Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 10 năm 2023 | 14:13

Xây dựng sản phẩm OCOP: "Con đường" làm giàu hiệu quả

Chương trình OCOP đã đánh thức được nhiều sản phẩm tiềm năng, chủ lực của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Hội viên phụ nữ huyện Giao Thuỷ giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc.

Nam Định: OCOP “con đường” làm giàu hiệu quả

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ, hội viên, phụ nữ tỉnh đã phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp về phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương (sản phẩm OCOP), qua đó khẳng định sự nỗ lực, “bứt phá” của chị em trên con đường làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Những người yêu thích món nem nắm trong và ngoài tỉnh từ lâu đã biết đến thương hiệu “nem nắm con dâu bà Thành” của chị Nguyễn Thị Chiên, xóm 2, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). “Kế thừa” nghề gia truyền của gia đình chồng, ngay từ khi mới về làm dâu, chị Chiên đã nhanh chóng bắt tay vào học nghề. Từ những nguyên liệu đơn giản như thịt, thính, tỏi, nước mắm, ớt… qua bàn tay khéo léo của chị Chiên đã biến nem nắm trở thành một món ăn ngon, “đặc sản” của quê hương. Làm nem nắm, theo chị Chiên không quá khó nhưng để món ăn hấp dẫn, lôi cuốn được thực khách phải có những “bí quyết” riêng. Đối với sản phẩm “nem nắm con dâu bà Thành” các bí quyết gồm: chọn được thịt tươi ngon và cách chế biến thính sao cho dậy mùi. Đối với thịt, chị thường chọn mua phần thịt mông ngon nhất của con lợn, lọc riêng nạc và da. Phần thịt nạc sau đó được chị luộc chín tái, thái thớ to và mỏng, dùng sống dao dần cho thịt thật mềm. Đối với phần bì lợn, chị sơ chế sạch rồi luộc qua nước sôi. Nước sôi đều, chị Chiên nhanh tay vớt bì ngâm vào nước lạnh, mục đích để giúp bì giòn và trắng hơn. Bì lợn nguội, chị tiến hành thái thật nhỏ thành các sợi đều nhau.

Ngoài ra, để tạo hương vị thơm ngon, đậm đà cho món “nem nắm con dâu bà Thành”, chị Chiên cũng rất chú ý đến công đoạn làm thính. Để có thính làm nem thơm ngon, đậm đà, chị rất kỳ công từ khâu chọn gạo. Theo đó, chị chọn gạo tám thơm Hải Hậu ngâm nước qua đêm, để ráo rồi rang vàng và nghiền bột mịn làm thính. Cuối cùng chị trộn đều thịt, bì, thính, gia vị để làm nem nắm. Sử dụng nguyên liệu tươi ngon cộng thêm cách chế biến hấp dẫn, giá cả phải chăng, món nem nắm của gia đình chị Chiên dần thu hút được đông khách hàng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của nghề gia truyền, năm 2018, chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thuê thêm thợ. Đến nay, xưởng làm nem nắm của gia đình chị Chiên tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, xưởng cung ứng cho thị trường 200-300 nắm nem, dịp lễ tết có thể lên tới 700-1.000 nắm nem. Trung bình hàng tháng, trừ chi phí, chị Chiên thu lãi 25-30 triệu đồng. Năm 2022, “nem nắm con dâu bà Thành” được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Hải Hậu vốn nổi tiếng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống như: mây tre đan, mộc mỹ nghệ, chiếu cói, bánh kẹo... Trong đó, bánh nhãn là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của huyện, “chinh phục” được đông đảo người tiêu dùng. Từ những nguyên liệu đơn giản như bột gạo nếp, trứng gà tươi, đường kính trắng, mỡ lợn… qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm nên món ăn vặt nức tiếng, thơm ngon, bổ dưỡng.

Trải qua hàng trăm năm, nghề làm bánh nhãn ở Hải Hậu vẫn tiếp tục được người dân lưu giữ và phát triển. Hiện nay, thị trấn Yên Định, xã Hải Bắc là những nơi tập trung đông các hộ gia đình làm bánh nhãn. Và một trong những “thương hiệu” bánh nhãn được thị trường tin tưởng, yêu thích đánh giá cao là sản phẩm “Bánh nhãn tết vua” của gia đình chị Lưu Liên Phương, xóm Giáp Nội, xã Hải Bắc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về làm bánh nhãn, ngay từ khi còn rất nhỏ, chị Phương đã bị nghề “thu hút”.

