Nhìn lại chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi người dân xứ Nghệ đều cảm nhận rõ những đổi thay kỳ diệu ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư.
Với nhiều mục tiêu và kế hoạch đề ra, Chương trình xây dựng NTM năm 2023 ghi nhận nhiều điểm sáng góp phần nâng cao đời sống và đẩy mạnh phát triển kinh tế ở Nghệ An, trở thành những miền quê đáng sống.
Những con số biết nói
Nghệ An đã triển khai có hiệu quả, có điểm nhấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp” vẫn là nội dung mang tính trọng tâm, cốt lõi được các cấp, ngành thực hiện xuyên suốt, đồng bộ trong năm 2023, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đã đạt được nhiều thành công. Bộ mặt làng quê có những đổi thay tích cực, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nghệ An, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến hết năm 2023 là 40,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%; 212 thôn/bản đạt chuẩn NTM; 485 sản phẩm được công nhận OCOP…
Ước lũy kế kết quả thực hiện trong năm 2023, Nghệ An có 313/413 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,61%); 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 27,59%); 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 3,76%); 10 đơn vị cấp huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương, huyện Diễn Châu, huyện Hưng Nguyên); bình quân cả tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã.
Thu nhập, đời sống người dân ở Nghệ An không ngừng được nâng cao.
Ở các huyện miền núi, đã có nhiều xã phấn đấu cán đích NTM một cách tự hào. Đầu tiên là xã Thạch Giám (Tương Dương), sau đó là nhiều địa phương khác như: Quế Sơn (Quế Phong), Châu Tiến (Quỳ Châu), Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) và một số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn của các huyện Tương Dương, Con Cuông… Để có được những thành công đó, trước hết là nhờ sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2023 của tỉnh Nghệ An dự kiến đạt 7 -7,3%, thu ngân sách ước đạt 17.771 tỷ đồng. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,55%…Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt chiếm tỷ lệ cao nhưng có xu hướng giảm dần diện tích nhưng tăng nhanh năng suất, hiệu quả kinh tế thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, trồng cam Xã Đoài, bí xanh, cà chua, rau xanh, lợn, gà...
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An có những chuyển biến tích cực. Nhiều trang trại công nghệ cao được xây dựng.
Song song với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu, ngành Nông nghiệp Nghệ An cũng chủ động tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời tích cực khâu nối, thu hút doanh nghiệp đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm và khai thác tối đa tiềm năng của đất.
Ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nghệ An, khẳng định, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, người dân luôn là chủ thể và là người thụ hưởng trực tiếp, do đó, Chương trình xây dựng NTM càng đi vào chiều sâu, thực chất. Mặc dù còn không ít khó khăn, song cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được những chỉ tiêu, tiêu chí đề ra. Tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao và chung sức đồng lòng của người dân, Nghệ An sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Lan tỏa phong trào thi đua
Trở ngại lớn nhất trong xây dựng NTM ở Nghệ An là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Do đó, ngay từ thời gian đầu triển khai chương trình, tỉnh xác định làm thế nào để cởi “nút thắt” tư tưởng trông chờ, ỷ lại chế độ, chính sách của Nhà nước. Để người dân thay đổi là một quá trình “mưa dầm thấm lâu” trong công tác tuyên truyền, vận động, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, thường xuyên. Nhờ vậy, đến nay, tư tưởng của đại đa số người dân đã được thông suốt, tích cực tham gia các phong trào đóng góp làm giao thông và các hoạt động khác. Có nhiều hộ dân sẵn sàng đóng hàng chục triệu đồng để làm đường bê tông, chưa kể đóng góp làm nhà văn hóa xóm…
Theo đó, phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTN” thực hiện năm 2023 tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực. Toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng người dân tích cực tham gia, thi đua lập thành tích trong thực hiện chương trình. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào và phổ biến đến cán bộ, đảng viên, hội viên. Các sở, ban, ngành tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn và lồng ghép các nội dung thực hiện đối với lĩnh vực ngành phụ trách trong Chương trình xây dựng NTM; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội thành viên chủ động phát động và thực hiện các phong trào gắn với xây dựng NTM trên toàn tỉnh; cộng đồng người dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tiền của,… trong thực hiện chương trình.
Những vườn cây trĩu quả mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân tỉnh Nghệ An.
Trong đó, Hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng NTM”; “Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch” và các hộ liền kề “Nhà sạch, vườn đẹp”.
Hội Nông dân, Hội Làm vườn đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, thực hiện Vườn chuẩn NTM; tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp cho hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; phối hợp với các đơn vị tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất.
Tỉnh Đoàn nổi bật với phong trào “Tuổi trẻ Nghệ An chung tay xây dựng NTM” và các hoạt động như “Thắp sáng đường quê”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thanh niên”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn”, “Xung kích giữ gìn an ninh trật tự địa bàn nông thôn”, “Tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng NTM”; “Xóa nhà dột nát, hỗ trợ hộ nghèo”…
Trong phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTM”, xuất hiện nhiều đơn vị tiêu biểu trong nỗ lực thực hiện chương trình. Đã có 116 tập thể và 116 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng NTM.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tin rằng, các xã được chọn sẽ “về đích” NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đúng hẹn. Đây sẽ là nền tảng để các địa phương phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần thành công trên lộ trình xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An theo đúng kế hoạch.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.