Để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.
Đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị
Hệ thống siêu thị là kênh trưng bày, phân phối, tiêu thụ hàng hóa đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng bảo đảm. Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị trong, ngoài tỉnh để mở rộng quảng bá ra thị trường.
Sản phẩm OCOP 4 sao miến đao Giới Phiên bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp chứng nhận 227 sản phẩm OCOP; trong đó, có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao. Trong những sản phẩm này, đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu. Tuy nhiên, dù các sản phẩm OCOP chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa theo quy định, nhưng hiện tại mới chỉ có 12 sản phẩm đang bày bán tại Siêu thị BigC Hà Nội.
Chương trình OCOP được triển khai tại Yên Bái trong những năm qua, đã thực sự mang lại một luồng gió mới cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh.
Từ Chương trình này, nhiều sản phẩm có chất lượng được cấp mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc đã được người tiêu dùng đón nhận. Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái là đơn vị nhiều năm nay duy trì được sản phẩm miến đao bán tại Siêu thị BigC Hà Nội.
Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sản phẩm của HTX đã đến gần hơn với người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX cho biết: "Những năm qua, việc đưa sản phẩm miến đao vào hệ thống siêu thị BigC Hà Nội đã hình thành chuỗi giá trị kinh tế cao, giúp HTX tăng giá trị sản phẩm, khối lượng sản phẩm bán ở trong nước tăng lên từ 4 - 5% so với trước; từ đó, nâng giá trị lợi nhuận cho HTX. Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại siêu thị, các sản phẩm của HTX đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Đó cũng là cơ sở, nền tảng để sản phẩm có thêm cơ hội được quảng bá đến với nhiều siêu thị, hệ thống siêu thị hiện đại hơn trong cả nước”.
Là đơn vị có tới 5 sản phẩm OCOP được chế biến từ cá, thời gian qua, Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện dây chuyền chế biến, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ khâu nuôi trồng đến chế biến sản phẩm. Sản phẩm của Công ty hiện đã có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và cũng đã được khách hàng tin dùng. Mục tiêu của Công ty là đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các thị trường tiêu dùng lớn cũng như hướng tới xuất khẩu.
Bà Vũ Thị Thu Hương - Quản lý Công ty TNHH Thủy sản sạch Hải Hà cho biết: "Tại Tuần lễ giới thiệu hàng nông sản, thủy sản tỉnh Yên Bái diễn ra vào cuối năm 2022, Công ty chúng tôi đã có lễ ký kết với đối tác Central Retail trong việc đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn. Cụ thể là vào bán tại Trung tâm Thương mại Big C Hà Nội, Công ty có 4 sản phẩm: xúc xích, giò, chả, ruốc cá lăng đang được bày bán”.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh hiện đang được bày bán trên hệ thống siêu thị chủ yếu là các sản phẩm khô, nhưng số lượng không nhiều, còn các sản phẩm tươi chưa có. Nguyên nhân chính là các sản phẩm còn mang tính mùa vụ, quy mô sản xuất không lớn, sản lượng không đều, khi các đối tác muốn nhập với số lượng lớn không đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng sản phẩm không đồng đều do phụ thuộc vào yếu tố vùng sản xuất.
Ngoài ra, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP thiếu các thủ tục pháp lý khi thực hiện các hợp đồng giao dịch kinh tế, phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật… chưa đáp ứng được tiêu chí đề ra. Mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác chưa đa dạng, bắt mắt và chính sách đổi, trả các sản phẩm không theo được nhu cầu của các siêu thị. Điều này, khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống siêu thị.
Chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Hiện tại, HTX có 3 sản phẩm: rượu, ô mai, mứt táo mèo đang hoàn thiện các thủ tục để được tiêu thụ trong Siêu thị BigC Hà Nội. HTX cam kết với phía siêu thị sẽ cung cấp đủ số lượng, chất lượng luôn bảo đảm, mẫu mã bao bì đẹp, bắt mắt…”.
Để các sản phẩm OCOP của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị lớn, tỉnh đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Đồng thời, tiếp tục làm việc với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn để có cơ chế ưu đãi thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP phải hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm; hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến cũng như công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm rõ hơn các quy định, chính sách có liên quan của Nhà nước, các điều kiện, quy trình để đưa một sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị, tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất OCOP tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước và được gặp gỡ, kết nối giao thương với nhau, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm”.
Sẵn sàng phục vụ Tết
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã rất gần. Đây là thời điểm các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Nhân viên HTX Thủy sản Hoàng Kim, huyện Yên Bình đóng gói sản phẩm ruốc cá lăng và xúc xích cá lăng.
Đến thăm cơ sở sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hoàng Kim, huyện Yên Bình những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí rộn rã, tất bật chuẩn bị hàng hóa khi hơn chục lao động đang khẩn trương người thì sơ chế nguyên liệu, người chế biến nguyên liệu thành sản phẩm, người đóng gói… Hiện, HTX Thủy sản Hoàng Kim có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và tiến tới nâng hạng lên 4 sao gồm: xúc xích cá lăng, chả cá lăng, giò cá lăng và ruốc cá lăng. Các sản phẩm được chế biến từ cá lăng đặc sản hồ Thác Bà.
Với phương châm sản xuất theo chuỗi khép kín, HTX liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà đi vào sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu từ cá lăng được nuôi trên lòng hồ Thác Bà. Bằng quy trình sản xuất khép kín từ khâu chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nên HTX có thể kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của HTX bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường.