“Tôi thích nhất là được ngồi quan sát cách ông bà, bố mẹ làm bánh nhãn. Thời điểm ấy, để làm được một mẻ bánh, thợ bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn vì không có sự hỗ trợ của máy móc. Vất vả là thế, xong khi một mẻ bánh vàng ươm, thơm ngậy ra lò, tôi cảm nhận được sự sung sướng, hài lòng của cả gia đình”, chị Phương chia sẻ.

Tâm huyết với nghề, chị Phương nhanh chóng mở cơ sở làm bánh và thu hút đông lượng khách hàng. “Bánh nhãn tết vua” của chị được những người sành ăn đánh giá cao bởi làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không sử dụng phẩm màu, hoá chất, giá cả phải chăng, bình quân khoảng 100 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, từ năm 2020, “Bánh nhãn tết vua” đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ nghề gia truyền còn giúp chị Phương trở thành “triệu phú”, tạo việc làm cho 10-15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Nem nắm con dâu bà Thành”, “Bánh nhãn tết vua” chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình khởi nghiệp thành công của hội viên phụ nữ trong tỉnh gắn với Chương trình OCOP. Ngay khi Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP; chủ động kết nối với các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã, quản trị cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm động viên chị em tham gia chương trình; hướng dẫn, hỗ trợ chị em viết các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khởi nghiệp, nhất là lựa chọn những hồ sơ chỉ rõ được thế mạnh, hướng phát triển của sản phẩm; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hội chợ, trang thương mại điện tử, mạng xã hội… Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, Hội Phụ nữ các cấp đã động viên, khích lệ được nhiều cán bộ, hội viên tham gia và thành công từ Chương trình OCOP.

Từ năm 2020 đến nay, đã có hàng chục sản phẩm OCOP được hội viên phụ nữ phát triển gắn với các chương trình khởi nghiệp. Trong đó có những sản phẩm OCOP khởi nghiệp được UBND tỉnh, các cấp Hội đánh giá cao, trao giải thưởng tại các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” như: nấm đông trùng hạ thảo Phúc Khang, tỏi đen Khang Linh; tinh bột nghệ Hải Anh, ổi lê Hải Tân, kẹo vừng thanh Hồng Bắc, tương ớt, tương cà Yên Bằng, rượu men lá Thanh Xuân, các sản phẩm miến dong, bánh đa cua, nem, bánh nhãn… của chị em phụ nữ thành phố Nam Định, các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nam Trực…

Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP, từ đó không chỉ giúp chị em làm giàu trên chính đồng đất quê hương mà còn góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

Hà Nội: Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, thành phố có 132 hợp tác xã nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận OCOP; 100% hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy các hợp tác xã tham gia vào chương trình này.

Đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi sạch và Kinh doanh tổng hợp Phú Cường (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Tuấn, năm 2018, hợp tác xã được thành lập, với hơn 60 xã viên. Hợp tác xã chuyên trồng bưởi Diễn và một số giống bưởi chín sớm để thu hoạch rải vụ. Với quy trình canh tác VietGAP, bưởi của hợp tác xã đã được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao.

“Thời gian qua, do nhiều nơi mở rộng diện tích trồng nên quả bưởi bị “rớt giá”. Song, bưởi của hợp tác xã vẫn bán với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/quả. Để có được giá ổn định này là do hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một trong 4 hợp tác xã tiêu biểu của thành phố Hà Nội đã chuyển đổi số trong sản xuất. Hiện tại, hợp tác xã có hàng chục sản phẩm được chứng nhận OCOP. Sản phẩm của hợp tác xã cũng tham gia vào chuỗi liên kết với các bếp ăn tập thể của bệnh viện, trường học và siêu thị trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 22% số sản phẩm này của cả nước. Đáng chú ý, có 153 hợp tác xã, trong đó có 132 hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Điều đó cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang có đóng góp rất tích cực cho mục tiêu Chương trình OCOP của Hà Nội.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, hằng năm, Đoàn kiểm tra của thành phố đều kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận. Thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, khai trương được 85 điểm bán sản phẩm OCOP.

Bên cạnh những lợi thế, tham gia vào Chương trình OCOP, các hợp tác xã gặp không ít khó khăn. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, năng lực, trình độ lãnh đạo quản lý của hợp tác xã còn thấp, chủ yếu điều hành bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản. Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Đa số các hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ. Các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi chưa nhiều. Sản phẩm của các hợp tác xã chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Nhiều chủ thể chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bao bì, nhãn mác.

