Các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) sẽ được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.
Ký kết Biên bản Hợp tác Xây dựng Chương trình: "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP''. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Chiều 14/8, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiki (Sàn Thương mại Điện tử Tiki) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Xây dựng Chương trình: "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP", "Thương hiệu Nông sản Cần Giờ," "Sàn Giao dịch thịt lợn Thành phố Hồ Chí Minh."
Tại sự kiện, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là chuỗi hoạt động nhằm triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Chuỗi hoạt động này cũng là một trong những sự kiện cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2023-2025; phát huy vai trò của thành phố trong thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng bền vững.
Các bên tham gia ký kết sẽ phối hợp cùng nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)... quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.
Các bên sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp cải tiến mô hình quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên môi trường thương mại điện tử ở cấp độ địa phương cũng như từng bước nhân rộng ra thị trường trong và ngoài nước.
Trong nội dung ký kết, các bên cam kết hợp tác đẩy mạnh chia sẻ thông tin phù hợp về danh mục sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương liên kết vùng.
Song song với đó, các bên liên kết nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết, nhu cầu, thị hiếu, rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm mua sản phẩm OCOP.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hiện tại, chính quyền địa phương và các sở, ngành cùng doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử… đã và đang chủ động rà soát tiềm năng sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn thành phố như yến sào, xoài, cua, muối, mật dừa nước, khô cá dứa, bưởi da xanh, các sản phẩm OCOP… Qua đó, địa phương cũng xác định yến sào Cần Giờ là một trong những sản phẩm có tiềm năng lớn nhất và phù hợp thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ thúc đẩy xây dựng sàn giao dịch thịt lợn không nằm ngoài mục tiêu tái cơ cấu và chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất mặt hàng thịt lợn; hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Sàn giao dịch thịt lợn thành phố sẽ phát triển trên cơ sở hạ tầng của sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, gồm: hệ thống giao dịch, thanh toán; trung tâm thanh toán bù trừ, giao nhận hàng hóa; cung cấp thông tin thị trường, giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn quốc tế...
Đại diện một số tỉnh, thành phố, hiệp hội cũng đánh giá việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP," "Thương hiệu Nông sản Cần Giờ," "Sàn Giao dịch thịt lợn Thành phố Hồ Chí Minh" sẽ mở ra bước khởi đầu quan trọng trong xây dựng và thúc đẩy phát triển thương hiệu sản phẩm nói chung và sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành phố nói riêng.
Ngoài ra, các bên tham gia sẽ khai thác lợi thế từng bên để góp phần định vị giá trị thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm mua sắm hiện đại của cả nước và khu vực./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.