Chị Vũ Thị Thu Phương - quản lý sản xuất của HTX cho biết: "Thời điểm này, toàn bộ thành viên, người lao động của HTX đang dồn lực cho các đơn hàng tết và lượng hàng hiện tại tăng khoảng 20% so với ngày thường. Sản phẩm sau chế biến, đóng gói được bảo quản phòng lạnh ở điều kiện nhiệt độ âm 36oC nên HTX xuất nhiều đơn hàng cho khách sỉ để bán vào dịp tết thời hạn sử dụng có thể kéo dài mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”.
Những ngày này, thời tiết thuận lợi nên HTX Thanh Mai, huyện Văn Yên chuyên sản xuất bún, phở khô đã huy động toàn bộ lao động đẩy nhanh tiến độ sản xuất cho các đơn hàng tết Nguyên đán. Để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp tết, từ cuối năm 2023, HTX đẩy mạnh sản xuất, làm việc tăng ca để kịp giao hàng đúng hạn cho khách.
Anh Nguyễn Ngọc Tuệ - Giám đốc HTX cho hay: "Chất lượng, phù hợp với thu nhập của nhiều người, đó là tiêu chí mà các sản phẩm của HTX đưa ra nhằm phục vụ thị trường. Hiện tại, số lượng đơn đặt hàng dịp tết nguyên đán Giáp Thìn tăng gấp 3 lần so với bình thường nên công nhân phải làm việc thêm giờ mới kịp số lượng đơn hàng”.
Mặc dù đơn hàng tăng mạnh, nhưng HTX không tăng giá bất kì sản phẩm nào so với các tháng trước đây, kể cả với sản phẩm bún khô là sản phẩm bán chạy nhất thì giá bán buôn cũng vẫn là 13.000 đồng/gói và bán lẻ là 15.000 đồng/gói trọng lượng 500g. Bên cạnh việc đưa hàng hóa vào hệ thống các cửa hàng tại tỉnh, HTX còn đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trên trang thương mại điện tử và các kênh bán hàng khác.
Chè xanh chính là món quà dân dã, gần gũi nhưng thật hợp với rất nhiều người tiêu dùng mỗi dịp tết đến xuân về. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp tết, HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng chủ động đẩy mạnh sản xuất từ trong năm để bảo đảm cung ứng sản phẩm chất lượng cho thị trường. HTX cũng chú trọng mẫu mã cùng chiến lược quảng bá phù hợp, với mong muốn sản phẩm của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng và làm tặng phẩm trong dịp tết.
Được trồng theo quy trình khép kín từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giá bán sản phẩm Chè xanh Bảo Hưng đã tăng cao hơn so với trước đó, với giá hiện tại 250.000 - 300.000 đồng/kg. Dịp này, lượng Chè xanh Bảo Hưng được bán ra tăng gấp 1,5 lần so với trong năm.
Hiện, Yên Bái có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP được đẩy mạnh. Đặc biệt, dịp Tết, nhu cầu của khách hàng đối với những sản phẩm này gia tăng đột biến.
Mở đường xuất khẩu
Năm 2023, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Trong năm, toàn tỉnh công nhận 72 sản phẩm OCOP bằng 232,2% kế hoạch, nâng hạng 3 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Lũy kế toàn tỉnh có 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao, 209 sản phẩm 3 sao.
Chương trình OCOP đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị”. Nhiều sản phẩm đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội.
Ngoài việc nâng cao chất lượng, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đến người dân trong nước và quốc tế được triển khai.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Để góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan thực hiện tương đối tốt công tác quản lý nhà nước về XTTM; kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt phân bổ kinh phí, nội dung, hình thức XTTM phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tập trung vào các hoạt động như: cung cấp thông tin, tuyên truyền quảng bá; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, XTTM trong và ngoài nước; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ XTTM; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước như: Alibaba, Sendo, Shopee, Voso, Postmart”. Năm 2023, nhiều hoạt động XTTM định hướng xuất khẩu được triển khai.
Sở Công Thương chủ trì tổ chức gian hàng của tỉnh Yên Bái tham gia Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hoá Con Minh – Trung Quốc 2023; tổ chức chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức trực tuyến; tổ chức đoàn công tác tham dự Hội nghị giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội...; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự 5 hội nghị trực tuyến giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 8 hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia...; hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đoàn khảo sát thị trường và XTTM tại Nhật Bản; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh gửi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Trà quốc tế Hadong Hàn Quốc năm 2023.
Nổi bật trong XTTM định hướng xuất khẩu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức…
Sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu. Bước đầu, đưa được 8 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc. Các hoạt động XTTM đã tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thời gian tới, để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về XTTM, thương mại điện tử, nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ các địa phương, các cơ sở và doanh nghiệp đổi mới phương thức bán hàng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các chủ thể sản phẩm OCOP cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng; sản phẩm phải đa dạng để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có năng lực để mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, bổ sung nguồn lực, đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tích cực quảng bá, giới thiệu hàng hoá thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ, đầu tư trang thiết bị phù hợp để đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Hiện, Yên Bái có 237 sản phẩm OCOP; trong đó, có 22 sản phẩm 4 sao, 215 sản phẩm 3 sao. Toàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Nhiều cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong tỉnh cũng lựa chọn, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào các giỏ quà tặng ngày tết. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, lan tỏa ra thị trường và góp phần phát triển thương hiệu OCOP của tỉnh. |
Theo baoyenbai.com.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.