Những khó khăn của các hợp tác xã nông nghiệp đã tác động không nhỏ tới việc phát triển sản phẩm OCOP. Vì vậy, tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP” do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã còn rất lớn. Toàn thành phố hiện có hơn 1.100 hợp tác xã đang hoạt động, có nguồn sản phẩm tiềm năng đạt sao OCOP. Còn theo Tiến sĩ Ninh Đức Hùng, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hợp tác xã cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cả trong sản xuất, chế biến lẫn thương mại để mang lại hiệu quả cao hơn…

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng cho rằng, Sở NN&PTNT Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả; chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần phát huy vai trò quan trọng trong kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng.

Thanh Hóa: Loay hoay xây dựng sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP đã đánh thức được nhiều sản phẩm tiềm năng, chủ lực của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế vẫn loay hoay chưa phát triển được sản phẩm OCOP, hoặc có sản phẩm nhưng chưa phát huy được giá trị.

Dù đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định song sản phẩm tôm nõn tươi Hiếu Thảo của HTX sản xuất, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nông thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.

Xã Quảng Chính (Quảng Xương) nổi tiếng với các sản phẩm thủy sản và cây đào phai hoa kép. Mặc dù lựa chọn được sản phẩm chủ lực, thế mạnh, song để các sản phẩm được gắn sao OCOP không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, theo yêu cầu, để đạt chuẩn xã NTM nâng cao, địa phương phải có ít nhất một sản phẩm OCOP. Những tháng cuối năm 2022, xã đã khuyến khích và ráo riết vào cuộc để tìm ra sản phẩm OCOP. Qua nhiều lần rà soát, tìm kiếm, vận động các chủ thể sản xuất tiềm năng, UBND xã đã lựa chọn sản phẩm tôm nõn tươi Hiếu Thảo của HTX sản xuất, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nông thủy sản Quảng Chính để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Giám đốc HTX Phạm Bá Thảo cho biết: Với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, HTX luôn sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, quy trình chế biến bảo đảm quy chuẩn nên khi được xã lựa chọn chúng tôi đã nỗ lực phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao đợt 1 năm 2023. Từ đó, góp phần công sức để xã cán đích NTM nâng cao.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Thảo, việc thành công “gắn sao” OCOP là nhiệm vụ đặc biệt, mang tính cấp thiết. Bởi, ở thời điểm cuối năm 2022 các quy trình sản xuất sản phẩm đã bảo đảm, song HTX chưa có nhà xưởng chế biến nên phải thuê ở một đơn vị khác. Hơn nữa, các sản phẩm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên chưa phải thời cơ chín muồi để trở thành OCOP. Thậm chí, sau gần 1 năm gắn sao, sản phẩm vẫn chưa đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng có lợi thế và xác định sản phẩm chủ lực để phát triển thành sản phẩm OCOP. Hoặc đã xác định được sản phẩm tiềm năng, song chủ thể chưa đủ năng lực để tạo được bứt phá trong hành trình gắn sao cho sản phẩm. Đó là câu chuyện phát triển sản phẩm OCOP tỏi đen Suzin của hộ sản xuất Hoàng Thị Loan ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Dù chủ thể đã mạnh dạn đăng ký phát triển sản phẩm tỏi đen Suzin thành sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2021. Song, qua nhiều lần rà soát, đánh giá của huyện, sản phẩm vẫn không đủ điều kiện để công nhận. Bà Hoàng Thị Loan, chủ thể sản xuất cho biết: Do sản phẩm tỏi đen thuộc nhóm sản phẩm dược liệu và có nguồn gốc dược liệu nên quy trình và tiêu chuẩn đánh giá khắt khe. Bên cạnh những điểm chung, sản phẩm cần có bảng đánh giá, phân tích dược tính, bảng tự công bố chất lượng... Nhưng những yêu cầu này khá mất thời gian và kinh phí nên là trở ngại lớn cho chủ thể sản xuất. Dù UBND thị trấn và phòng chuyên môn của huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ, song chúng tôi phải loay hoay gần 2 năm mới có thể hoàn thiện quy trình để được công nhận OCOP vào đợt 2 năm 2023.

Qua 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, trọng tâm gắn với XDNTM theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 396 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh, việc phát triển được sản phẩm OCOP lại càng trở nên quan trọng, không thể lơ là. Bởi, đây là chỉ tiêu không thể thiếu trong XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Do vậy, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ tăng nhanh theo từng năm.

Để xây dựng được sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường thì các địa phương cần phải lựa chọn được sản phẩm có tính đặc trưng, độc đáo và bảo đảm chất lượng, quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, trong quá trình hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, cần chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, nhằm trợ lực cho các chủ thể, chính quyền các cấp cần linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cung cấp thông tin kết nối... để sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh, góp phần phát huy giá trị của chương trình và danh hiệu sao OCOP.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top