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 5 năm 2023 | 14:55

Xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023 và đến hết năm 2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị...

73,2% xã đạt chuẩn NTM

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đến hết tháng 4/2023, các bộ, ngành Trung ương đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành 115 văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xây dựng NTM.

Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương đã đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền giao cụ thể cho các địa phương.

Đến tháng 4/2022, cả nước có 6.009/8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021); 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 45 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm 40,1% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Một số xã có nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM

Báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác với Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, tính đến hết năm 2022, hệ thống văn bản từ Trung ương đến địa phương được ban hành khá lớn từ Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, văn bản chỉ đạo…, tạo cơ sở pháp lý quan trọng triển khai thực hiện Chương trình.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí của Chương trình MTQG xây dựng NTM, Tổ công tác đánh giá một số tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 như tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, tiêu chí số 16 về văn hóa; một số tiêu chí gần đạt được mục tiêu như: tiêu chí số 3 về thủy lợi, tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông... Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí thành phần được đánh giá là cần phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành như: tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đánh giá, kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM các vùng miền cũng cho thấy còn có sự chênh lệch lớn gữa các vùng miền. Trên thực tế, đa số các tỉnh khi áp dụng Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung bổ sung mới, yêu cầu đạt chuẩn từng tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn giai đoạn 2016 -2020 thì phần lớn các xã đều bị tụt tiêu chí.

Một số xã không đảm bảo duy trì các tiêu chí đạt chuẩn, nhất là các xã khó khăn, do đó, có nguy cơ cao bị thu hồi quyết định công nhận xã NTM. Hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM  ở miền núi, thuộc diện đặc biệt khó khăn nên khả năng hoàn thành mục tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tiêu chí thu nhập, tiêu chí nghèo đa chiều.

Có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025 vì  thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức...).

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát khẳng định, Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai tương đối nề nếp, có tầm nhìn mới hơn, tốc độ triển khai ở cơ sở hiệu quả hơn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, có nhiều nét mới trong triển khai chương trình, nhất là xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình mới.

Xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”

Về một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình năm 2023 và đến hết năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xây dựng NTM; để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và đến hết năm 2025 theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình…

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề; đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội phê duyệt, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top